| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 24/07/2018 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 24/07/2018

Nỗi lo hàng giả tràn lên mạng

Cùng với sự gian dối trong thi cử mà kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang là một ví dụ không thể biện hộ, thì người dân cũng đang đau đầu với sự gian dối trong thương mại điện tử.

Hàng giả thời nào cũng có, và có muôn hình vạn trạng. Thế nhưng, khi chuẩn bị tâm lý bước vào thời đại 4.0, hàng giả tràn lan trên mạng thì không chỉ thiệt hại cho khách hàng trực tiếp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế xã hội.

Ảnh minh họa

Ưu điểm lớn nhất của thương mại điện tử là xóa bỏ những hạn chế về không gian sống. Người tiêu dùng ở thành thị và ở nông thôn có cùng cơ hội tiếp cận hàng hóa với chất lượng và giá cả tương đương nhau. Thương mại điện tử cũng tác động đến lĩnh vực logistic, làm thay đổi phương thức vận tải, kho bãi và giao nhận. Vai trò của thương mại điện tử dĩ nhiên nhận được sự ủng hộ và kỳ vọng của cộng đồng.

Đáng tiếc thay, hàng loạt khuất tất của các kênh bán hàng trực tuyến như Lazada, Sendo, Shopee… bị đưa ra công luận, khiến những ai vừa hình thành thói quen lướt web mua sắm phải sững sờ. Cách làm ăn gian dối phổ biến là đưa ra chiêu thức quảng cáo và khuyến mãi ồn ào để tiêu thụ hàng nhái, hàng trôi nổi, hàng không rõ xuất xứ.

Hàng trên mạng, bao giờ cũng rẻ hơn hàng ở chợ, hàng ở shop… vì không tốn mặt bằng kinh doanh theo kiểu truyền thống. Lợi ích ấy khi được chia đều cho doanh nghiệp và khách hàng, sẽ kích cầu sức mua cho thị trường, đồng thời khuyến khích tăng trưởng sản xuất.

Trong năm 2017, thương mại điện tử đã phát triển với tốc độ lý tưởng 25% và hứa hẹn còn nhiều chuyển động tích cực trong vài năm tới. Vậy mà, những kênh bán hàng trực tuyến lại không biết khai thác ưu điểm riêng của họ, lại chạy theo kiểu mua bán chụp giựt làm mai một niềm tin của khách hàng. Nhiều thương hiệu lớn như Samsung, Philips, Panasonic, Sony… đều khẳng định đã bị lợi dụng nhãn mác để kinh doanh phi pháp trên các kênh bán hàng trực tuyến.

Vậy nguồn gốc hàng giả trên mạng xuất phát ở đâu? Không khó để có câu trả lời, toàn bộ đều là sản phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Do đó, không có gì phải bất ngờ, khi nhiều kênh bán hàng trực tuyến không thể nào xuất hóa đơn cho khách hàng một cách đàng hoàng!

Hiện nay, 2/3 kênh bán hàng trực tuyến tại nước ta đều do những quỹ đầu tư quốc tế đã bỏ vào hàng trăm triệu USD để đón đầu làn sóng mua sắm của kỷ nguyên số. Thương mại điện tử được xây dựng theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu. Khách hàng ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể mua được những sản phẩm mới nhất mà người thành phố đang săn lùng, chỉ bằng một thao tác nhấp chuột. Tuy nhiên, sự thuận tiện và sự hấp dẫn ấy sẽ biến mất, nếu hàng giả vẫn hoành hành trên mạng. Tiêu diệt sự giả dối trong thương mại điện tử là một đòi hỏi cấp thiết của người tiêu dùng, nếu nền kinh tế Việt Nam muốn bước lên con thuyền 4.0 để vượt sóng ra khơi!

Bình luận mới nhất