Ăn trái cây Việt Nam cả trong mơ
“Dân buôn bán nông sản như chúng tôi đương nhiên phân biệt được trái cây Việt Nam với các nước Đông Nam Á như Lào, Malaysia, Thái Lan... Tuy nhiên, chắc chắn đa phần người tiêu dùng Bắc Kinh và các địa phương khác chỉ biết đó là trái cây nhiệt đới. Trái cây Việt Nam là số một về chất lượng. Thực trạng này là điều đáng tiếc”, ông Cố Triệu Học, Phó Tổng giám đốc Thường trực Chợ nông sản Tân Phát Địa, cho biết.
Tân Phát Địa không chỉ là "giỏ nông sản" của Bắc Kinh, mà còn là "đại diện" cho ngành nông sản Trung Quốc, thương hiệu của Trung Quốc.
Theo ông Cố, với tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh, Trung Quốc là thị trường nông sản khổng lồ. Trong đó, Bắc Kinh là "chợ" tiêu thụ nông sản lớn.
“Bắc Kinh không sợ hàng đắt tiền, chỉ sợ hàng không tốt. Với dân trong nghề như chúng tôi, nói trái cây Việt Nam là biết ngon số một rồi. Tôi nghĩ các bạn Việt Nam cần nghĩ cách để người tiêu dùng Trung Quốc biết tới nông sản của các bạn. Trái cây ngon như thế này, cần phải khiến cho người Bắc Kinh đi tàu đi xe cũng nghĩ đến ăn trái cây Việt Nam, đi ngủ cũng mơ thấy”, ông Cố nói.
Lãnh đạo chợ nông sản lớn nhất Bắc Kinh cho rằng khâu quảng bá cần cả “online và offline”. Ở góc độ “offline”, ông Cố nói ít nhất mỗi năm một lần, cần có những hoạt động như Lễ hội trái cây Việt Nam, diễn ra lần thứ nhất ở Bắc Kinh ngày 29/9. Về khía cạnh online, ông Cố nói dường như doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đầy đủ.
Dù là dân trong nghề nông sản gần 30 năm, ông Cố cho biết ông gần như chưa được thấy quảng cáo nào của trái cây Việt Nam mang tính bài bản.
“Tôi không rõ lý do tại sao, có thể do tôi đọc chưa đủ nhiều. Điều tôi suy nghĩ nhiều nhất, là tại sao trái cây ngon thế mà hầu như dân chúng bình thường chỉ biết đó là trái cây nhiệt đới, không biết đó là của Việt Nam”.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam chưa phải là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Bắc Kinh, ông Cố cho rằng sự cạnh tranh giữa các nước đang “ngày càng khốc liệt”, nhằm chiếm lĩnh thị phần ở thị trường khó tính bậc nhất nội địa Trung Quốc.
Đơn cử như Lào, vài năm qua, họ đều mang nông sản tới Tân Phát Địa tổ chức triển lãm. Gầ đây nhất, ngày 28/9, sầu riêng Malaysia tiếp tục “xuất trận” tại Bắc Kinh với nhiều hoạt động quảng bá rầm rộ.
Ông Cố cho biết theo tìm hiểu cá nhân, giá nhân công ở Lào chỉ khoảng 20 NDT (khoảng 80.000đ), gầ như rẻ nhất Đông Nam Á. “Xét về trái cây đặc hữu, có thể Lào chưa bằng Việt Nam, nhưng nhân công rẻ, trái cây cũng nhiều. Đây có lẽ sẽ là đối thủ cạnh tranh thị trường của các bạn”.
Ngoài ra, hai loại trái cây chủ lực của Việt Nam là thanh long, sầu riêng, cũng đang được trồng ở Quảng Tây. Ông Cố cho rằng đây cũng là điều mà nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý.
Tại Tân Phát Địa, không chỉ có trái cây nhiệt đới, mà các nước ôn đới cũng mang hàng hóa tới triển lãm. Thậm chí, các quốc gia Trung Mỹ, Nam Mỹ cũng đã hiện diện dần dần ở Bắc Kinh vài năm qua.
Theo trí nhớ của ông Cố, cách đây 15 năm, dân Bắc Kinh đã bắt đầu biết tới thanh long, sầu riêng. Hiện tại, trong suy nghĩ của đa số người Bắc Kinh, hai loại trái cây này đến từ Thái Lan hoặc Malaysia.
“Ít nhất mỗi năm một lần, doanh nghiệp Việt Nam nên triển lãm hoặc có hoạt động tương tự tại Bắc Kinh hoặc tỉnh thành khác. Thị trường cao cấp thì đương nhiên Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu đứng đầu. Ngoài ra còn nhiều thị trường khác, với lợi thế địa lý, vì sao các bạn doanh nghiệp Việt Nam không làm, trong khi từ Chile xa xôi, người ta vẫn mang nông sản tới đây”, ông Cố nói.