| Hotline: 0983.970.780

Nợ xấu 'khó nói' của MBBank trước thềm Đại hội cổ đông 2024

Thứ Tư 10/04/2024 , 16:14 (GMT+7)

MBBank đang gấp rút chuẩn bị cho việc sáp nhập Oceanbank. Tuy nhiên, ngoài bài toán tài chính phức tạp cần phải giải, MBBank phải đối mặt trước tiên với những vấn đề nội tại ở kỳ đại hội cổ đông diễn ra vào tuần sau.

Cổ đông quan ngại về khách hàng rủi ro và bài toán tài chính phức tạp đoạn sáp nhập

Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB) dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 19/4 tới đây, cũng là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ 2019 - 2024 để mở ra nhiệm kỳ mới 2024 - 2029. Đây cũng là kỳ đại hội đặc biệt quan trọng khi diễn ra sau khoảng một năm ông Lưu Trung Thái lên làm Chủ tịch.

Năm 2024, MBBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9%, tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%. Mục tiêu 2% dựa trên cơ sở tỷ lệ nợ xấu năm 2023 hiện đã ở mức 1,6%, trong năm nay, ngân hàng có kế hoạch nhận sáp nhập Oceanbank, nếu kịch bản này xảy ra, bài toán kinh doanh và kiểm soát nợ xấu sẽ thêm phần phức tạp.

Theo BCTC hợp nhất năm 2023, tổng nợ xấu của MBBank là 611.048.830 triệu đồng. Trong đó, nợ đủ tiêu chuẩn: 578.107.822 triệu đồng (89,5%); nợ cần chú ý: 13.917.867 triệu đồng (2,27%); nợ dưới tiêu chuẩn: 3.210.741 triệu đồng (0,52%); nợ nghi ngờ: 3.704.226 triệu đồng (0,61%); nợ có khả năng mất vốn: 2.889.691 triệu đồng (0,47%); tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) năm 2023 hiện đang là 1,6%.

Nợ xấu

Năm 2024 ban lãnh đạo MBBank đưa kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 - 8%, thấp hơn so với con số 15% mà năm 2023 đã đạt được. Tín dụng được dự báo tăng trưởng 15 - 16%. Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn. Trong giai đoạn từ 2024 - 2029, MBBank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 15% mỗi năm. Tỷ lệ trả cổ tức trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15 - 20%/năm. Kịch bản này chưa tính đến trường hợp MBBank nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại.

Về việc nhận sáp nhập Oceanbank, theo Chủ tịch MBBank, ngân hàng đã hoàn tất thủ tục trình Chính phủ và chờ phê duyệt cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kỳ vọng trong năm 2024, dự án này sẽ được hoàn thành. Tính đến thời điểm hiện tại, Oceanbank còn vướng nhiều "con nợ khó đòi" với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Để thu hồi nợ xấu, Oceanbank đã nhiều lần giao bán đấu giá tài sản, song liên tục hạ giá vẫn khó tìm được người mua.

Chỉ tính riêng tổng nợ xấu của 4 đơn vị: Công ty VNT, công ty Thành An, công ty Gia Phát và công ty Tùng Lâm đã là khoảng 4.707 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ của của Oceanbank giới thiệu là 4.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, ngày 8/3/2024, OceanBank tiếp tục thông báo rao bán khoản nợ xấu của CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng VNT lần thứ 6 với tổng nghĩa vụ nợ tạm tính là hơn 1.163 tỷ đồng, giá đấu giá khởi điểm chỉ 565 tỷ đồng. Cũng trong tháng 3 vừa qua, OceanBank đấu giá khoản nợ xấu của Công ty Tùng Lâm (khoản nợ được rao bán nhiều lần từ năm 2020 tới nay) với giá khởi điểm đã giảm xuống chỉ còn chưa tới 195 tỷ đồng.

Nợ xấu và những dấu hỏi lớn

Nợ xấu có thể coi là câu chuyện được cổ đông quan tâm bậc nhất tại MBBank, bên cạnh việc sáp nhập, một số khách hàng trong danh sách cho vay của MBBank cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Hai cái tên được các cổ đông nhắc nhiều nhất khi nói đến nợ xấu là Tập đoàn Novaland, Trung Nam Group.

