| Hotline: 0983.970.780

Nóng bỏng đất Phú Quốc: Sốt giá sình sịch

Thứ Ba 11/08/2015 , 08:01 (GMT+7)

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng đã kéo theo sự tăng giá nóng về đất đai Phú Quốc. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, giá đất ở Phú Quốc luôn sốt sình sịch, có nơi lên đến hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng mỗi công./ Phú Quốc thành đại công trường tỷ đô

* Có tiền tỷ mới... nói chuyện!

Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đang trên đà phát triển lên thành phố trực thuộc tỉnh và trở thành đặc khu kinh tế trong tương lai.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng đã kéo theo sự tăng giá nóng về đất đai Phú Quốc. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, giá đất ở Phú Quốc luôn sốt sình sịch, có nơi lên đến hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng mỗi công.

Có tiền tỷ mới nói chuyện

Trong vai một người có nhu cầu tìm mua đất trên đảo Phú Quốc để đầu tư làm ăn, tôi được khá nhiều “cò đất” săn đón. Sau hơn 2,5 giờ vượt biển từ TP Rạch Giá, tàu cao tốc Superdong cặp cảng Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) để khách lên đảo. Tại đây, có rất nhiều phương tiện để khách lựa chọn đi vào trung tâm huyện (thị trấn Dương Đông).

Tôi chọn xe đầu (xe ôm) để vừa đi vừa ngắm đảo. Xe vừa lăn bánh, người chạy xe đầu đã vui vẻ tự giới thiệu tên Thanh và nhanh nhảu bắt chuyện: Em từ đâu đến? Ra đảo du lịch hay làm ăn? Khi nghe tôi trả lời “ra đảo tìm mua đất”, anh Thanh liền hỏi dồn: Mua đất để làm gì? Kinh doanh hay đầu tư kiếm lời? Để anh giới thiệu cho, đất kiểu nào cũng có.

Theo anh Thanh, hiện có rất nhiều người vừa hành nghề xe ôm vừa kiêm luôn làm công việc “môi giới” mua bán đất. “Tụi anh chỉ là trung gian giới thiệu, khi mua bán thành công, bên mua, bên bán mỗi người cho ít tiền công môi giới, vậy thôi. Chứ thông qua cò, có khi mảnh đất chủ kêu bán 2 tỷ, cò rao 2,5 - 3 tỷ để kiếm lới, giá bị nâng lên khó mua khó bán lắm”, anh Thanh rỉ tai.

Tôi than không có nhiều tiền, chỉ có ít vốn thôi, liệu có mua được đất ở đảo không?

Ngập ngừng một lúc, anh Thanh trả lời: “Đã ra đảo ngọc mua đất thì phải có tiền tỷ mới nói chuyện được. Nếu là đất vườn, có chủ quyền thì mỗi công cũng 4-5 tỷ, còn đất bãi biển thì hàng chục tỷ mới rớ được. Tuy nhiên, nếu em muốn mua thì anh dẫn đi coi “đất chỉ”. Những người ít vốn ra đây thường mua đất kiểu này”.

Thấy tôi ngớ người không hiểu thế nào là “đất chỉ”, anh Thanh liền giải thích: “Đây là đất do người dân tự khai phá, trồng cây, thường là đất giáp bìa rừng, không có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất nên chỉ mua bán giấy tay, cũng không có đo đạc diện tích cụ thể mà dùng tay chỉ khoanh vùng. Mỗi mảnh như vậy trước đây có giá 500-700 triệu đồng, nhưng nay đã tăng lên 1-2 tỷ rồi, tùy vào vị trí. Vậy mà cũng khối người ra đây mua bán, một vài tháng sau sang tay kiếm lời bạc tỷ chứ chẳng ít”.

Theo chân anh Thanh, tôi đi coi vài miếng “đất chỉ” ở ấp Cây Sao, Bãi Bổn (xã Hàm Ninh).

Con đường trục chính đi vào khu vực này bằng đất đỏ, trời mưa đi lại khá lầy lội, dân cư thưa thớt. Dừng chân tại nhà ông Ba Mạnh (Trần Văn Mạnh, ở ấp Bãi Bổn) tôi được dẫn đi xem vài miếng đất giáp rừng, cỏ mọc um tùm.

Ông Mạnh tay chỉ đất, miệng hét giá: “Miếng này hơn 1 công (1.000 m2), tôi tính bằng giá bán 1 công, 2,5 tỷ, phần dư ra coi như khuyến mãi, miễn trả giá”. Tương tự, đất ven biển, chỉ lưa thưa vài cây dừa ở khu vực này cũng có giá 2-3 tỷ/công. Thấy tôi chần chừ không muốn mua, anh Thanh giục: “Được thì chốt giá, nhanh rồi về chứ khu vực này đường hoang vắng, đi đêm nguy hiểm lắm”.

Tôi đành xin số điện thoại rồi hẹn mai trả lời. Vừa cho số, ông Mạnh vừa bảo: “Nếu mua thì cho biết sớm, lúc này đất đang sốt giá, nhiều người tìm mua lắm, chậm chân là không còn đâu. Có những lô đất chỉ trong vòng 1, 2 tháng đã qua tay mấy đời chủ và giá cũng tăng gấp nhiều lần”.

16-17-39_1-ti-qun-c-phe-bo-n-hng-ngy-co-hng-chuc-vu-tro-doi-mu-bn-dt
Tại quán cà phê Bảo An, hàng ngày có cả chục vụ trao đổi, mua bán đất

Về thị trấn Dương Đông, tôi được nhiều người rỉ tai: “Muốn tìm hiểu mua, bán đất thì đến quán cà phê Bảo An trên đường Nguyễn Trung Trực, ở đó lúc nào cũng tập trung rất nhiều cò đất”. Quả thật, tại đây lúc nào cũng tấp nập kẻ ra, người vào. Cò đất thì trên tay ôm hàng xấp giấy tờ, còn người mua thì kè kè sẵn ba lô tiền mặt, thuận giá là đặt cọc ngay.

