Tận dụng chính sách học nghề
Theo ghi nhận của PV tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp, trong thời gian gần đây, có nhiều người đến đăng kí nhận trợ cấp thất nghiệp, cũng như tư vấn về học nghề. Trong đó, phần lớn là công nhân thuộc Công ty Pouyen Việt Nam.
Chị Nguyễn Ngọc Hà (25 tuổi, ngụ Cần Thơ) là một trong những công nhân của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam bị mất việc trong đợt cắt giảm lao động hồi tháng 2 cho biết, sau thời gian nghỉ việc chị đã làm thủ tục để nhận trợ cấp thất nghiệp. “Bây giờ tìm được việc khó quá nên tôi đang học tiếng Hàn, dự tính tôi sẽ xin đi xuất khẩu lao động. Cũng may có khoản trợ cấp thất nghiệp, cộng với tiền hỗ trợ công ty cũng đỡ cho tôi phần nào trong khoảng thời gian này. Mình còn trẻ nên tôi và một số người bạn đang cố gắng học tiếng để có thể đi xuất khẩu lao động, kiếm tiền về phụ giúp gia đình”, chị Hà nói.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Tú (45 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho hay, chị không thể tìm được công việc nào để có thể tiếp tục đóng BHXH nên buộc phải tìm những công việc bán thời gian như rửa chén, giúp việc nhà, nhận may gia công, trông trẻ… miễn có tiền trang trải cuộc sống của 2 mẹ con.
Về phía các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động thì đa phần chỉ tuyển dụng lao động dưới 40 tuổi. Theo thông báo tuyển dụng của một hệ thống khách sạn đang có nhu cầu tuyển nhiều nhân viên vị trí buồng, phòng, kế toán nội bộ, tiền sảnh - bảo vệ với mức lương cao nhất 8 triệu đồng, nhưng cũng chỉ tuyển dưới 35 tuổi.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ làm đẹp cũng chỉ tuyển lao động từ 18-35 tuổi, có tay nghề.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong đợt cắt giảm lao động tháng 2 vừa qua của Pouyuen Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 2.500 lao động. Trong đó, chỉ có gần 50 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, đa phần người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc tìm việc làm thời vụ, không ký kết hợp đồng lao động để vừa làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khảo sát gần 3.500 doanh nghiệp cho thấy, tỉ lệ cắt giảm lao động trong 5 tháng đầu năm 2023 ở lĩnh vực dệt may, da giày, xây dựng, kinh doanh, bất động sản chiếm nhiều hơn so với các lĩnh vực khác. Trong bối cảnh đó, những công nhân bị mất việc cũng sẽ khó tìm được việc làm mới cùng ngành nghề trong thời gian ngắn.
Ở các lĩnh vực khác như sản xuất lương thực, thực phẩm, đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử máy tính; bán buôn và bán lẻ; du lịch; tài chính - ngân hàng… tăng về nhu cầu tuyển dụng. Đây là cơ hội việc làm cho người lao động khi chuyển đổi sang các lĩnh vực này. Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, thì người lao động này nên tận dụng chính sách học nghề theo quy định của bảo hiểm thất nghiệp để có một nghề ổn định hơn trong tương lai.
TS Nguyễn Xuân Hải, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng, Việt Nam đang thiếu nhiều lao động tay nghề để thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước. Còn doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm lao động có tay nghề phù hợp. Trong khi đó, khả năng đào tạo tại chỗ, đào tạo lại chưa được như kỳ vọng dù có nhiều chính sách lớn hỗ trợ vấn đề này.
Ông Hải cho rằng, về tổng quan thì việc làm không thiếu, chỉ thiếu người lao động không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài không thể tìm được nhân sự trong nước, mới tuyển nhân sự từ các nước khác đến Việt Nam làm việc. Do đó, nếu không được đào tạo nghề, không chịu nâng cao tay nghề thì người lao động Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ.
"Chúng ta cần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cấp thiết nhất là đào tạo nghề cho người lao động chưa có nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động có tay nghề thấp và cần một chính sách lớn về giáo dục nghề nghiệp", ông Hải nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn TP.HCM đang chủ động, tích cực thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động, thường xuyên nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình quan hệ lao động, biến động lao động, chủ động giải pháp hỗ trợ kịp thời, phòng ngừa tranh chấp tập thể, ngừng việc; phối hợp với các Sở, ban, ngành để tham gia giải quyết.
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện theo dõi sát tình hình và phương án giảm lao động tại các doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động. Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề). Cụ thể, trong tháng 6, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp các địa phương tổ chức 3 sàn giao dịch việc làm để kết nối việc làm giữa doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động đang tìm kiếm việc làm.
Dự báo về thị trường lao động trong thời gian tới, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho rằng, thị trường vẫn còn bị ảnh hưởng và trầm lắng vì nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động.
Chính phủ chỉ đạo khẩn
Trước tình hình cắt giảm lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam - doanh nghiệp có số lao động lớn nhất khu vực phía Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các bộ ngành liên quan vào cuộc, tìm giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nắm chắc tình hình thực tế người lao động mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án ban hành chính sách hỗ trợ người lao động.
Để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm trên địa bàn, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động về kinh phí công đoàn. Còn Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy đối thoại, thương lượng, kịp thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động và người sử dụng lao động.
Theo báo cáo của 53 tỉnh/thành phố và các hiệp hội doanh nghiệp, đến ngày 26/5, có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng mất, giãn việc làm. Trong đó, hơn 270.000 lao động bị mất việc, thôi việc, chiếm khoảng 55%. Khu vực lao động bị mất việc làm nhiều nhất hiện nay là tỉnh Bình Dương (khoảng 80.000 lao động), Đồng Nai (69.000 lao động), Hà Nội (trên 64.000 lao động), TP.HCM (44.000 lao động), Bắc Giang (27.000 lao động)... tập trung chủ yếu ở 3 ngành dệt may, da giầy và chế biến sản phẩm gỗ.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực tế hiện vẫn có nhiều ngành nghề đang thiếu hụt lao động, cần tuyển dụng thêm, nhưng cũng có những doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động.
Cục Việc làm thường xuyên nắm tình hình từ các Sở LĐ-TB&XH địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố và báo cáo Bộ, Chính phủ về bức tranh chung của tình hình lao động, việc làm, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể. Song song đó, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố giải quyết ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm và đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm việc làm cho lao động mất việc.