| Hotline: 0983.970.780

Gian nan xây dựng nông thôn mới ở miền núi Quảng Ngãi

Thứ Tư 17/04/2024 , 09:40 (GMT+7)

Thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ nghèo đa chiều cao, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo là những yếu tố cản trở các xã miền núi Quảng Ngãi xây dựng nông thôn mới.

Đời sống của người dân ở các huyện miền núi Quảng Ngãi còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: L.K.

Đời sống của người dân ở các huyện miền núi Quảng Ngãi còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: L.K.

Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới  (NTM) đến nay, tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ có 9/61 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 14,75%). Địa phương phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 13 xã ở khu vực này đạt chuẩn. Với điều kiện, kinh tế - xã hội còn khó khăn, điểm xuất phát thấp ở các xã miền núi thì để thực hiện mục tiêu này cần một sự quyết tâm rất lớn.

Theo kế hoạch, vào năm 2024, xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng) sẽ đạt chuẩn NTM. Thế nhưng, theo thống kê thì hiện nay, xã này mới chỉ đạt được 11/19 tiêu chí. Để đáp ứng được 8 tiêu chí còn lại đối với địa phương này thực sự là một thách thức rất lớn. Ông Hồ Văn Tự, Chủ tịch UBND xã Trà Thủy cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng của xã vẫn còn chưa đảm bảo. Trong thời gian tới, Trà Thủy sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm các hạng mục như: nhà thi đấu, khu vui chơi giải trí, điểm chôn cất và một số tuyến đường giao thông…

“Dự toán nguồn kinh phí để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng này hết khoảng 47 tỷ đồng. Do là xã miền núi, nguồn lực không có nên chúng tôi cũng đã kiến nghị tỉnh, huyện hỗ trợ. Tại địa phương, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn yếu nên rất khó huy động được nguồn lực trong dân. Bà con chỉ đối ứng bằng việc hiến đất đai, cây cối, hoa màu. Dù khó khăn như vậy nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm phấn đấu nhằm đạt mục tiêu theo lộ trình đề ra”, ông Tự nói.

Cơ sở hạ tầng, đường sá ở các huyện miền núi Quảng Ngãi chưa thực sự đảm bảo. Ảnh: L.K.

Cơ sở hạ tầng, đường sá ở các huyện miền núi Quảng Ngãi chưa thực sự đảm bảo. Ảnh: L.K.

Tương tự, tại xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây), ngoài cơ sở vật, hạ tầng chưa thực sự đảm bảo thì khó khăn lớn nhất của xã trong việc thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng NTM là đáp ứng tiêu chí về thu nhập. Ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung cho biết, xã có điều kiện tự nhiên, địa hình chủ yếu là đồi núi, trình độ dân trí còn thấp. Người dân sống chủ yếu dựa vào nương rẫy theo lối truyền thống nên kỹ thuật canh tác còn rất thô sơ, lạc hậu.

“Cùng với đó, quy mô sản xuất ở địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2023, mức thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm. Ngoài thu nhập thì tỷ lệ hộ nghèo cũng khó thực hiện vì hiện nay xã còn 28%, mà theo quy định phải dưới 13%”, ông Trí nói.

Huyện Sơn Tây có 2 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2025 là xã Sơn Dung và Sơn Mùa. Ở 2 xã này hiện nay đời sống của người dân còn khó khăn nên việc huy động nguồn lực để thực hiện chương tình còn rất hạn chế. Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho rằng, nếu chỉ chờ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM thì rất khó hoàn thành các mục tiêu. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nguồn vốn nhưng phải đảm bảo không chồng chéo. Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn vốn để các xã hoàn thành các mục tiêu về xây dựng cơ sở vật chất.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đối với các xã miền núi đặc biệt khó khăn phấn đầu đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh hầu hết đều có địa bàn rất rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bố rải rác. Do đó, khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi. Người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Việc huy động nguồn lực để hiện chương trình gặp khó khăn, chủ yếu dựa vào sự đầu tư, hỗ trợ từ nhà nước.

Từ thực tế này, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, xã miền núi cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể và cam kết chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện để các xã nâng cao các tiêu chí. Đồng thời, tạo điều kiện nguồn lực tốt nhất để cho các thôn, xã đảm bảo về đích NTM đúng kế hoạch. Đối với các đã đạt chuẩn thì cần có giải pháp phù hợp để giữ vững và nâng cao các tiêu chí.

Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ bố trí thêm kinh phí cho Quảng Ngãi để tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, ưu tiên xem xét, bố trí thêm nguồn lực cho huyện Sơn Tây (3 xã Sơn Dung, Sơn Mùa và Sơn Tinh) về đích NTM vào năm 2025 đảm bảo theo kế hoạch, chỉ tiêu giao.  

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.