Ông Tuấn, một cò đất tại đây cho biết: “Giá đất Phú Quốc lúc này tăng mạnh lắm, muốn mua bán thì phải có sẵn tiền tỷ trong tay, tiền trao cháo múc, chứ chần chừ là người khác mua mất ngay. Không ít người mua hôm trước, hôm sau sang tay là đã có lời cả tỷ rồi”.

Tại đây, mỗi ngày diễn ra cả chục vụ mua, bán đất, nghe họ trao đổi, ngã giá, thương vụ nào cũng chục tỷ, thậm chí là cả trăm tỷ đồng, đủ thấy thị trường đất đai trên đảo đang nóng cỡ nào.

Teo tóp đất nông nghiệp

Không giống những nơi khác, sốt đất ở Phú Quốc chủ yếu là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm và đặc biệt là đất ven biển, trong khi đất đô thị lại tăng không đáng kể. Mỗi dự án mọc lên, đã lấy đi hàng trăm, hàng ngàn ha đất nông nghiệp, kéo theo sự tăng giá chóng mặt của những lô đất liền kề. Đơn cử như dự án khu dịch vụ du lịch giải trí phức hợp và sân golf tại khu vực Đồng Cây Sao và Bắc sông Cửa Cạn (xã Cửa Cạn) đã lấy đi 1.718 ha đất nông nghiệp và 372 ha đất rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Thống Nhất, Phó trưởng Ban Quản lý Đầu tư Phát triển đảo Phú Quốc, cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn huyện đang có 210 dự án còn hiệu lực với diện tích quy hoạch là 8.683 ha. Trong đó, đã có 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng diện tích 5.632 ha, tổng vốn đầu tư 168.931 tỷ đồng.

Số đã đi vào hoạt động là 23 dự án, với diện tích 1.286 ha, vốn đầu tư 25.811 tỷ đồng, 14 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích 733 ha, vốn đầu tư 11.383 tỷ đồng. Riêng về dự án FDI, đến nay Phú Quốc đã thu hút được 21 dự án.

Trong những dự án đầu tư vào Phú Quốc có nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội như sân bay quốc tế Phú Quốc có diện tích 905 ha, vốn đầu tư 3.076 tỷ đồng; đường giao thông vòng quanh đảo; trục đường Nam - Bắc đảo, Vinpearl Phú Quốc…

Hơn nữa, đất nông nghiệp đang sốt giá, khiến không ít nông dân chỉ chăm chăm bán đất kiếm tiền mà không mấy mặn mà đầu tư làm nông.

Đất vườn tiêu hiện đã được đẩy giá lên tới 4-5 tỷ đồng/công. Chỉ cần một cái gật đầu bán đất, một anh nông dân chân lấm tay bùn bỗng trở thành tỷ phú, dư sức mua sắm xe hơi, cất nhà lầu. Trong khi những người tìm đến đây mua đất chủ yếu là giới đầu cơ kiếm lời, ít ai đầu tư nên đất bị bỏ hoang ngày càng nhiều.

16-17-39_2-mot-khu-dt-ven-bien-tren-do-phu-quoc-dng-duoc-co-dt-ro-bn-voi-gi-hon-20-ty-dong-moi-cong
Một khu đất ven biển đang được cò rao bán với giá hàng chục tỷ đồng mỗi công

Chạy dọc theo tuyến đường ấp 3, xã Cửa Cạn, hiếm hoi lắm tôi mới gặp được một hộ đầu tư trồng mới vườn tiêu.

Anh Lê Quốc Tuấn, đang cắm trụ trồng hơn 1 ha tiêu cho biết: “Đây là đất nhà chứ bây giờ mà bỏ tiền ra dễ gì nông dân mua nổi. Đã có nhiều người đến trả giá 4, 5 tỷ rồi mà tôi không bán. Mình tính chuyện lâu dài nên mới đầu tư trồng tiêu, chứ tốn kém lắm”.

Theo anh Tuấn, để trồng mới 1.000 trụ tiêu giá bây giờ không dưới 1 tỷ đồng, mỗi ha trồng 2.500 - 2.700 trụ. Nếu tính cả tiền mua đất nữa lến đến 7-8 tỷ, nông dân làm sao rớ được, còn người giàu chẳng ai dại gì bỏ ra cả đống tiền đi làm nông nghiệp với mức thu nhập cao lắm cũng chỉ vài trăm triệu đồng mỗi ha/năm.

Ông Trần Quốc Khanh, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc thừa nhận, sản xuất nông nghiệp trên đảo thời gian qua có xu hướng sụt giảm do phải nhường đất cho các dự án. Hơn nữa, việc tăng giá đất bất thường đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nông dân, nhiều người không muốn đầu tư tiếp mà chuyển sang kinh doanh đất. Ngay cả như cây tiêu, vốn là đặc sản của huyện đảo Phú Quốc cũng ngày một giảm dần...

Theo Nghị quyết của huyện Phú Quốc thì đến năm 2015 diện tích vườn tiêu là 500 ha nhưng thực tế hiện nay đã giảm chỉ còn 460 ha. Các loại đất trồng điều, dừa, rau màu trên đảo cũng đang giảm rất mạnh. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì người nông dân trên đảo khó lòng mà giữ được đất trước sức ép của đô thị hóa và giá đất cứ tăng vụt vụt mỗi ngày.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm