| Hotline: 0983.970.780

Kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới: Nhiều địa phương vượt khó vươn lên

Thứ Bảy 17/08/2019 , 14:50 (GMT+7)

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận lớn của toàn thể nhân dân, mọi khó khăn khi xây dựng nông thôn mới (NTM) đều có hướng tháo gỡ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương không được chủ quan, phải tập trung hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo

Sáng 17/8, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM vùng đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung Bộ (BTB), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó BCĐ các chương trình mục tiêu Quốc gia Nguyễn Xuân Cường cho biết: “ĐBSH và BTB mang tính đặc trưng, đặc thù và đặc biệt. Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, các địa phương trong khu vực này gặp không ít khó khăn, thách thức. Song “cái khó ló cái khôn”, nhiều đơn vị đã triển khai phương án phù hợp, sáng tạo trong cách làm để thu về thành quả xứng đáng.

Lấy ví dụ, Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất nước, dân số đông đúc, trong đó phần lớn sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi. Xuất phát từ thực tế, việc xây dựng NTM ở Nghệ An chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức, dù vậy kết quả thu lại được sau chặng đường đã qua càng chứng minh cho sự sáng tạo, sự nỗ lực của địa phương”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Sau 10 năm, bộ mặt nông thôn Nghệ An đã có nhiều chuyển biến.

Xuyên suốt 10 năm qua, luôn xác định xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” nên các tỉnh như Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định... đã cho thấy sự chủ động, luôn đề ra kế hoạch, chủ trương phù hợp, sâu sát với thực tiễn nhằm cụ thể hóa mục tiêu. Thực tế, nhiều xã sau khi đạt chuẩn NTM tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” xây dựng NTM kiểu mẫu với các tiêu chí nâng cao trên cơ sở giữ vững thành quả đã có, đồng thời không ngừng hoàn thiện nâng cao các tiêu chí còn yếu, còn thiếu.

Bên cạnh đó các địa phương đã tập trung rà soát, khắc phục các tồn tại, có phương án khai thác tiềm năng, lợi thế, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Xây dựng các mô hình giúp nhà nông cải thiện nguồn thu, tạo tiền đề hoàn thành các tiêu chí là hướng đi đúng đắn của nhiều địa phương.

“Mỗi vùng mỗi vẻ”, Hà Nội là thủ đô nhưng có trên 386 xã nông thôn, vì thế việc bắt tay xây dựng NTM cũng đối mặt với không ít cam go. Lường trước được những khó khăn phải đối mặt, ngay từ ban đầu Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29/8/2011 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015’ và  Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”.

Nhờ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt sự đồng thuận hưởng ứng của đông đảo người dân, Hà Nội mạnh dạn phấn đấu đến hết năm 2020 có từ 10 huyện trở lên đạt chuẩn NTM, các xã cơ bản đạt chuẩn, từ 60 xã trở lên đạt chuẩn nâng cao, 20 xã đạt chuẩn kiểu mẫu.

Để công tác tuyên truyền phát huy tác dụng, nhiều cơ sở chủ động “biến thể”, từ các nội dung vốn khô khan, cứng nhắc thành những vở kịch, những tiểu phẩm dân ca... quen thuộc, mượt mà, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Hiệu quả thay đổi tức thì, nhận thức, tư duy và hành động của người dân chuyển biến rõ rệt, thay vì “phải” tham gia xây dựng NTM như những ngày đầu, giờ đây người người, nhà nhà đều hăng hái tham gia, muốn góp sức mình vào công cuộc chung.

"Kết quả có được ngày hôm này tại khu vực ĐBSH và BTB thấm đẫm công sức của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân. Đây sẽ là tiền đề, là cơ sở để đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu, ra những cách làm hay, sáng tạo để vận dụng vào chương trình xây dựng NTM cho giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thành quả có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận lớn của toàn thể nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả xây dựng NTM của vùng ĐBSH và BTB. Về tốc độ xây dựng NTM, vùng ĐBSH đứng đầu, vùng BTB đứng thứ 3 cả nước. Chương trình MTGQ xây dựng NTM đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, quá trình thực hiện nhiều địa phương đã triển khai tốt thông qua việc cơ cấu sản xuất, lao động nông thôn, từ đó góp phần nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Qua hội nghị tổng kết vùng, Phó Thủ tướng đề nghị từng đơn vị, từng địa phương trong vùng tiến hành rà soát lại, so sánh với kết quả toàn vùng, với các tỉnh, các huyện, xã khác để sớm khắc phục những vấn đề tồn đọng. Đặc biệt, các tỉnh phải thống nhất quan điểm lấy người dân làm chủ thể, nhưng không được huy động quá sức dân, tất cả phải trên tinh thần tự nguyện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý từng địa phương phải tiếp tục phấn đấu để có kết quả xây dựng NTM cao nhất năm 2020. Quá trình thực hiện không được chủ quan, lơ là, thỏa mãn. Cần chú ý đến công tác thẩm định, xét đạt chuẩn NTM theo hướng thực chất, nhất quyết không chạy theo thành tích. Trên tất cả, kết quả chính xác nhất chính là mức độ hài lòng của người dân.

“Đến nay Nghệ An có 3 đơn vị cấp huyện, 226/431 xã đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt đạt 15,64 tiêu chí/xã. sau 10 năm thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đem lại một diện mạo mới, sức sống mới cho khu vực nông thôn trên địa bàn. Nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân có sự chuyển biến rõ nét, cấp ủy Đảng, chính quyền thực sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo”, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.