| Hotline: 0983.970.780

Ông 'thành hoàng' Phan Thế Phương

Chủ Nhật 28/04/2019 , 14:30 (GMT+7)

Đây là câu chuyện về ông Giám đốc Sở được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” và người dân bên phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) coi như một “vị thần” lập miếu thờ và đặt tên cho trường học.

Hết lòng vì dân

Hồi ức về cuộc sống những năm trước thập niên 80 của thế kỉ trước, nhiều cao niên ở thôn 14 xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là những cư dân thủy điện năm xưa vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi kể về những ngày tháng khốn khó. Ngày đó, người dân nơi đây phải kiếm ăn từng bữa bằng nghề đánh bắt thô sơ, cuộc sống của họ chồng chất khó khăn sau khi trận bão năm 1985 quét qua, nhiều người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Bỗng một ngày, một con người mà sau này được người dân xem như “vị thần” của họ đã xuất hiện, cởi bỏ cái đói nghèo cho người dân nơi đây, mà mỗi lúc nhắc đến cả làng ai cũng rất tôn kính và rơi nước mắt. Ông là Phan Thế Phương, vị giám đốc ngành thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế năm xưa .

08-01-19_nh_1
Người dân đã lập miếu thờ ông Phương nơi khu vực nuôi tôm bên đầm phá Tam Giang

Vừa chỉ tay về khu vực hồ nuôi vừa hồi tưởng, ông Phạm Hóa một hộ dân trú ở thôn 14 nhớ lại, khu vực bên đầm phá nơi hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản ở xã Quảng Công bây giờ trước đây chỉ là vùng sông nước. Khoảng giữa năm 1983, sau lần đi công tác ở nơi này ông Phương đã hỏi người dân “vì sao không khai canh mà nuôi trồng”. Rồi ông đã đứng ra vận động và thuyết phục dân đi khai phá khu vực bên đầm phá này. Ban đầu người dân còn bán tín bán nghi, nhưng với sự thuyết phục bằng kiến thức khoa học lẫn thực tiễn của ông nên được người dân tin tưởng theo “răm rắp”.

“Mỗi dịp về đây ông đều đi đò cùng với người dân để nghe những tâm tư của họ, tháng nào ông về 2 - 3 lần, đi cùng phái đoàn hay một mình ông cũng đều ghé lại nhà tôi rồi tập hợp bà con bàn chuyện nuôi trồng thâu đêm. Ông tận tình bày vẽ cách đắp hồ, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo môi trường sạch trước khi nuôi… cho đến việc mua con giống. Ông cũng là người đứng ra vận động ngân hàng cho dân vay vốn; thấy hoàn cảnh khó khăn ông còn bỏ cả tiền lương của mình cho người dân mượn để mua xây hồ, mua giống” ông Hóa ngậm ngùi khi nhắc lại.

Cùng dân bắt tay vào làm, ông Phương đã bàn với lãnh đạo xã Quảng Công thành lập một khu định cư dân vạn chài; thế là thôn 14 ra đời với 36 hộ dân vạn đò phiêu dạt, tập tành nuôi tôm theo sự vận động của ông.

Từ những thử nghiệm ban đầu, cả một khu vực sông nước mênh mông rộng hàng chục hécta bên phá Tam Giang ở xã Quảng Công dần dần biến dần thành những ao hồ nuôi tôm của người dân. Diện tích nuôi trồng tăng lên các năm sau đó, năm 1988 thôn 14 được 2ha hồ tôm, năm 1989 được 20ha hồ nuôi. Lúc này tôm giống thả rất thưa, chủ yếu là tôm đất, tôm rảo, nhưng năng suất cũng đạt 200 - 300 kg/ha; từ nuôi tôm quảng canh, chắn sáo, bà con đã bắt đầu nuôi tôm cao triều năng suất cao hơn.

