| Hotline: 0983.970.780

Mạnh tay xử phạt tàu cá vi phạm khai thác IUU

Thứ Bảy 31/10/2020 , 15:29 (GMT+7)

Chống khai thác IUU đang đi đúng hướng, nhưng số tàu cá vi phạm vẫn còn nhiều, khiến cho việc tháo gỡ thẻ vàng IUU vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh: TL.

Tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh: TL.

Chống khai thác IUU đang đi đúng hướng

Tại Hội nghị Đánh giá 3 năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”, do VASEP tổ chức tại TP.HCM ngày 31/10, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, cho biết, trong thời gian qua, sự tham gia phối hợp, chia sẻ nhiệt tình của các doanh nghiệp hải sản, nhất là các doanh ngiệp trong CLB Cá ngừ của VASEP, là những đóng góp rất lớn cho sức mạnh của chương trình …

Năm 2020 chương trình đã hoàn thành tốt theo kế hoạch đề ra, duy trì đều cả 4 nhóm hoạt động. Điểm nhấn đặc biệt là kết quả hoạt động truyền thông và phối hợp với các bên (Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản, Ban Tuyên giáo Trung ương …), mà trọng tâm hướng tới ngư dân.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của VASEP, cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ, chung tay chống khai thác IUU bằng những chương trình, hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực. Cụ thể như thực hiện Chương trình “Doanh nghiệp cam kết chống khai thác IUU”; tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước đóng góp ý kiến, xây dựng các quy định liên quan về chống khai thác IUU.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đã tăng cường phối hợp với các bên liên quan và mở rộng quan hệ quốc tế trong chống khai thác IUU; thực hiện tốt các hoạt động truyền thông cho các thành phần có liên quan cùng chung tay chống khai thác IUU.

Về tình hình chống khai thác IUU của nước ta, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2020, chúng ta đã có 2 cuộc họp trực tuyến với Cộng đồng châu Âu (EC) vào ngày 30/6/2020 và ngày 22/10/2020 để trao đổi, cập nhật các kết quả triển khai, giải trình các nội dung về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC.

Tại các cuộc họp này, EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, đã có nhiều tiến bộ so với trước và đang đi đúng hướng.

Phía EC ghi nhận nỗ lực trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Một số kết quả cụ thể: Kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đạt trên 82%, đánh dấu tàu cá trên 90%; hệ thống giám sát hành trình tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương; công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được tăng cường đáng kể; công tác kiểm soát tàu cá Việt Nam ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng đã có nhiều tiến bộ; đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương…

Phải mạnh tay với tàu cá vi phạm

Tuy nhiên, đánh giá từng nội dung công việc cụ thể thì kết quả triển khai tại nhiều địa phương vẫn còn rất chậm như chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, đánh dấu tàu cá, tình trạng tàu cá mất kết nối VMS khi đi đánh bắt hải sản diễn ra phổ biến.

Đặc biệt, nhiều tàu cá vẫn tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, đã có 69 vụ/113 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý…

Về thực trạng nói trên, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, việc xử phạt các tàu cá vi phạm khai thác IUU ở nhiều địa phương hiện chưa được nghiêm minh.

Bằng chứng là số lượng tàu cá vi phạm đã bị xử phạt hiện đang rất thấp so với số tàu bị phát hiện vi phạm. Ở nhiều tỉnh, tàu vi phạm gần như chưa bị xử phạt. Trong khi đó, EC đã nói thẳng rằng nếu còn 1 tàu cá vi phạm, Việt Nam vẫn rất khó được gỡ thẻ vàng IUU.

Chính vì vậy, các địa phương cần phải thật nghiêm túc trong việc xử phạt các tàu cá vi phạm và khắc phục những khuyến nghị của EC. Phải làm một cách thực chất để phát triển nghề cá một cách bền vững, lâu dài chứ không phải là làm để đối phó với EC.

Bến Tre là một trong số ít địa phương đang mạnh tay xử phạt tàu cá vi phạm, khi đã phạt 7 trường hợp với tổng số tiền phạt khoảng 5,8 tỷ đồng.

Tăng nuôi biển để giảm cường độ khai thác

Dự kiến trong cả năm nay, sản lượng thủy sản cả nước là 8,5 triệu tấn. Trong đó, 4,6 triệu tấn từ nuôi trồng và 3,9 triệu tấn khai thác. Từ những số liệu đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng để đảm bảo sự bền vững cho nghề cá Việt Nam, trong những năm tới việc khai thác chắc chắn phải giảm cường độ, giảm lượng khai thác, không thể tiếp tục khai thác 3,9 triệu tấn như năm nay.

Thay vào đó, phải đẩy mạnh nuôi biển. Đây là xu thế phát triển tất yếu ở một đất nước có tới 3.260km bờ biển, vùng biển có đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, trong đó 500 ngàn km2 mặt nước có thể nuôi hải sản.

Bộ NN-PTNT đang xây dựng chiến lược nuôi biển đến 2030 với mục tiêu dự kiến 2030 là 2-3 triệu tấn hải sản từ nuôi biển. Nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin rằng đến 2030, sản lượng nuôi biển hoàn toàn có thể vượt những dự báo đó. Bởi hiện nay, chúng ta mới có 70 ngàn ha, 5 triệu m3 lồng bè, mà dự kiến sản lượng đã là 600 ngàn tấn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, do ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, xuất khẩu hải sản sang châu Âu liên tục giảm từ năm 2018 đến nay. Năm nay, xuất khẩu hải sản sang khu vực này chịu tác động kép từ thẻ vàng IUU và Covid-19, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hải sản sang EU chỉ đạt 250 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ 2019.

Trong những tháng còn lại của năm, những lợi thế từ Hiệp định EVFTA mang tới, cộng với nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại ở EU, xuất khẩu hải sản sang khu vực này nhiều khả năng sẽ khả quan hơn. Qua đó, đưa giá trị xuất khẩu hải sản cả năm sang EU dự kiến đạt 340 triệu USD, giảm 10% so với năm ngoái.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm