Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cả nước hiện có khoảng 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng gần 5% so với cuối năm 2022, trong đó hơn 1.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng gần 900 xã so với cuối năm 2022 và 340 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng gần 230 xã.
Hơn 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng gần 30 huyện so với cuối năm 2022. Trong đó, 3 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4 tỉnh so với cuối năm 2022. 5 tỉnh là Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những mặt tích cực, cả nước vẫn còn 4 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%; 5 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình, Khánh Hòa, Kon Tum chưa có đơn vị cấp huyện nào được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2024, cả nước có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó khoảng 32% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 290 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Về số lượng sản phẩm OCOP, cả nước hiện có hơn 12.000 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, tăng hơn 3.200 sản phẩm so với cuối năm 2022. Trong đó có 42 sản phẩm 5 sao. Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước, chiếm hơn 30% số lượng sản phẩm OCOP. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 20%. Thấp nhất là khu vực Đông Nam bộ, với hơn 5% tổng số sản phẩm.
Việt Nam có hơn 6.500 chủ thể OCOP, trong đó khoảng một phần ba là các HTX. Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đánh giá, số lượng sản phẩm OCOP tăng đều đặn hàng năm là điềm nhấn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Về kinh phí thực hiện, trong năm 2023, khoảng 7.000 tỷ đồng vốn ngân sách và hơn 2.200 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp đã được giao cho các bộ, ngành trung ương và địa phương để xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hơn 1.000 tỷ đồng vốn nước ngoài đã được giao cho 16 tỉnh để đầu tư mạng lưới y tế cơ sở tại vùng khó khăn.
Tính đến tháng 4/2024, nguồn vốn đầu tư công các năm trước chuyển sang thực hiện năm 2024 đã giải ngân được 12%. Đối với nguồn vốn của năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 22% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt hơn 6% dự toán.
Hiện 58/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 922/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt 20 mô hình tại 20 tỉnh, tập trung vào phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn.