Khẩu trang vải cũng có thể sử dụng để phòng ngừa nCoV (Ảnh minh họa). |
"Phòng bệnh rất tốt nhưng ở trường hợp nào, lúc nào, nơi nào… không nhất thiết phải dùng các loại “mặt nạ” ở mọi nơi", ông Trần Đắc Phu nói thêm tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh nCoV do Bộ Y tế tổ chức chiều 31/1.
Chỉ những người điều trị, chăm sóc bệnh nhân mới cần dùng khẩu trang N95 và quần áo đặc biệt. Người dân không nên quá hoang mang trong chuyện dùng khẩu trang. Khi ho, hắt hơi cần lấy tay che miệng tránh nguy cơ lây nhiễm nếu bị bệnh.
Cần tránh nơi đông người, tránh du xuân, hội họp không cần thiết. Căn cứ mức độ lây lan, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ có phương án hợp lý.
Ông Nguyễn Tử Hiếu (ngồi giữa) trả lời phóng viên tại họp báo. |
Ông Nguyễn Tử Hiếu, Vụ phó Vụ Quản lý trang thiết bị và công trình y tế khẳng định: Không có chuyện hỗ trợ trang thiết bị Trung Quốc. Bộ đã gửi công văn hơn 40 đơn vị sản xuất để đánh giá năng lực, rà soát hàng tồn kho thiết bị y tế.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp khó do nhân công sản xuất vẫn nghỉ Tết. Từ mùng 7, một số doanh nghiệp đã yêu cầu công nhân trở lại sản xuất. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung cho các cơ sở y tế, không tăng giá, không xuất bán ra nước ngoài. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi tăng giá, trục lợi bán khẩu trang.
Có tình trạng lợi dụng dịch bệnh gom hàng để bán. Báo chí cần tăng cường tuyên truyền để giảm tình trạng này.
Các mặt hàng như máy thở monitor, Bộ đã đề nghị các cơ sở y tế rà soát, nhập khẩu thêm phục vụ phòng chống dịch bệnh.
TS. Sataco Ottshu, đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO), phát biểu: Việc công bố dịch bệnh khẩn cấp mang ý nghĩa giúp các nước cùng nhau khống chế dịch. Đây là thời điểm cả quốc tế cùng nhau ứng phó dịch bệnh. Chúng tôi rất hiểu nỗi băn khoăn, sự sợ hãi của công chúng. Nhưng việc này không có nghĩa là nâng cấp độ nguy cơ hay đe dọa của dịch bệnh.
TS. Sataco Ottshu, đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO). |
Phần lớn các ca bệnh vẫn được báo cáo ở Trung Quốc dù đã có 22 nước xuất hiện ca bệnh xâm nhập. Nhưng với WHO, chúng tôi quan ngại với những quốc gia có hệ thống y tế chưa mạnh.
WHO khuyến nghị, cần tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, ngành y tế Việt Nam trong kiểm soát, khám, điều trị. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ ứng phó, kiểm soát được dịch bệnh. WHO cam kết đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong công tác ứng phó dịch bệnh.
Đông đảo phóng viên dự họp báo về dịch viêm phổi do virus Corona. |
Theo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, tính đến 11h ngày 31/1, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đã có 9.832 trường hợp mắc trên toàn thế giới, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 9.699. Tổng số trường hợp tử vong: 213, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 213
Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 22 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc: Hồng Kông, Trung Quốc: 15 trường hợp; Nhật Bản: 14 trường hợp; Thái Lan: 14 trường hợp; Singapore: 13 trường hợp; Úc: 9 trường hợp; Đài Loan, Trung Quốc: 9 trường hợp; Malaysia: 8 trường hợp; Ma Cao, Trung Quốc: 7 trường hợp; Pháp 6: trường hợp; Hàn Quốc: 7 trường hợp; Mỹ: 6 trường hợp; Đức: 5 trường hợp; Việt Nam: 5 trường hợp; Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất: 4 trường hợp; Canada: 3 trường hợp; Ý: 2 trường hợp; Campuchia: 1 trường hợp; Phần Lan: 1 trường hợp; Ấn Độ: 1 trường hợp; Nepal: 1 trường hợp; Philippine: 1 trường hợp; Sri Lanka: 1 trường hợp.