| Hotline: 0983.970.780

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng cần phải có những góc nhìn mới

Thứ Sáu 05/05/2023 , 18:11 (GMT+7)

Lấy những từ khóa trong học thuyết về 'Nền kinh tế xanh lam', Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để phát huy các giá trị của rừng cần có góc nhìn mới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến con người trong phát triển, khai thác giá trị rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến con người trong phát triển, khai thác giá trị rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 5/5, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc đóng góp ý kiến xây dựng "Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng" với các đơn vị trong và ngoài Bộ NN-PTNT.

Phát biểu gợi mở cho vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần nhìn nhận giá trị của rừng dưới góc nhìn đa dạng, đa dụng và đa giá trị, thay vì chỉ tập trung vào gỗ, thủy điện…

“Khi thay đổi góc nhìn, chúng ta sẽ phát huy được giá trị của rừng, sẽ có hàng triệu việc làm mới được tạo ra, đem lại sinh kế bền vững cho rất nhiều người, góp phần bảo vệ, bảo tồn rừng một cách hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Khai thác giá trị gián tiếp

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, hiện nay, các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi của con người thông qua các dịch vụ mà rừng cung cấp, như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, tài nguyên của rừng hiện mới đang được khai thác một cách đơn lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng mà các hệ sinh thái rừng cung cấp; chưa tích hợp được các giá trị của hệ sinh thái rừng, đặc biệt chưa khai thác hiệu quả các dịch vụ môi trường rừng.

Buổi làm việc lấy ý kiến xây dựng 'Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng' chiều 5/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Buổi làm việc lấy ý kiến xây dựng "Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng" chiều 5/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Vì vậy, chưa tận dụng được các tiềm năng của hệ sinh thái rừng, để tạo ra hoặc cải thiện sinh kế cho những người sống phụ thuộc vào rừng trong đó có các cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng; chưa tạo được nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo một số kết quả nghiên cứu, các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện hiện nay chỉ mới chiếm khoảng 15% giá trị của hệ sinh thái rừng, phần còn lại đến từ các giá trị gián tiếp đó là cung cấp sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ.

Tham gia đóng góp ý kiến, ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho rằng, rừng là nơi lưu giữ nhiều tài nguyên, có thể phục vụ cho nhiều mục đích lớn hơn là gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Để khai thác tốt các giá trị này, ông Nghĩa cho rằng có thể học tập kinh nghiệm các quốc gia khác, ví dụ như giáo dục sớm cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng cũng như giá trị của rừng.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho rằng có thể phát huy nguồn lực từ các doanh nghiệp, như cách các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới tái đầu tư vào rừng như một cách thực hiện trách nhiệm xã hội của họ.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đóng góp ý kiến cho việc xây dựng 'Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng'. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đóng góp ý kiến cho việc xây dựng "Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng". Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ thêm về góc độ du lịch nghỉ dưỡng trong rừng, đại diện Bộ VH-TT-DL nhận xét rằng, Việt Nam đã làm tương đối tốt về du lịch biển nhưng du lịch rừng vẫn còn nhiều tiềm năng có thể khai thác. Trước tiên, cần có một khái niệm rõ ràng hơn về du lịch rừng thay vì chỉ có du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần xây dựng được hệ thống danh mục các chương trình, dự án để triển khai giải pháp của đề án. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa Bộ NN-PTNT với Bộ VH-TT-DL để xây dựng quy hoạch các vùng du lịch trên cả nước một cách hợp lý.

Ngoài du lịch, các giá trị về di sản văn hóa hay tri thức bản địa cũng cần được nhấn mạnh vì có nhiều khu vực văn hóa của các dân tộc gắn kết rất chặt chẽ với giá trị của hệ sinh thái rừng và có sức hút rất lớn với du khách.

Đa mục tiêu, đa giá trị

Đánh giá về hiện trạng khai thác giá trị rừng hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng đang còn đơn lẻ, thiếu liên kết, chưa hình thành được những chuỗi, bổ trợ cho nhau và vẫn đang còn tự phát, đơn mục tiêu.

“Chúng ta cần có cái nhìn đa mục tiêu, đa giá trị hơn chứ không chỉ quan tâm đến một mục tiêu duy nhất, ví dụ như chỉ bảo vệ rừng”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nêu ví dụ.

Do đó, Thứ trưởng cho rằng khi xây dựng đề án, Cục Lâm nghiệp cần có tư duy đa mục tiêu, cần ngồi lại với các chủ rừng và những cộng đồng liên quan để tìm ra được phương án tối ưu nhất nhằm nâng cao giá trị của rừng.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp trình bày về các giá trị của rừng Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp trình bày về các giá trị của rừng Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Tổng kết buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc thảo luận trước khi xây dựng đề án chính là khâu chuẩn bị quan trọng, cần tiếp nhận nhiều ý kiến, ý tưởng kể cả các ý kiến phản biện để đưa ra được những thông tin giá trị nhất cho nội dung đề án.

“Cần lập Ban soạn thảo đề án và làm việc với tinh thần cởi mở ngay từ đầu”, Bộ trưởng lưu ý và cho rằng cần xây dựng được những mục tiêu rõ rệt hơn, cụ thể hơn, tổng quan hơn.

Một yếu tố rất quan trọng nữa đó là trong quá trình xây dựng đề án, cần làm rõ được bao nhiêu người đang liên quan đến rừng, từ đó hình dung ra bức tranh xã hội rõ ràng hơn, tổng thể hơn cho vấn đề này.

Rừng Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác được các giá trị gián tiếp. Ảnh: Tùng Đinh.

Rừng Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác được các giá trị gián tiếp. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Bộ trưởng, việc huy động nguồn lực từ hệ thống các doanh nghiệp là điều cần thiết và đây không phải tạo ra nguy cơ phá hủy môi trường mà để chăm lo, nâng cao chất lượng cho rừng.

Thêm một vấn đề nữa trong xây dựng đề án đó là phải trả lời được những câu hỏi về quản trị rủi ro: “Hoạt động này sẽ ảnh hưởng thế nào, ảnh hưởng đó cần có giải pháp gì… chúng ta cần lường trước để có phương án thích hợp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất