Ngày 7/12, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức tọa đàm “Phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng” và triển khai hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông tại tỉnh Phú Yên.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, tỉnh này hiện có 11 đơn vị chủ rừng, trong đó có 5 Ban Quản lý rừng phòng hộ và 2 Ban Quản lý rừng đặc dụng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với diện tích hơn 136.381ha.
Ngoài ra toàn tỉnh còn có 3 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích hơn 11.757ha. Năm 2019, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt Đề án trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2017-2020, định hướng thực hiện đến giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, hiện diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn khoảng 3.567ha. Các đơn vị chủ rừng đang tiếp tục rà soát quỹ đất có điều kiện phù hợp, để phát triển trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Cũng theo ông Nguyễn Lý Nguyên, mục tiêu của tỉnh Phú Yên là mỗi năm trồng rừng gỗ lớn đạt khoảng 10% tổng diện tích trồng rừng.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) đã giới thiệu hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS), các bước thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Cũng như những khó khăn, thách thức và giải pháp thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng tại tỉnh Phú Yên.
Theo Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, khó khăn nhất định trong việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trồng rừng gỗ lớn bởi chưa được nhiều chủ rừng hưởng ứng tham gia. Trong khi đó lợi ích gỗ rừng trồng có chứng chỉ sẽ được nhiều doanh nghiệp thu mua và giá bán cao hơn từ 15 - 20% so với gỗ của rừng trồng thông thường.
Từ đó, người trồng rừng không chỉ mang lại lợi nhuận, mà đặc biệt hơn là sản phẩm gỗ của địa phương thâm nhập được vào thị trường quốc tế với giá trị cao. Đây cũng là điều kiện quan trọng để ngành lâm nghiệp phát triển ngày càng bền vững hơn.
Hiện nay, việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã được cụ thể hóa tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Quyết định số 1288 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, mục tiêu quản lý rừng bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; cũng như thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Các khu rừng thực hiện quản lý rừng bền vững đáp ứng tối thiểu khoảng 80% nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng cho nhu cầu sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo đối với người làm nghề rừng và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Lâm nghiệp.