Nợ xấu

Tại Hội nghị Nhà đầu tư tổ chức chiều ngày 6/3/ 2024, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MBBank cho biết, tình hình các khoản vay của Tập đoàn Novaland (NVL) tại Ngân hàng này đang tốt lên.

 

Tại Hội nghị Nhà đầu tư hồi đầu năm 2024, Chủ tịch MBBank Lưu Trung Thái xoa dịu nỗi lo của các cổ đông bằng thông tin loạt khoản nợ liên quan đến những khách hàng lớn này hiện đều thuộc nợ Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) và các khoản nợ này đều đang tiến triển tích cực, các khách hàng vẫn đang thanh toán nợ bình thường. Với Tập đoàn Novaland, năm 2023 MBBank đã thu được gần 50% dư nợ. Với Tập đoàn Trung Nam, MBBank tham gia 3 dự án và các dự án này đều có dòng tiền trả nợ đều đặn…Về dư nợ của Sun Group, Chủ tịch MBBank cũng cho hay các khoản vay vẫn ở nhóm 1 và các dự án có dư nợ đều là điểm mạnh của Tập đoàn, liên quan đến du lịch.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án phía Nam của Novaland đang phải xây dựng cầm chừng vì gặp nhiều vướng mắc về pháp lý do chưa thể tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch… Điển hình như bất cập trong quy hoạch dự án AquaCity hay NovaWorld Phan Thiết gặp vướng mắc trong việc thẩm định giá đất, mà đây là hai dự án được MBBank cho vay chính. Tồn kho của Novaland theo BCTC hợp nhất năm 2023 ghi nhận mức cao kỷ lục (138.935 tỷ đồng), chiếm 60% tổng tài sản, đang được trích lập dự phòng 161 tỷ đồng. Chiếm hơn 95% hàng tồn kho là bất động sản để bán đang xây dựng (129.372 tỷ đồng). Tồn kho cao ở thời điểm hiện tại là một rủi ro lớn do việc chuyển đổi từ tồn kho thành sản phẩm hàng hóa đang phụ thuộc phần nhiều vào tiến độ tháo gỡ thủ tục pháp lý và khả năng phục hồi của thị trường bất động sản.

Về cơ cấu nguồn vốn, Novaland ghi nhận nợ phải trả lên tới 196.183 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2023. Doanh nghiệp này đang nợ ngân hàng 9.355 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu là 38.626 tỷ đồng. Novaland vẫn đang phải phụ thuộc phần lớn vào vốn vay/phải trả bên ngoài, đòn bẩy tài chính lớn, có thể ảnh hưởng đến mức độ an toàn về tài chính. Trong năm 2023, dù chỉ ghi nhận lợi nhuận ở mức 486 tỷ đồng nhưng Novaland đã phải trả tới 327 tỷ đồng chi phí lãi vay, càng cho thấy sự yếu kém trong hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nợ xấu

Trong bối cảnh như vậy, cuối năm 2023, Novaland được MBBank đồng ý cho vay 10.000 tỷ đồng đầu tư dự án NovaWorld Phan Thiet. Cụ thể, MBBank dự kiến giải ngân tối đa 10.000 tỷ đồng cho Delta-Valley (công ty thành viên của NVL), dư nợ của Delta-Valley tại MBBank tối đa tại mọi thời điểm là 6.000 tỷ đồng. Mục đích vay nhằm thanh toán tiền sử dụng đất, nhu cầu đầu tư, xây dựng và phát triển Dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương. Động thái này của ngân hàng làm dấy lên câu hỏi liệu có đang tồn tại sự "ưu ái" nào dành cho Novaland khi tình hình của doanh nghiệp không hề tích cực như những gì mà Chủ tịch MBBank Lưu Trung Thái đã xoa dịu cổ đông. 

Dù thừa nhận hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này thời gian qua gặp khó khăn, nhưng không chỉ MBBank mà một số ngân hàng khác vẫn khẳng định không có sức ép về chuyển nợ xấu đối với trái phiếu và các khoản vay tín dụng của Novaland, do ngân hàng cũng đồng thời là bên quản lý tài sản đảm bảo, có đủ điều kiện để đưa ra phương án xử lý tài sản nếu các trái phiếu hay khoản vay này gặp vấn đề phát sinh, không trả nợ được.

