Nỗi nhớ xa xăm, tùy bút nhà văn Trần Huy Quang: [Kỳ 4] Gió trắng bay nghiêng

Trần Huy Quang - Thứ Năm, 28/07/2022 , 06:40 (GMT+7)

Rồi tiếp theo những năm ấy thày tôi lại đi buôn bán xa hay giang hồ tứ chiếng, hảo hán làm cách mạng thế giới không biết nhưng cứ đi biền biệt…

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Tôi đi học trong thân thuộc những người không biết chữ, mệ tôi không và ả Ngân tôi cũng không. Anh em tôi, tôi và cậu em cũng đã phải đi học, thèm một thày giáo ở trong nhà mình. Làng tôi và có lẽ cả vùng, có tập tục là nuôi thày giáo trong nhà. Thày giáo ngày ấy, có người chỉ học đến Primaire, tức là học hết sơ đẳng yếu lược, thi đỗ Primaire là xin đi dạy, dạy từ lớp 5, lớp 4, lớp 3.

Bài liên quan

Chương trình cũng đã không còn như cũ nữa, nghĩa là ba lớp sơ học yếu lược, ba lớp tiểu học yếu lược mà học trò vào học lớp đầu tiên là lớp 5, lên lớp 4, lên lớp 3, lớp nhì, lớp nhất. Lớp nhì cũng chỉ một lớp, không học hai năm như trước. Có thầy giáo học cao hơn đã thi đỗ tiểu học yếu lược.

Cũng có thày giáo học hết cao đẳng tiểu học, có bằng Thành chung nhưng vẫn ở nhà dạy học. Như chú tôi có bằng Thành chung, xin đi học ba tháng sư phạm ở Nam Đàn rồi được chính quyền bổ đi dạy đệ nhất đệ nhị đệ tam. Lớp học thì học trong các miếu mạo đình chùa, sau cách mạng chính quyền mới lên đánh đổ chế độ phong kiến, đồng thời phá bỏ hết đình chùa miếu mạo văn bia hương ước là những tàn tích của chế độ phong kiến.

Tôi đã từng học ở Đền Cửa Vũ, Cửa Ngõa, Nhà Thánh, Võ miếu, chùa Gáo, chùa Giáp… Giấy vở rất hiếm. Ngày ấy chú tôi bảo lấy giấy viết rồi, phơi nắng dăm bữa là trắng bong. Hôm sau chú cho mấy tờ giấy như thế nhưng viết nhòe, xấu thậm tệ. 

Tôi làm toán thường lấy gạch làm nháp toán trên sân cũng xong, cộng trừ nhân chia thoải mái. Nhưng khổ nhất là mực, mực tím hay mực xanh lá cây, mua từng gói nhỏ ở hàng xén về pha. Sách vở đựng trong cái túi vải mệ tôi khâu bằng tay, nhuộm bằng lá cây, còn lọ mực và cái quản bút thì đứa nào cũng kè kè cầm tay. Ngòi bút lá tre, cũng mua ngoài hàng xén, quản bút bằng gỗ.

Tôi hôm nào cũng bị đổ mực, bị mẹ mắng thường xuyên, đến nỗi thày tôi lâu lâu về, dặn đi dặn lại, cũng đổ, vẫn bị mắng. Hôm nay nữa nha, nếu còn làm đổ thì cho nghỉ học. Tôi sợ thày tôi, quyết tâm giữ cho được hôm nay. Nhưng giờ ra chơi vào, lộn xộn mình không làm đổ thì thằng khác làm đổ của mình.

Mà làm sao không đổ được chứ? Lọ mực thì nút bằng giấy, để trên bàn, lau nhau chạy vào chạy ra, đứng lên ngồi xuống, không thằng này thì thằng khác đụng đổ, không đổ của mình thì đổ của thằng khác. Trường học xa, tan học về đuổi nhau, trêu nhau chạy, đến trời cũng đổ. Mực dây đầy tay, đầy quần áo là chuyện thường. Dây mực vào vở, thày giáo phê “Bẩn quá” thày tôi kiểm tra vở hỏi, thày giáo phê chữ gì đây, tôi sợ quá nói “Bánh quà”. Thày tôi bật cười, cầm quyển vở đến chỗ mệ tôi bảo, thày giáo phê bẩn quá nó bảo bánh quà này. Mệ tôi không nói gì, mủm mỉm cười, tôi hoàn hồn… thoát.

Trước đây tôi cũng đã một lần vỡ lọ mực mà thoát đòn như mơ. Ông bảo, thế này thì phải đòn mới nhớ được. Ra lấy cái roi thật to vào đây. Tôi ra sân xách một thanh củi to vào, không hiểu sao vừa nhìn thấy ông đã bật cười. Thế là… cũng thoát. Khi ai đó đang cười thì chẳng có ai bị đòn cả. Một thời mực tím bút lá tre. Không lem nhem mực đổ đầy tay, đầy áo thì không phải là học trò sơ đẳng tiểu học thời xưa.  

