Vai trò tiên phong của các nhà khoa học trong phát triển thủy lợi. Sạt lở bờ sông Ngàn Phố, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị đe dọa. Giá tiêu cao hơn 70% so với đầu năm. Mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Ngọc Linh.
VAI TRÒ TIÊN PHONG CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC TRONG PHÁT TRIỂN THỦY LỢI
Thực hiện: Quang Dũng
Phát biểu tại Hội nghị khoa học công nghệ thủy lợi 80 năm đồng hành và phát triển cùng đất nước diễn ra sáng nay (14/11), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, để ngành thủy lợi phát triển mạnh và bền vững thì cần sự nỗ lực và quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của xã hội, và đặc biệt có vai trò tiên phong của đội ngũ khoa học. Do đó, các viện, trường cần xây dựng cơ chế chính sách và thu hút nhân tài.
Bên cạnh đó, ngành thủy lợi cũng cần chú trọng việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp cận tri thức mới và công nghệ tiên tiến cũng như tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để ứng dụng hiệu quả những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà quản lý chuyên ngành thủy lợi đã cùng thảo luận, trao đổi và đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến đột phá nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển thủy lợi.
Tin 2
SẠT LỞ BỜ SÔNG NGÀN PHỐ, NHIỀU DIỆN TÍCH ĐẤT NÔNG NGHIỆP BỊ ĐE DỌA
Thanh Nga sx (Nguyễn Thị Nga)
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Phố đoạn qua khu vực Đượng Dâu và Đượng Cựa, thuộc thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày càng nặng nề, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân.
Theo chính quyền địa phương, sạt lở đã ảnh hưởng đến 10 ha chè đang trong giai đoạn thu hoạch của bà con, trong đó có đến 6ha bị cuốn trôi. Nếu tình trạng này tiếp diễn gần 100 ha đất canh tác ven sông còn lại có nguy cơ sẽ bị xóa sổ, tác động đến sinh kế của hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã. Chính quyền và người dân xã Sơn Kim 2 tha thiết mong muốn Trung ương, tỉnh sớm có phương án kè bờ sông để chống sạt lở, giữ đất canh tác.
Tin 3
GIÁ TIÊU CAO HƠN 70% SO VỚI ĐẦU NĂM
Quỳnh Anh khai thác
Hôm nay ngày 14/11/2024, giá tiêu tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên chững lại ở phần lớn các vùng trọng điểm, giao dịch quanh mốc 138.000 -139.000 đồng/kg; giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk,Bình Phước.
Theo đó, giá tiêu Đắk Lắk được thu mua ở mức 139.000 đồng/kg đi ngang so với ngày hôm qua. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) thu mua ở mức 138.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Giá tiêu Đắk Nông hôm nay ghi nhận ở mức 139.000 đồng/kg bằng giá so với ngày hôm qua.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay không có biến động so với ngày hôm qua. Cụ thể, tại Bình Phước giá tiêu hôm nay ổn định ở mức 139.000 đồng/kg . Tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện ở mức 138.000 đồng/kg không có biến động so với ngày hôm qua.
Như vậy, trên thị trường nội địa, dù vẫn đang chịu áp lực khi nhu cầu chậm lại nhưng nguồn cung hạn chế giúp cho giá tiêu vẫn đang cao hơn khoảng hơn 70% so với đầu năm và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Bảng
GIÁ TIÊU HÔM NAY
Đắk Lắk: 139.000 đồng/kg
Chư Sê (Gia Lai): 138.500 đồng/kg
Đắk Nông: 139.000 đồng/kg
Bình Phước: 139.000 đồng/kg
Bà Rịa – Vũng Tàu: 138.000 đồng/kg
Tin 4
MỞ RỘNG BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CHO SẢN PHẨM SÂM NGỌC LINH
Quỳnh Anh khai thác
UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án khoa học công nghệ về mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Dự án này sẽ được thực hiện trong năm 2025, thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh. Dự án có mục tiêu chung là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Mục tiêu cụ thể là chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum mở rộng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo quy định.
Hiện nay, những khu vực được cấp chỉ dẫn sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều diện tích đang được đồng bào Xơ Đăng và doanh nghiệp cùng nhau liên kết trồng sâm Ngọc Linh, cùng hưởng lợi, làm giàu dưới tán rừng. Đồng bào Xơ Đăng đã trở thành tỷ phú nhờ sâm, có hộ chỉ tính riêng tiền bán hạt sâm đã thu được 10 tỷ đồng/năm.. Do đó, việc phê duyệt dự án khoa học công nghệ về mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ là quyết định giúp đồng bào Xơ Đăng thêm cơ hội làm giàu.