| Hotline: 0983.970.780

Giàu lên nhờ khai thác chuỗi giá trị rừng trồng

Thứ Ba 16/11/2021 , 01:12 (GMT+7)

YÊN BÁI Nhờ trồng rừng kinh tế phát triển, Động Quan (Lục Yên, Yên Bái) đã nở rộ nghề chế biến gỗ, khai thác theo chuỗi giá trị từ rừng trồng, người dân vươn lên làm giàu.

Xã Động Quan huyện Lục Yên (Yên Bái) hiện có hơn 2.500 ha đất trồng rừng kinh tế. Bình quân mỗi năm, xã khai thác và trồng mới hơn 250 ha rừng tập trung. Trung bình mỗi năm, người dân khai thác khoảng 17.000 m3 gỗ.

Khai thác đến đâu lại tiếp tục trồng mới đến đó, do vậy các vườn ươm cây giống cũng phát triển, hiện xã có 2 vườn ươm quy mô lớn và gần 1 chục vườn nhỏ lẻ, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Nhờ trồng rừng, hàng trăm hộ dân có việc làm ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Những cánh rừng bạt ngàn ở xã Động Quan không chỉ mang lại kinh tế cho bà con mà còn tạo chuyển biến rất tích cực về môi trường sinh thái ở địa phương. Ảnh: Khắc Điệp.

Những cánh rừng bạt ngàn ở xã Động Quan không chỉ mang lại kinh tế cho bà con mà còn tạo chuyển biến rất tích cực về môi trường sinh thái ở địa phương. Ảnh: Khắc Điệp.

Một trong những điển hình về trồng rừng ở xã Động Quan là ông Hoàng Nga Báo ở thôn 7. Với ông Báo, việc trồng rừng không chỉ là làm giàu mà đã trở thành niềm đam mê, bởi cứ sau mỗi đợt thu hoạch, có tiền ông lại tìm mua đất rừng, tiếp tục đầu tư.

Từ vài ha được thừa kế từ năm 1993, giờ đây ông Báo đã mở rộng lên thành 19 ha. Hiện nay trong tổng số 19 ha, ông Báo đang trồng 3,8 ha quế, còn lại là bồ đề và keo. Trung bình mỗi năm ông khai thác 2,5 ha, trừ mọi chi phí thu lãi 270 triệu đồng. 

Nghề trồng rừng phát triển đã kéo theo sự phát triển của nghề chế biến gỗ. Các xưởng chế biến gỗ tăng lên theo từng năm và đều phát triển khá tốt. Xưởng bóc gỗ của gia đình ông Phạm Văn Kiên ở thôn 5, xã Động Quan chưa phải là xưởng lớn của xã, song cũng đã hoạt động được 7 năm nay, mỗi ngày bóc khoảng 20 m3 nên xưởng lúc nào cũng có ít nhất 7 lao động làm việc thường xuyên. Ngoài ra ông Kiên còn phải thuê thêm hơn 20 người chuyên phơi ván.

Từ chiếc máy bóc đơn sơ ban đầu, đến nay gia đình ông Kiên đã đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại hơn, giá trị đầu tư không dưới 1,5 tỷ đồng, mỗi năm gia đình ông cũng thu về trên 300 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. 

Nhờ phát triển rừng, nghề chế biến gỗ ở Động Quan cũng sôi động, giải quyết rất lớn việc làm lao động ở địa phương. Ảnh: Khắc Điêp.

Nhờ phát triển rừng, nghề chế biến gỗ ở Động Quan cũng sôi động, giải quyết rất lớn việc làm lao động ở địa phương. Ảnh: Khắc Điêp.

Động Quan cũng như hầu hết các xã ở huyện Lục Yên, giờ đây nghề trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng đã trở thành nghề cho thu nhập quan trọng của người dân. Hiện nay trên địa bàn xã đang có 11 xưởng chế biến gỗ, trong đó có 9 xưởng bóc, 1 xưởng xẻ và 1 xưởng băm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 140 lao động với mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng và giải quyết việc làm bán thời gian cho khoảng 300 người với mức thu nhập trung bình là 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lương Đình Hưởng, Phó chủ tịch UBND xã Động Quan cho biết: Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ trồng rừng thực hiện khai thác và trồng mới rừng.

Nếu như 5 năm trước, cả xã chỉ có 4 xưởng chế biến gỗ, vài vườn ươm nhỏ và đây đó vẫn còn đất rừng cho cây dại mọc thì giờ đây nghề trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng ở Động Quan đã trở thành nghề cho thu nhập chính.

Rừng đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Nghề trồng rừng thật lắm gian lao, vất vả nhưng người dân Động Quan đã thực sự yêu rừng, hiểu rừng và làm nên những cánh rừng bạt ngàn xanh tốt, phát triển hiệu quả và bền vững, không chỉ phát triển kinh tế, xã hội mà còn góp phần cải thiện rất tốt về môi trường.

  • Tags:
Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.