Tôi thuộc lứa học trò thứ hai của nền giáo dục cách mạng. Lứa thứ nhất như chú Dung, chú Minh, cậu Hài tôi và vài người nữa trong làng. Các chú học trường Hồ Học Lãm bên làng Quỳnh, sau lên huyện cũ học tiếp thi đỗ Diplom thì đi học ba tháng về được bổ đi dạy, có lương vợ lương con bằng gạo. Tôi đáng lí là học trò của chú Dung tôi nhưng khi tôi học đệ nhất thì chú dạy ở làng Đạo Thuận Nghĩa. Mà trường làng tôi thì các thày nơi khác được bổ đến. Tôi nhớ bắt đầu học thày Chiếng, thày người nhỏ thó nhưng trắng trẻo.

Ngày ấy tôi mong ước nhà tôi nuôi một thày giáo. Rồi học thày La, người Bắc, hát rất hay và hay dạy hát cho học trò. Lên tí nữa học thày Khúy, thày Trác người làng trên. Thày Khúy hay bị đau, có khi nửa buổi thày đau cho trò nghỉ. Thày đến lớp chỉ cầm cuốn vở ghi tên học trò, toán hay chính tả thày đều nghĩ ra cho học trò chép và làm bài. Rồi lớp nhì học với thày Nguyễn Cảnh Hoàn người Đô Lương, đây là thày để lại cho tôi nhiều ấn tượng vì thày cho tôi lên lớp nhất mà tôi sợ không học lại trở về lớp nhì với thày.   

Thày giáo ở trong nhà học trò, ai muốn con học giỏi thì nuôi thày. Tôi mơ ước được thày mệ tôi nuôi thày trong nhà, tôi mong mỏi ghê lắm nhưng không được, nài nỉ mãi mệ tôi mới bảo, thày mi đi suốt không có nhà làm răng nuôi thày chứ. 

Mùa thu qua lúc nào, mùa đông rồi cũng đến, bắt đầu bằng những làn gió se se từ ngoài biển tràn vào chỉ như phe phẩy để các bà các chị đi chợ, đi hội, đi đường xa về quê nội hay quê ngoại quàng thêm cái khăn vuông nhung đen vào cổ mà có vẻ làm duyên hơn vì lạnh, cũng để cho gái cập kê như chờ chút lạnh mà má ửng hồng và ánh mắt thiếu nữ long lanh hơn. Vài hôm sau thì làn gió chướng mạnh hơn, rừng dương ngoài bờ biển đã vi vu gió lạnh, tiếng sóng, tiếng gió như hòa lẫn thành một tạp âm giống như tạp sắc của những ngày cuối thu.

Khi làn gió lạ lay lay những chiếc lá ngô đồng thì màu lá hàng tre, hàng duối phía nhà ông nội tôi không còn xanh mướt, óng ánh, lung linh như khi tầm tã tắm gội trong trận mưa lê thê cuối mùa mà đã đổi sắc, lá xanh còn ít ỏi chỉ như tô điểm cho tấm thảm vàng non và cây phượng đình Phúc nơi tôi học lớp đầu cao đẳng tiểu học, thả xối xả những chiếc lá vàng li ti rụng xuống mặt đất từng dòng từng dòng giống y những trận mưa lá.

Mùa đông là mùa gặt hái. Khi cánh đồng Cây Da chỉ còn trơ gốc rạ, bầu trời không trong xanh nhưng thoáng đãng vô ngần, những cánh buồm màu bạc của thuyền buôn nâu buôn măng trôi dưới sông Mơ về cửa lạch Quèn như đàn bướm sắp bay qua cánh đồng vừa gặt. Ngọn gió ban đầu vi vu nhẹ nhàng như nuối tiếc hương lúa chín vừa mất đi bỗng chốc ào ạt phóng khoáng tung bay đầy vẻ lãng du trong bát ngát đất trời.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Đám trẻ chạy đua với làn gió từ đầu này đến đầu kia cánh đồng. Chưa bao giờ có một không gian thoáng đãng và hào phóng đến ngẩn ngơ cho những trò chơi không bao giờ quên của tuổi ấu thơ. Hết đánh khăng, thả diều, chơi ù, chạy thi, mặc rét cởi hết áo vật nhau rồi đến săn chồn, săn chuột trong các lùm cây. Thỉnh thoảng mệt, đứa nào đứa nấy thi nhau thở bằng mồm, bằng tai, lại tụ nhau ngồi vơ rạ đốt cho khói bay lên trời, những đám khói cao vút làm trắng cả gió. Gió trắng kìa, bay ơi.