Với những thắng lợi bước đầu ở thôn 14, ông Phương tổ chức hội nghị để bàn việc phát triển nghề nuôi tôm bên đầm phá với khoảng 15 đại biểu. Sau hội nghị ấy, ông Phương cũng đã triển khai và mở rộng quy mô nuôi trồng trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Và nay, hàng ngàn người dân của làng vạn chài nghèo khổ của thôn 14 năm xưa nay đã trở thành những ông chủ giàu có. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, thôn xóm khang trang, sạch đẹp.
 

Miếu thờ và ngôi trường mang tên vị Giám đốc Sở

Trong khi việc nuôi trồng đang trên đà phát triển thì vào một ngày trung tuần đầu tháng 10/1991, người dân các làng quê vùng đầm phá Tam Giang bàng hoàng nhận tin dữ, ông Phan Thế Phương bị tai nạn giao thông và ra đi đột ngột trong khi đang vào Nam công tác, nghiên cứu chuẩn bị con giống cho bà con. Theo người dân địa phương kể lại, đám tang của ông được tổ chức tại Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có hàng ngàn người khắp nơi kéo về để tiễn đưa ông.

08-01-19_nh_2
Tên ông giám đốc sở còn được đặt cho ngôi trường trung học trên địa bàn

Sau khi ông Phương mất, để tưởng nhớ công ơn người đã có công khai canh và mang lại miếng cơm manh áo cho mình, người dân ở vùng đầm phá xã Quảng Công đã cùng nhau góp sức, góp của xây dựng miếu thờ ông trong khu vực nuôi trồng. Nhiều người ở vùng xa như ở Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền… đã nhân tấm ảnh ông Phương tại miếu thờ đưa về hồ mình để thờ tự. 12 năm sau khi ông Phương mất, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đã ký quyết định truy tặng ông danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”; tiếp sau đó, vào năm 2013 tên ông đã được đặt tên cho một ngôi trường THCS ở xã Quảng Công.

“Người dân chúng tôi xem ông Phương như là “thành hoàng” vì ông là người dạy cho chúng tôi biết nuôi con tôm, con cá… nhà ngói, nhà lầu, con cái học hành, xóm làng no ấm cũng từ đó mà ra. Sự tận tụy hết lòng vì dân của ông là tấm gương để chúng tôi giáo dục con cháu” một cao niên ở thôn 14 nói trong tự hào.

Theo ông Ngô Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công, hiện nay nuôi trồng thủy sản hiện nay đang được xem là ngành nghề chủ lực và mang hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, hiện toàn xã có gần 120ha nuôi tôm, cá; tính trung bình mỗi hộ thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm.

“Cái tên Phan Thế Phương đã quá gần gũi, máu thịt ân tình với người dân vùng đầm phá nơi này. Họ đã tôn ông là thành hoàng, lập miếu thờ ông. Nay có thêm ngôi trường mang tên ông là một lần nữa tỏ lòng tri ân, đồng thời muốn giáo dục thế hệ trẻ về sự đức độ, tình thương, noi gương ông để góp sức xây dựng đất nước”, ông Phú chia sẻ.

Hôm nay, đến ngôi trường Phan Thế Phương ở xã Quảng Công, khi được hỏi về nhân vật Phan Thế Phương thì đa phần học sinh sẽ trả lời vanh vách, đầy tự hào như một vị thần đã đi vào lịch sử, một huyền thoại của người dân nơi ven vùng phá Tam Giang.

Ông Phan Thế Phương sinh năm 1934, quê xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước khi làm Giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên - Huế, ông tham gia cách mạng rồi công tác tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trường Trung cấp Thủy sản Trung ương I và sau đó giữ chức Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên (cũ). Năm 1991, trong chuyến đi công tác miền Nam tìm hướng đi cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh, ông bị tai nạn giao thông và mất tại tỉnh Bình Thuận.

 

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Neymar lại dính chấn thương

Sức khỏe của tiền đạo người Brazil tiếp tục bị đặt dấu hỏi sau khi chân sút này chỉ thi đấu được đúng 29 phút và bị thay khỏi sân vì đau.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.