| Hotline: 0983.970.780

10 năm xây dựng nông thôn mới: Sơn La đổi thay toàn diện

Thứ Sáu 23/08/2019 , 08:44 (GMT+7)

Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Sơn La đã đạt được nhiều thành tích với những con số đáng ghi nhận. 

Thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trên cơ sở chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành về Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Sơn La đã cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chương trình hiệu quả.
 

Chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ

Nằm ở khu vực Tây Bắc, Sơn La là tỉnh vùng cao biên giới với 250km đường biên giáp với nước bạn Lào, có diện tích tự nhiên 14.550km2, với dân số 1,12 triệu người của 12 dân tộc anh em, trong đó đa số là đồng bào dân tộc thiểu số.

14-45-45_20190821_081526_1
Đường giao thông miền núi được bê tông hóa.

Có thể nói rằng, xuất phát điểm về xây dựng NTM của Sơn La thấp do các nguồn lực của tỉnh và nhân dân còn hạn hẹp, khó khăn. Sơn La có 4/12 huyện nghèo với 216 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, diện tích rộng lớn, bị chia cắt bởi địa hình, dân cư phân bố thưa thớt... dẫn đến chi phí đầu tư cao cho lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục.

Do vậy, Sơn La đã xác định Chương trình MTQG xây dựng NTM là một chương trình trọng điểm, đột phá để đưa nông nghiệp, nông thôn, nông dân miền núi phát triển nhằm thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các Sở, ban, ngành cũng như công tác phối hợp của các thành viên, UBND tỉnh đã thành lập các Ban chỉ đạo, ban hành các văn bản nhằm giao nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm các Sở ban, ngành tham mưu, triển khai thực hiện chương trình. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của từng cơ quan trong công tác tham mưu hướng dẫn và tổ chức phối hợp, triển khai thực hiện từng tiêu chí, chỉ tiêu và từng địa bàn phụ trách.

Mô hình tổ chức từ cấp tỉnh đến huyện, xã, bản được tỉnh chỉ đạo thành lập, rút kinh nghiệm bổ sung, hoàn thiện qua hàng năm. Nhờ đó, ngay từ ngày đầu triển khai, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM được các cấp ủy đảng, chính quyền và Ban chỉ đạo quan tâm ngay từ ngày đầu và thường xuyên duy trì; phương pháp và cách thức được đổi mới hàng năm nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các tổ chức, thành phần kinh tế cũng như các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững.

Vì vậy, các chủ trương, chính sách khi đưa ra được đông đảo nhân dân phấn khởi đón nhận, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, chuyển từ thụ động sang chủ động, tự giác tham gia tích cực vào xây dựng NTM.
 

Những kết quả ấn tượng

Để thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng NTM, Ban chỉ đạo tỉnh, các Sở, ban, ngành và huyện, thành phố đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, cách làm hay, các mô hình hiệu quả, các tập thể, cá nhân tiêu biểu thông qua hội nghị, hội thảo, báo đài trung ương và địa phương...

nuoi-c-long-tren-long-ho-thuy-dien-son-l093109574
Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La.

Phong trào “Sơn La chung sức xây dựng NTM” được phát động ngay từ những ngày đầu, triển khai thực hiện hướng tới cơ sở, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc. Nhiều cuộc vận động khác như: “Cuộc vận động gia đình 5 không, 3 sạch gắn với việc xây dựng NTM và đô thị văn minh”, “Phụ nữ với xây dựng NTM”... được triển khai rộng rãi dưới nhiều hình thức phong phú, sáng tạo được tuyên truyền qua các phương tiện báo, đài truyền thanh, truyền hình, tài liệu, pano, áp phích, sân khấu hóa...

Kết quả huy động nguồn lực giai đoạn 2011-2019 đã đạt được trên 76.496 tỷ đồng, tổ chức thi công được 4.400 tuyến đường giao thông nông thôn bằng bê tông. Các hộ dân tích cực đóng góp tiền của xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, ổn định đời sống, phát triển văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự nông thôn.

Giá trị nhân dân đóng góp đất đai, tài sản trên đất, tiền của, ngày công lao động quy đổi ra tiền trị giá trên 677 tỷ đồng (chiếm 67,8% tổng kinh phí huy động). Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia trong việc phối hợp, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý, tổ chức thực hiện; ủng hộ vật chất, phương tiện kỹ thuật cho xây dựng nông thôn.

Hệ thống hạ tầng nông thôn được củng cố, phát triển nhanh, đặc biệt là hệ thống giao thông nội bản, tiểu khu làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn được chuyển dịch tích cực, sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng. Nhiều mô hình về kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội được xây dựng và phát huy hiệu quả cao, có sức lan tỏa góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn.
 

Thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập bền vững

Sơn La đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là xây dựng NTM để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ...

14-45-45_20190820_201816
Nông dân Sơn La trồng cải mèo thu nhập khá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng khẳng định: Những kết quả đã đạt được là tiền đề quan trọng và là nhân tố bảo đảm để tỉnh Sơn La tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM nói riêng và sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nói chung.

Do đó, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là nông nghiệp sạch, an toàn và theo hướng hữu cơ ở những nơi có điều kiện, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân một cách bền vững.

Một trong các giải pháp then chốt là đẩy mạnh tiến độ triển khai đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" trên phạm vi toàn tỉnh nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền; khuyến khích và triển khai có hiệu quả chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM.

Tiếp tục đổi mới các hình thức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của DN và các tổ chức kinh tế...

Qua 10 năm xây dựng NTM, Sơn La đã đạt được nhiều thành tích với những con số đáng ghi nhận. Tính đến nay, toàn tỉnh đạt bình quân 10.32 tiêu chí/xã (tăng 8.71 tiêu chí so với năm 2010), có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí giảm 182 xã, trong đó đã xóa được 18 xã trắng không đạt tiêu chí nào. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.