Tại sự kiện "Chuyển đổi số ngành Ngân hàng" ngày 4/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, toàn ngành đã đặt ra những mục tiêu cụ thể cho kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động.
“Mục tiêu của chuyển đổi số ngành ngân hàng là nâng cao chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đây là thước đo hiệu quả cho quá trình chuyển đổi”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Để triển khai định hướng, chỉ đạo và giao nhiệm vụ liên quan tới chuyển đổi số một cách thống nhất, Ngân hàng Nhà nước đã lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc là Trưởng ban chỉ đạo, thành viên là thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và một số chủ tịch, tổng giám đốc tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số được đề cập như là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2030 của Đại hội XIII. Trong Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Tài chính - Ngân hàng là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.
Riêng lĩnh vực ngân hàng, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 11/5 sau đó được chọn là Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và ban hành nhiều quy định, chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số như: hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trung gian thanh toán, mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...)
Với các tổ chức tín dụng, hầu hết xác định chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững. Một số ngân hàng đã đưa công tác phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số thành mục tiêu trong chiến lược kinh doanh.
Nhiều chương trình tuyên truyền được đánh giá cao như: “Tiền khéo, tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “Đồng tiền thông thái”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”…Qua đó, người dân được nâng cao nhận thức, hiểu biết về ứng dụng kỹ thuật số và lưu ý tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% so với cùng kỳ năm 2021.
68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Nhiều ngân hàng tốp đầu hiện đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% vào năm 2025.
Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất khu vực, thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.
Phấn khởi trước những thành tích trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành ngân hàng tập trung hơn nữa công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg; nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh cho hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.