Nỗi nhớ xa xăm, tùy bút nhà văn Trần Huy Quang: [Kỳ 1] Thiên thần áo rách

Trần Huy Quang - Thứ Hai, 25/07/2022 , 07:42 (GMT+7)

Chúng tôi là hiện thân của Thiên Thần, lớn lên trong lời ru chưa bị ô nhiễm bởi những tuyên truyền hận thù độc hại, chơi với cỏ cây, ruộng đồng, sông núi nguyên sơ.

Nhà văn Trần Huy Quang.

Nhà văn Trần Huy Quang.

Làng tôi vốn vậy như từ thời xa xưa, mọi thứ tính theo âm lịch. Phiên chợ, giao dịch, mua bán, sinh đẻ, tang gia, nông vụ, con nước lớn hay ròng, cưới xin, động thổ làm nhà, nhất nhất đều theo âm lịch. Mặt trời thì xa, bao la vô tận, vô cùng, mặt trăng thì gần, dịu dàng như bạn, nhất là những đêm trăng sáng vằng vặc. Đêm xem trăng sao biết mưa nắng, nhìn ráng chiều, màu mây hoàng hôn, mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa, chuồn chuồn bay cao nắng, bay vừa thì nhâm, kiến, cây cỏ, mèo chó, chớp nháy ở hòn Mê hay hòn Câu, vân vân, để đoán định mưa nắng gió bão mà giong buồm ra biển hay gieo hạt.

Bài liên quan

Với mệ tôi, thời gian đo đếm như trong mộng, trong mơ, khoảng khoảng, hoặc đêm dài năm canh, dù trống canh chẳng còn. Canh hai đi nằm canh tư đã dậy, nghe nhiều tôi đoán là thức khuya dậy sớm. Chê ai thì mệ tôi bảo ngủ ườn xác ra, mặt trời lên một con sào mới bỏ chân xuống giường. Ai đưa con sào đến được chân trời mà đo là một hay hai? Khen ai thì bảo đứng bóng còn chổng mông ngoài đồng. Giữ khách lại chơi thì trách, ngồi chưa dập miếng trầu đã đòi về? Ngồi chơi chưa dập miếng trầu là bao lâu, chịu.

Mệ tôi là người đàn bà rất âm lịch, khi tôi lớn lên bà còn mặc váy sồi nhuộm đen, áo cánh nâu hoặc lụa màu mỡ gà, chít khăn nhung hoặc nhiễu. Bà luôn ăn trầu, mùa cau thì ăn cau tươi, hết mùa thì ăn cau khô, thêm mảnh vỏ chay, môi đỏ sẫm hai hàm răng đen nhưng nhức.

Đến khoảng những năm chiến tranh chống Mỹ, các bà quê tôi mới bỏ váy nhuộm bùn mặc quần đen, nhờ vào thời bao cấp nhà nước bán vải phíp các bà mặc quần thấy đẹp và gọn thế là cả làng thay đổi. Người chít khăn nhung cũng chỉ còn vài chục bà, khi họ về với tổ tiên thì hình ảnh người đàn bà áo cánh nâu, răng đen chít khăn mỏ quạ chỉ còn trong sách vở.

Mệ tôi có hôm đi chợ bán khoai khô, về cười nắc nẻ với mự Trường Cơu, bữa ni khoai bán được giá hơn hôm qua, một nồi đắt hơn một đồng. Một nồi là bao nhiêu cân, chắc một nồi vừa nấu ăn một bữa. Mười nồi thì tính một lường, nhiều hơn thì tính hai mươi lường, ba mươi lường, bốn mươi lường… Lường không biết là bao nhiêu, có giống đấu hay thưng của các vùng không? Thóc trong nhà tính bằng cót, "năm nay cả vụ mười gom góp chỉ được lưng cót thóc", cả làng không có ai có nổi hai cót thóc.

Người đi biển về nói với nhau, "tui thả lưới chỗ năm sải nước", tức là chỗ nước sâu năm sải tay. Dưới sải tay, đo gì ngắn hơn thì thước, một thước bằng hai gang. Dưới thước là tấc, một tấc lên trời, bọn con nít chịu, không biết một tấc là bao nhiêu.

Làng xóm thế mà vui ra phết, lại ấm áp, đo đếm tính toán với nhau lỏng lẻo, đại khái, lọt sàng xuống nia, chín bỏ làm mười, có khi mười một cũng bỏ thành chín. Ân nghĩa sao đong đo tính đếm chi li được? Đi ăn giỗ thì bao giờ cũng có phần mang về. Giỗ nhỏ không mời ai thì biếu đĩa xôi và miếng thịt luộc. Con nít được chia cục xôi chỉ bằng quả ổi đã sướng lắm, nhớ suốt đời. Nhà ai có việc hiếu hay hỉ đều coi như việc của cả xóm, không nề hà, không đợi gia chủ có lời, người cao tuổi thì sắp xếp, con nít thì thực hiện, ấm áp vui vẻ cả ngày. Con nít đi chơi, sẵn đâu ngủ đó như ngủ ở nhà, cửa giả ít khi phải đóng. Không nhà nào có cổng, cành tre rấp ngoài ngõ cũng không.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Hết việc đồng áng thì đan lưới, tay đan dẻo như múa. Ông già đan rổ, đan sàng, đan mẹt, đan rá, ngồi đan dưới ánh trăng, ánh sao mờ mờ mà vẫn đẹp. Tay đan miệng hát, ngâm Kiều, lẩy Kiều, không Kiều thì hát phường Vải, Đò Đưa cứ như thôn xóm đang trong ngày hội dù là hồi chiều có mấy bà chửi nhau vì mất gà.

Đèn thắp bằng dầu lạc, đĩa dầu trong cái quang sắt treo lên, ngọn bấc xốp ngấm dầu cháy leo lét, nhẹ như bấc là thứ bấc này, chỉ để cho người dệt vải và con nít học bài. Có lúc đĩa đèn cạn dầu ngọn bấc cháy cả vào trong lòng đĩa, mẹ tôi bảo tôi lấy sợi bấc khác thay. Tôi rút một sợi trăng trắng trong cái thúng của mẹ tôi, sợ không phải, đưa đến cho mẹ tôi, mẹ tôi bảo, đúng bấc rồi con, mọi sự cũng cần coi nhẹ như ngọn bấc đó con.

Đĩa dầu thứ hai chỉ dành cho mệ và ả Ngân tôi dệt, còn con nít hết đĩa dầu thứ nhất là đi ngủ. Tôi mơ những giấc mơ chạy theo những con diều giấy bay trên cánh đồng cây Da vừa gặt trong tiếng lách cách đều đều của những khung cửi dưới nhà như tiếng ru dìu dặt dẫn tôi đi từ giấc mơ này đến giấc mơ khác.

Suốt năm, suốt tháng, suốt mùa lam lũ không ngơi tay. Chỉ có học trò mới có ngày chủ nhật. Tôi không nhớ những ngày chủ nhật thời đó anh em tôi có phải đi gặt, đi cấy hay làm cỏ khoai cỏ lúa gì không, tôi hoàn toàn không nhớ, tôi chỉ nhớ ngày nghỉ học là ngày hội re chim, là giấc mơ của bao la trời đất, đánh khăng, đánh đáo, chơi ù, thả diều, re chim, săn cáo… hết trò này đến trò khác như vô tận.

Chúng tôi là hiện thân Thiên Thần Áo Rách nhưng vẫn là những Thiên Thần, được hít thở khí trời trong veo, lớn lên trong lời ru chưa bị ô nhiễm bởi những tuyên truyền hận thù độc hại, được chơi với cỏ cây, ruộng đồng, sông núi Tổ tiên nguyên sơ mơn mởn xanh với màu xanh tự nhiên của sự sống đất trời, chưa có mối nguy nào phải đề phòng hay bị cấm đoán.

