Theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 27/12 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 7627/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về xây dựng NTM ở những xã đặc biệt khó khăn, huyện Tây Giang có 2 xã nằm trong phạm vi Đề án là xã Chơm (7 thôn) và xã Tr’hy (6 thôn).
Theo Văn phòng Điều phối (VPĐP) NTM huyện Tây Giang, thì các xã nói trên có đa số là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn nhiều hạn chế.
Nhu cầu kinh phí đầu tư để đạt chuẩn tiêu chí số 13 (cơ sở hạ tầng thiết) yếu còn thiếu nhiều, tuyến đường tại một số thôn chưa được cứng hóa, giao thông đi lại rất khó khăn vào mùa mưa, 7 thôn chưa có điện lưới quốc gia nên ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, các xã triển khai Đề án đều gặp khó khăn trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là tiêu chí khó đạt nhất vì tỷ lệ hộ nghèo các xã này còn rất cao (trên 50%), nguy cơ tái nghèo của các hộ vừa thoát nghèo còn nhiều tiềm ẩn.
Thu nhập bình quân đầu người các xã khó khăn của huyện Tây Giang còn thấp (khoảng 15 – 18 triệu đồng/người/năm). Nhiều mô hình đã triển khai ở các địa phương nhưng hiệu quả chưa cao do điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất lạc hậu, dân số bố trí phân tán, chưa có mô hình sản xuất bao tiêu sản phẩm tại chỗ.
“Ngoài ra, theo chủ trương chung, giảm số lượng cán bộ ở thôn từ 5 người xuống còn 3 người và không còn hỗ trợ kinh phí hoạt động các đoàn thể ở thôn nên cũng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch NTM. Vai trò chủ thể của người dân chưa được thể hiện rõ, sự gắn kết trong thôn xóm chưa được nâng lên”, đại diện Văn phòng Điều phối NTM huyện Tây Giang cho biết.
Trước thực tế này, huyện Tây Giang đã xác định nhiều giải pháp nhằm đưa các xã đặc biệt khó khăn phát triển và đạt chuẩn NTM bằng các nhóm giải pháp rất cụ thể, thiết thực.
Theo đó, đối với nhóm giải pháp thứ nhất là tuyên truyền, vận động, huyện này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về ưu tiên, tăng nguồn lực hỗ trợ các thôn về xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững.
Nhóm giải pháp thứ hai tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu thì ngân sách Trung ương hỗ trợ các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt và cải thiện điều kiện sống trực tiếp cho người dân. Lồng ghép các chương trình, dự án cũng như huy động doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ chi phí vận chuyển nguyên vật liệu tới khu vực thi công của các thôn…
Huyện Tây Giang cũng hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên hỗ trợ các hộ có điều kiện, có năng lực phát triển sản xuất về lãi suất vốn vay, mua vật tư, hỗ trợ tham gian, tập huấn, đào tạo nghề…
Một nhóm giải pháp nữa của huyện này, là nâng cao năng lực và chú trọng tập huấn về các kỹ năng cho Trưởng thôn, thành viên Ban phát triển thôn, người có uy tín trong cộng đồng để có thể triển khai các nội dung dự án.
Với những giải pháp đã thực hiện, vừa qua huyện Tây Giang dần nâng cao được chất lượng các tiêu chí ở xã. Mặc dù thời gian triển khai thực hiện Đề án mới từ cuối năm 2018 đến nay nhưng kết quả đạt được ở các thôn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trước đó, thực trạng các thôn khi rà soát xây dựng kế hoạch mới đạt bình quân 4 tiêu chí/thôn.
“Đến thời điểm hiện nay, các xã này đã đạt bình quân 9 tiêu chí/thôn, trong đó 3 thôn đạt 11 tiêu chí. Huyện Tây Giang phấn đấu đến cuối năm 2020, các xã thoát khỏi thuộc nhóm xã dưới 8 tiêu chí, trong đó sẽ có 6/13 thôn đạt chuẩn NTM”, đại diện Văn phòng Điều phối NTM huyện Tây Giang thông tin.
Cũng theo Văn phòng Điều phối NTM huyện Tây Giang, để đạt được những mục tiêu đã xác định, huyện rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các các Ban, ngành trong tỉnh. Trong đó, huyện này kiến nghị cần có cơ chế để đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia cho các thôn ở xã miền núi, xã biên giới.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo nghề cho nông dân trong vùng để đáp ứng yêu cầu dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đồng thời, quan tâm đến công tác khuyến nông để cho những lao động ở lại nông thôn có thể nâng cao hiệu quả sản xuất.