Mùa đông là mùa được ăn cơm mới, xuýt xoa ngon, một năm đâu được có mấy lần, còn được ăn cốm, ăn cơm nếp. Cơm nếp rưới mỡ phi hành thơm ngất mũi. Mệ tôi bao giờ cũng dành ra một thửa ruộng nhỏ, chắc chẳng được một sào, ở chỗ tốt nhất, thượng đẳng điền, để trồng lúa nếp. Gạo tẻ cả vùng còn chưa đủ ăn, năm nào, nhà nào cũng lo thiếu gạo, bát cơm xới ra chỉ thấy khoai hấp, khoai chiếm đến hai phần. Nhưng ai cũng phải có một khoảnh ruộng trồng lúa nếp, tết nhất phải gói bánh tét, bánh chưng, phải có bát chè bà cốt, mâm giỗ phải có đĩa xôi. Ngại nhất là trục lúa, không nặng nhọc gì nhưng đi vòng vòng mỏi chân, cứ gắng đi mệ nấu cho nồi cơm nếp, mệ tôi khuyến khích, tự nhiên đầu gối hết mỏi.

Lúa gặt về rải đều trên sân để trục lấy thóc. Trục lúa là một cái cối đá, kéo lăn trên đó, xoay hết vòng này đến vòng khác, bao giờ rơm rũ hết hạt thóc thì thôi. Người kéo thường là chú Thảo nhưng phải có người đẩy đằng sau phụ giúp nữa, hoặc là tôi hoặc Thân em kế tôi. Đi được vài chục vòng đứa nào cũng kêu mỏi chân. Chú Thảo không thấy kêu mỏi chân, chắc chú có kêu cũng không có ai kéo thay cho chú.

Nhưng khi trục xong một sân thì vui đáo để. Rơm rũ lên chất thành đống, lúa hót lại một đống lỡ đêm mưa. Mấy đứa bạn và anh em tôi đã có lần hứng lên chui cả vào đống rơm ngủ ngoài sân, rơm rặm cả mặt nhưng chẳng đứa nào kêu, rúc rích một lúc ấm ngủ mê mệt. Mùi cơm nếp đã bay ra ngào ngạt, thèm chảy nước dãi.

Chỉ là cơm nếp rưới tí mỡ chứ chưa phải xôi đậu, xôi vò, xôi gấc… mà cũng chỉ năm một lần, thấy sao nó thơm lừng, ngào ngạt, lôi cuốn hấp dẫn, sảng khoái, mê li như Bụt hiện, như vì sao trên trời rơi xuống và nó mãi mãi vẫn là trong niềm mơ ước của tuổi ấu thơ tôi, giống như ngự tiệc trên miền Thiên Khải. Cơm nếp đơm ra mỗi người một bát trong nồi đã hết, mệ tôi miệng bát, ả Ngân tôi miệng bát.

Ả Ngân còn ở trong bếp, trong đó vọng ra tiếng ti tách. Chao ôi, cốm, cốm, mệ lại cho ăn cốm nữa thật là tuyệt vời! Mệ tôi bảo, hay là mệ gửi cho thằng Thân ít cốm, ngoài Hà Nội làm răng có. Thầy tôi đã mang Thân, em trai kế tôi, ra Hà Nội học tiểu học, chắc cho đỡ nhớ con. Thân cũng đã viết thư về cho mệ, chỉ được ba dòng, chắc thày tôi bảo viết, nói học Trường tư thục Đoàn Kết, thầy hiệu trưởng là Khuất Duy Các. Ả Ngân tôi bảo, biết khi mô thày về mà gửi. Mấy đứa tôi không còn để tâm đến chuyện ấy, vì đang nhâm nhi hương vị cốm mà một năm mới có một lần.

Áo bà ba bao giờ cũng có hai cái bao đằng trước, cho nắm cốm vào bao, thỉnh thoảng nhắm vài hột, mùi cốm thơm tỏa ra. Mi ăn chi đó, cốm à? Không. Rõ ràng miệng mi còn thơm mùi cốm. Cho mỗi đứa nhúm ba ngón tay, đâu chỉ được mươi hột, thế mà mặt mày đứa nào cũng rạng rỡ, ngời ngời hẳn lên. Ôi niềm vui tuổi thơ, xin đừng tìm ở đâu xa xôi, không ở nơi dát vàng dát bạc, tráng lệ nguy nga, niềm vui tròn đầy của tuổi thơ tôi nằm trong tấm áo vải mệ tần tảo dệt nên và nhuộm nâu phơi trong cái nắng chang chang xứ Nghệ trên sân nhà.

Nhà văn Trần Huy Quang.

Nhà văn Trần Huy Quang.

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

 
Trần Huy Quang Trích trong “Nỗi nhớ xa xăm”, chưa xuất bản
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ4

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?9

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.