Quả là đất của Ta, trời của Ta, cây xanh, nước ngọt, gió lành cho người cày cấy. Mọi sự bình an, hòa thuận, trong lành giữa người với người, làng này với làng kia, giữa con người với ruộng đồng từ thời xa xưa và mong mãi như thời xa xưa ấy.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Mầm ngô, mầm lạc, mầm đỗ vừa nhú lên khỏi mặt đất một chút trăng trắng rất non tơ là thứ mà lũ chim khát khao thèm muốn. Sáng ra trên bờ tre đã dày đặc từng đàn chim sáo sậu, chèo bẻo, chào mào… bay lên bay xuống. Bọn ác là, quạ đen cậy mình to con không thèm bay lên bay xuống, cả không sợ thằng bù nhìn rơm ngáo ộp to đùng đang khua khoắng loạn xạ. Chim chóc còn không sợ bù nhìn thì đừng nói gì đến ma quỉ. Ma quỉ thời nay còn kết dính với bù nhìn tạo ra nhiều phép lạ bí truyền. Từ ngàn xưa đã vậy, chưa nói đến kì loạn thế.

Lũ chim ri, chim sẻ ríu rít ầm ĩ trên mái ngói, không thích ra ruộng. Chim cắt và diều hâu dang cánh vòng vòng trên mây, tưởng cao siêu vô hại nhưng sơ ý tích tắc là xong mấy con gà con. Chỉ có bìm bịp và cuốc thinh thoảng thấy nhoáng một cánh chim nâu vù qua ruộng lúa rồi biến mất trong bụi đình đình hay bờ ruộng, đố ai biết nó ở đâu, vừa giống hiệp khách, vừa giống đạo chích.

Đôi khi nghe tiếng bìm bịp kêu thảng thốt ngoài bãi càng lúc nghe càng xa vắng. Tiếng cuốc chỉ nghe vào mùa hè, nghe thê lương nẫu ruột, suốt đêm khắc khoải ngoài bờ ruộng rất gần nhưng chẳng ai nhìn thấy nó. Người lớn bảo chim cuốc kêu thiết tha như tiếc nuối cho đến khi rỉ máu mà chết nhưng tôi chưa tìm được xác nó bao giờ. Chỉ thấy người nghe tiếng cuốc hao mòn khắc khoải thâu đêm mà rỉ máu với chim.

Đó là những con chim hiệp khách, thấp thoáng xa xôi gợi sự lãng du mây gió. À thêm một loài chim như vậy nữa, đó là chim giang giang. Khi mùa hè qua, bầu trời dịu lại, bàng bạc màu mây, thì đàn chim giang giang nối cánh nhau thành hình chữ V, mờ mờ bàng bạc lẫn với mây, bay qua sông Mơ về phía mặt trời lặn. Lúc lúc lại thấy một đàn bay qua sông, cứ theo hình chữ V thế, bay mải miết như mây bay. Không biết chúng bay về đâu, hay bay đến chỗ mặt trời lặn thật.

Còn những loài chim khác chỉ là loài chim phàm tục. Cú hễ mở miệng ra là bị xua đuổi, ban ngày ngủ gà ngủ gật trên cây chay, lặng lẽ, ẩn dật. Bọn ác là, quạ đen đánh nhau liên tục, chao chác ồn ào, rất lắm lời mà lời lẽ thô tục, đậu đầy cây gạo, làm tổ tít trên ngọn gạo, cao tít tắp, nhìn mà phát khiếp. Đỡ chán hơn là bọn chào mào, sáo sậu, chèo bẻo, bói cá, bách thanh, cũng có khi ồn ào, coi thường cả chú bù nhìn bặm trợn nhất thế gian nhưng cũng có khi chúng biết dịu dàng, con bè trầm líu lo chỉ nhường một con lĩnh xướng cao vút lanh lảnh.

Và bao giờ cái dàn đại hợp xướng kia cũng chỉ diễn ra buổi sáng khi ánh nắng mặt trời chiếu nhẹ qua rặng tre dày đổ bóng xuống nửa vườn ngô vừa lên được ba lá và gió thì như ngừng hẳn, thổi qua vùng khác. Buổi chiều thì chúng biến đi đâu sạch, không còn bóng chim tăm cá. Em gái tôi hay hát:

Chim ri mệt mỏi ở nhà

Sáo sậu trong tổ nhảy ra chia phần

Bìm bịp thì đánh trống quân

Chim chích mặc quần đánh mõ theo sau.

À, hay là thế nhỉ? Đâu phải vô tư líu lo ca hát suốt ngày được?

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

 
Trần Huy Quang Trích trong “Nỗi nhớ xa xăm”, chưa xuất bản
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ10

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.