| Hotline: 0983.970.780

Phân bón Cà Mau chia sẻ khó khăn với nông dân trồng lúa

Thứ Hai 06/12/2021 , 10:55 (GMT+7)

Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau đã triển khai chương trình 'Hỗ trợ nhà nông - đồng lòng vượt khó'. Chương trình triển khai trên 23 tỉnh thành trên cả nước.

Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau đã triển khai chương trình 'Hỗ trợ nhà nông - đồng lòng vượt khó' trên 23 tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Ngọc Duyên.

Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau đã triển khai chương trình “Hỗ trợ nhà nông - đồng lòng vượt khó” trên 23 tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Ngọc Duyên.

Năm nay, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động tiêu thụ lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Giá lúa liên tục giảm, thậm chí nhiều nơi còn không có người thu mua. Chia sẻ với khó khăn của nông dân, Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau đã triển khai chương trình “Hỗ trợ nhà nông - đồng lòng vượt khó”. Chương trình triển khai trên 23 tỉnh thành trên cả nước, trao tặng phân bón cho nông dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Giá lúa giảm mạnh, nhà nông lao đao

Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nông dân trồng lúa khóc ròng vì giá bán ra giảm mạnh. Trong thời điểm nhiều địa phương thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ, các thương lái gặp khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa bàn liên huyện, liên xã để thu mua nông sản hoặc phải test nhanh Covid-19 làm tăng chi phí dẫn đến việc thương lái ít thu mua hoặc thu mua giá thấp.

Cùng chung tình cảnh với nhiều nông dân trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Đoàn Thanh Xuân - ấp 5 Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, cho biết: “Tình hình dịch bệnh trong xã vừa qua cũng phức tạp. Do công nhân đi làm rồi lây từ công ty mang mầm bệnh về địa phương. Thành thử ra việc mua bán nông sản cũng bị ảnh hưởng. Giá bị giảm thê thảm. Vụ Hè Thu vừa rồi thất bát, giá có hơn 4 ngàn đồng 1kg nếp thôi.

Bên cạnh do yếu tố dịch bệnhCovid-19, những năm gần đây, nông dân trồng lúa còn gặp nhiều bất lợi về thiên nhiên.

Ông Trần Văn Kính, ấp 1, xã Mỹ Thạnh - huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chia sẻ: “Mùa này hàng năm lũ cao, tụi tui lấy nước xả ra xả vô thì thấy phù sa nhiều thì có lý hơn. Còn năm nay điều kiện lũ thấp, không có tràn vô ruộng được, phù sa chắc ít, thì cái đó nó cũng hơi khó khăn. Thứ 2 tình hình dịch bệnh thì khó khăn trong việc vệ sinh đồng ruộng.

Hiện giờ bà con sợ nhất nước mặn. Giờ đang dọn ruộng, nhưng mà còn 1-2 cây mưa cuối vụ theo tục lệ của người dân địa phương chúng tôi thì sẽ còn cây mưa khá lớn mà người dân tính khoảng 20 âm lịch sẽ xuống giống để khắc phục vấn đề nước mặn, chứ nước lũ mà thấp là nước mặn sẽ tràn lên nhiều. Cái đó người dân đang lo âu về vấn đề thời tiết, thấy thời tiết giờ thất thường không như hồi trước”.

Điều kiện tự nhiên đã khó, giá lúa lại giảm. Khó khăn bao vây nhà nông: “Gía lúa vụ ba có 5 ngàn, 5 ngàn hai, 5 ngàn ba trở lại. Mọi năm phải 6 ngàn, 6 ngàn hai. Nhưng năm nay giá phân gấp đôi mà vụ đông xuân rồi lúa có 4 ngàn ba thì nông dân lỗ rồi. Vụ này, những người làm vụ giữa thấy bề này không xong, rồi giờ những người đang chuẩn bị xuống giống ngần ngại, ngán quá. Rất là lo âu!”, ông Kính băn khoăn.

Ông Nguyễn Văn Linh – Chủ Cơ sở phân bón 6 Hiếu, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết do giá lúa thấp, nông dân không có lãi nên họ ngại đầu tư. Đợt này cơ sở của ông buôn bán ế ẩm, số lượng hàng bán ra giảm đến phân nửa.

Đồng hành cùng nông dân vượt qua khó khăn

Theo ông Lương Toàn Triệu - Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An: “Tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid 19 trên địa bàn xã thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là trong việc tiêu thụ nông sản cũng như giá cả nông nghiệp phân, thuốc. Hướng tới vai trò lãnh đạo chính quyền địa phương, xã sẽ phối hợp với hệ thống chính trị, mặt trận đoàn thể xã, ấp làm tốt công tác chính trị, vận động nhân dân trong công tác phòng ngừa dịch bệnh Covid 19. Bên cạnh đó cũng làm tốt công tác khôi phục sản xuất trong nông nghiệp, áp dụng các khoa học kỹ thuật để tăng sản xuất, mang lại hiệu quả, giảm chi phí, đặc biệt là phân thuốc, mang lại hiệu quả cao cho người dân”.

Phân bón Cà Mau tổ chức trao tặng phân bón cho nông dân tại Long An. Ảnh: Ngọc Duyên.

Phân bón Cà Mau tổ chức trao tặng phân bón cho nông dân tại Long An. Ảnh: Ngọc Duyên.

Anh Lưu Xuân Mười, nhân viên Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau phụ trách địa bàn Long An cho biết: Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty đang triển khai chương trình hỗ trợ nhà nông đồng lòng vượt khó trên cả nước. Riêng tại Long An, công ty sẽ trao tặng khoảng 1.400 bao phân NPK cho 700 khách hàng (mỗi khách hàng 2 bao, mỗi bao loại 50kg).

Cũng theo anh Mười, thị phần tiêu thụ phân bón của công ty ở địa bàn Long An khá lớn, nhất là trên cây lúa và thanh long. Hiện tại, tỉnh Long An có 3 đại lý cấp 1 cung cấp phân bón của công ty. Mỗi đại lý cấp 1 sẽ có thêm 30 đến 40 đại lý cấp 2.

“Hỗ trợ nhà nông – Đồng lòng vượt khó” là chương trình ý nghĩa của Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau nhằm đồng hành cùng nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19. Chương trình trao tặng cho bà con nông dân đang gặp khó khăn trên cả nước hơn 26.000 bao phân bón chất lượng cao mang thương hiệu Phân bón Cà Mau.

Cùng với hỗ trợ phân bón để tái sản xuất, bà con các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhận được 500 phần quà là các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, trang thiết bị y tế… giúp bà con vơi đi phần nào khó khăn trong dịch bệnh.

Xem thêm
Doanh nghiệp nên quan tâm phòng hộ giá qua thị trường cà phê phái sinh

Chuyên gia của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đưa ra công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trước những biến động của giá cà phê hiện nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.