Sáng 7/9, tại Quảng Nam diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rất có ý nghĩa đối với kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. |
Trong vòng 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì ở giai đoạn đầu tiên (2010-2015), các tỉnh thuộc khu vực này đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp. Tuy nhiên bộ máy quản lý, điều hành giúp việc cho Ban này hoạt động chưa thực sự hiệu quả do các cán bộ kiêm nhiệm còn thiếu và yếu về năng lực.
Hầu hết các địa phương cơ bản đều chỉ chú trọng vào triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cơ sở, chưa quan tâm nhiều đến tổ chức, hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến giai đoạn 2015-2020, các tỉnh đã dần kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo hoạt động từng bước hiệu quả hơn. Từ việc chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng như trước đây thì giai đoạn này, các địa phương đã dần chuyển sang triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm mà Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hướng đến là tác động đến sinh hoạt, và sản xuất của người dân.
Hội nghị đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng nông thôn mới vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên |
Những thay đổi đúng hướng này đã góp phần giúp cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có bước chuyển mình, thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Qua 10 năm, tại khu vực này đã đạt được những kết quả nổi bật như: Hạ tầng kinh tế nông thôn đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của người dân; Phát triển, đổi mới hình thức sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế trong đó phải kể đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên…
Bên cạnh những kết quả tích cực thì vùng này còn có nhiều điểm hạn chế như: khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền còn khá lớn; tiến độ xây dựng nông thôn mới ở nhiều tỉnh có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây; nhiều ngành kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, có nơi lạm dụng khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ sinh thái; các công trình hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông xuống cấp, chưa đầu tư sửa chữa kịp thời…
Chú trọng phát triển và xây dựng thương hiệu các sản phẩm địa phương là một trong những nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới. |
Tính đến tháng 8/2019, toàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có 604/1.424 (chiếm tỷ lệ 42,41%) xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. So với mức bình quân của cả nước (50,8%) thì khu vực này có tỷ lệ đạt chuẩn tương đối thấp, chỉ cao hơn vùng núi phía Bắc (26,4% số xã đạt chuẩn). Điều này cho thấy, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang là một vùng trũng về xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là vùng có những nét đặc trưng nhất, hội tụ đầy đủ cả nông, lâm, ngư nghiệp. Xét tiềm năng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì đây là khu vực đầy tiềm năng nhất.
Mặc dù vậy, xuất phát điểm của vùng hiện nay rất thấp, tỉ lệ nghèo khi thực hiện nông thôn mới còn rất cao nên chương trình rất khó phát triển. Bên cạnh đó, vùng còn chịu ảnh hưởng lớn của sự biến đổi khí hậu nên đã tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế trên địa bàn vùng.
“Trước những tiềm năng và khó khăn đó, muốn xây dựng nông thôn mới trước hết phải tuyên truyền chuyển cấp cho cán bộ để từ đó có nhiều hơn nữa những chính sách đúng đắn, thúc đẩy kinh tế nông thôn. Sau hội nghị này, chúng ta phải rút ra những kinh nghiệm để phát triển thực hiện mục tiêu đề ra trong thời gian tới nhằm đạt được những kết quả tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.