Ngược lại với Novaland, Công ty TNHH Quan Minh (chủ dự án Ocean Park Vân Đồn, Quảng Ninh) đã từng phải khởi kiện MBBank vì những uẩn khúc trong quá trình đánh giá khoản nợ của doanh nghiệp này. Dù đơn kiện đã được Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) thông báo thụ lý từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn để lại một dấu hỏi lớn vì chưa từng có một tuyên bố hay phán quyết cụ thể. 

Trước đó, Công ty Quan Minh nhấn mạnh rằng MBBank không thực hiện cam kết giải ngân và có nhiều sai phạm trong việc đưa công ty vào danh sách nợ xấu thuộc nhóm 4 trái pháp luật, gây thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho Công ty Quan Minh và Công ty Tân Lập. Phương thức này của MBBank đối với Công ty Quan Minh vào thời điểm đó chẳng khác nào chặn đứng mọi con đường huy động vốn để trả nợ, điều này làm cho không chỉ doanh nghiệp mà những ai quan tâm đến dự án này cũng phải đặt những câu hỏi lớn với MB Bank.

Nợ xấu có khả năng mất vốn tăng, trái phiếu vẫn là mối lo ngại

Việc ngân hàng MB nắm giữ quá nhiều trái phiếu doanh nghiệp cũng khiến nhiều cổ đông lo ngại về chất lượng dư nợ cũng như rủi ro tài sản. Trong năm 2023, MBBank vẫn là nhà băng nắm nhiều trái phiếu bậc nhất hệ thống. Trong danh sách trái phiếu của MBBank không ghi rõ hiện tại ngân hàng đang "ôm" trái phiếu của những doanh nghiệp nào, tuy nhiên chỉ cần tìm hiểu ngược lại các mốc thời gian là có thể thấy MBBank đang là một trong những trái chủ lớn của Novaland.

BCTC hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán của MBBank thể hiện, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của MBBank gồm có trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành đang ở mức 35.765 tỷ đồng, giảm khoảng 7.813 tỷ đồng so với năm 2022. Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành có giá trị trên 47.779 tỷ đồng, giảm hơn 18.500 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Việc nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường năm 2023 cũng là một rủi ro tiềm ẩn đối với MBBank. Và con số từ BCTC cho thấy ngân hàng buộc phải giảm lượng trái phiếu nắm giữ.

Tình hình nắm giữ trái phiếu của MBBank năm 2023

Hạng mục 2022 2023  

Trái phiếu Chính phủ

44.620 tỷ đồng

59.465 tỷ đồng

Trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành

43.578 tỷ đồng

35.765 tỷ đồng

Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành

66.307 tỷ đồng

47.779 tỷ đồng

Dự phòng rủi ro

326 tỷ đồng

370 tỷ đồng

Ngược lại cách đây hơn 1 năm, báo cáo tài chính năm 2022 của Novaland cho thấy đơn vị này phát hành nhiều lô trái phiếu ngắn hạn, dài hạn cho MBBank. Trong đó tổng nợ trái phiếu ngắn hạn 847,3 tỷ đồng và 5.330 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Tổng trái phiếu Novaland mà MBBank nắm giữ là 6.177 tỷ đồng.

Novaland cũng là một trong những ông lớn chậm trả gốc, lãi trái phiếu trong năm 2023, bên cạnh Trung Nam, Hưng Thịnh. Theo Sở Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ tháng 2/2023 đến tháng 11/2023, Novaland đã có 69 thông tin bất thường được công bố trên HNX. Trong đó, có khoảng hơn 20 tin là công bố bất thường tình hình chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. 

Nợ xấu

Trái phiếu NVL vẫn như "bom nổ chậm" với MB.

 

Trong năm 2023, Novaland chỉ mua lại 2.371 tỷ đồng trái phiếu trước hạn tại 3 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành hơn 6.000 tỷ đồng và đàm phán gia hạn thành công hơn 11.000 tỷ đồng trái phiếu sang giai đoạn 2025 - 2026, tuy nhiên, cũng có nhiều khoản nợ trái phiếu bị bán tài sản đảm bảo để xử lý, số còn lại, vẫn đang được đàm phán với các trái chủ. 

Đến cuối năm 2023, dư nợ trái phiếu còn lại của Novaland vẫn là con số lớn: 19.648 tỷ đồng ngắn hạn và 18.978 tỷ đồng dài hạn. Các tổ chức tư vấn/đại lý phát hành trái phiếu lớn nhất của Novaland có bao gồm Chứng khoán MB của MBBank cùng một số công ty chứng khoán thuộc các Ngân hàng thương mại khác.

Ngày 4/4/2024, Novaland vừa thành công hoán đổi lô trái phiếu quốc tế chuyển đổi có tổng trị giá 284 triệu USD do Credit Suisse AG chi nhánh Singapore làm tổ chức phát hành. 25 trái chủ đã đồng ý đổi khoản nợ lấy cổ phiếu NVL với giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng/cp. Trên thị trường, NVL đang được giao dịch quanh mức 18.x đồng/cp, tương ứng giá chuyển đổi cao hơn 2,2 lần. Tất cả lá phiếu hợp lệ và được thống kê trong bảng kết quả bỏ phiếu trên dư nợ trái phiếu 298,6 triệu USD. 

Báo cáo kiểm toán năm 2023 của Novaland, kiểm toán viên lưu ý về giả định hoạt động liên tục của Novaland, phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn cũng như có giải pháp tạo dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Các yếu tố cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Giải trình vấn đề này của kiểm toán, Novaland có nêu đang đàm phán một số khoản nợ vay, thành công đạt được thỏa thuận tái cấu trúc đối với một số đối tác. Theo thông tin mới nhất, các khoản nợ của đơn vị này có hướng tái cấu trúc lại, nhưng lộ trình để đi đến đáp án đẹp còn là chặng đường rât dài.

Nợ xấu

MBBank và Trung Nam Group có mối quan hệ "bền chặt".

"Số phận" của hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu Trung Nam Group phát hành đến giờ cũng vẫn là câu trả lời bí ẩn. Khó khăn của Trung Nam là ngay cả việc trả lãi trái phiếu đã ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. MBBank là một trong những ngân hàng hỗ trợ sâu đối với doanh nghiệp này. Việc chậm trả gốc, lãi trái phiếu cũng khiến nhà đầu tư mất niềm tin và nghi ngại về khả năng thanh toán theo đúng kế hoạch của các doanh nghiệp nêu trên.

Quay lại BCTC gần đây nhất của MBBank cho thấy, nợ xấu trong quý cuối năm đã giảm so với mức cao hồi quý III/2023, nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng. Trước đó, một số thông tin cho rằng nợ xấu đã có xu hướng leo thang dưới thời ông Lưu Trung Thái làm CEO. Thông tin này chưa có đủ căn cứ, tuy nhiên nhìn chung các khoản nợ liên quan đến bất động sản đều rủi ro trong những năm gần đây.

Ông Lưu Trung Thái cho đến nay đã có hơn 26 năm gắn bó, làm việc và nắm giữ các vị trí quan trọng tại MB và tham gia vào HĐQT từ năm 2013. Nhìn lại hành trình 6 năm phát triển của MB dưới thời ông Lưu Trung Thái làm Tổng Giám đốc, doanh thu hoạt động của ngân hàng có sự phát triển vượt bậc, đi kèm theo đó là sự gia tăng của các nhóm nợ xấu. Trong đó, nợ xấu năm 2022 của ngân hàng này tăng tới 54% chỉ trong 1 năm.

Sang đến năm 2023, tổng nợ xấu nhóm 3 - 5 theo BCTC hợp nhất là hơn 9.800 tỷ, tăng đến 94,8% so với năm 2022 (5.030 tỷ đồng). Nợ xấu đạt đỉnh vào quý III/2023 và giảm nhẹ vào quý IV, tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn đã tăng thêm 1.000 tỷ vào quý cuối năm, đạt 2.889 tỷ đồng, trong khi con số này ở cuối quý III là 1.882 tỷ đồng.

(Theo Reatimes)

Xem thêm
Doanh nghiệp nên quan tâm phòng hộ giá qua thị trường cà phê phái sinh

Chuyên gia của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đưa ra công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trước những biến động của giá cà phê hiện nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

HanoPhavico xứng danh người đồng hành tin cậy của các hộ chăn nuôi

HanoPhavico không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thay đổi tư duy chăn nuôi theo hướng khoa học, hiệu quả, bền vững.