| Hotline: 0983.970.780

Phát triển HTX thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Sáu 15/10/2021 , 12:25 (GMT+7)

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là giải pháp của Liên minh HTX Việt Nam và tổ chức Oxfam đưa ra nhằm vượt qua dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

TS. Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

TS. Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Sáng 15/10, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, và đại diện Liên minh HTX tại các tỉnh, thành phố tổ chức Hội thảo "Phát triển HTX nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu".

Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam Việt Nam cho biết, Chuyển đổi số đang là xu hướng phát triển tất yếu trên toàn thế giới và trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau. Ở Việt Nam, chuyển đổi số đã được định hướng và phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/6/2020 về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”.

"Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có chất lượng và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững của các doanh nghiệp, HTX; góp phần giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế", ông Tú đặt vấn đề.

Với quan điểm, xây dựng một nền kinh tế nhân văn, lấy con người làm trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau, ông Tú cam kết, Oxfam đã, đang và sẽ làm việc với các bên liên quan nhằm tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin trong các hoạt động hỗ trợ người dân và các cộng đồng yếu thế tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số.

Trong nhóm giải pháp của Oxfam, khu vực kinh tế hợp tác là một trong các khu vực được đặt trọng tâm. Tổ chức này đặt mục tiêu, tìm ra các giải pháp cụ thể, kịp thời, nhằm hỗ trợ HTX thực hiện quá trình chuyển đổi số hiệu quả, từng bước giúp HTX thích ứng với biến đổi khí hậu và trong thời đại phát triển công nghệ thông tin 4.0.

Đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những hướng đi mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những hướng đi mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam. 

Dù là hướng đi mũi nhọn, chuyển đổi số tại các HTX nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn gặp nhiều rào cản. Qua khảo sát tình hình tại 153 HTX thuộc 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị và Sóc Trăng, ông Trần Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm TT-TT Liên minh HTX Việt Nam đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, cũng như xúc tiến thương mại chưa đạt kỳ vọng. 

"Dù cán bộ quản lý HTX đánh giá cao mức độ quan trọng của việc áp dụng CNTT và chuyển đổi số nhưng mức độ áp dụng thực tế chỉ đạt trong khoảng 1,98-2,82/5", ông Việt cho biết. Ông lấy ví dụ về việc, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chỉ đạt 2,28/5 điểm, chưa đạt yêu cầu là 3,76 điểm.

Nguyên nhân, theo ông VIệt, nằm ở chỗ hầu hết các phần mềm, ứng dụng CNTT được HTX sử dụng là miễn phí từ hỗ trợ của cơ quan thuế, sở khoa học công nghệ, Liên minh HTX tỉnh hoặc các tổ chức quốc tế khác. Cá biệt, nhiều HTX không có máy vi tính, hoặc có thì máy đã cũ và cấu hình thấp, chỉ một số văn bản được số hóa và lưu trữ trên máy vi tính. Nhiều HTX vẫn chủ yếu lưu trữ văn bản giấy, ghi chép sổ sách một cách đơn giản. Cán bộ quản lý chưa có thói quen sao lưu dữ liệu giá trị, cài đặt và cập nhật các phần mềm diệt virus khi sử dụng máy vi tính trong thực hiện các hoạt động quản lý.

Bên cạnh những khó khăn chủ quan từ nội lực tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, các HTX kiến nghị việc được tăng cường đào tạo từ những tổ chức quốc tế, Liên minh HTX, đồng thời có cơ chế hữu hiệu về vốn, cũng như nâng cao chất lượng nhân lực.

Trước đòi hỏi phải thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhiều yếu tố khác như hàng rào kỹ thuật của các nước trên thế giới, PGS.TS. Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, HTX nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, phát triển HTX nôngnghiệp thông minh là yêu cầu bắt buộc.

Ông Hà nêu 4 nguyên tắc xây dựng HTX thông minh: kích hoạt hệ thống thông minh tập thể, thiết lập đối tác công tư; thực hành nông nghiệp chính xác, công nghệ cao; đào tạo, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; xây dựng đáp ứng tập thể để cùng giải quyết các vấn đề.

"Chúng ta cần thay đổi nguyên lý làm nông nghiệp, từ khai thác sang duy trì, bồi dưỡng, phục hồi, đồng thời sử dụng các tương tác hệ thống, bảo đảm tính đa dạng về của các thành phần", ông Hà nhấn mạnh.

Cũng trong phần tham luận, ông Hà nêu một số gợi ý về việc xây dựng HTX thông minh, như hình thành tính chuyên nghiệp của các hoạt động hiện trường, ngay trên đồng ruộng dựa trên công nghệ cao; hoặc xây dựng các chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống giới thiệu sản phẩm...

Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh như hiện nay.

Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh như hiện nay.

Một trong số ít mô hình xây dựng thành công HTX thông minh được ông Đặng Văn Chính, Giám đốc HTX CNTT Huế (HueTechCo.op) trình bày. Kinh nghiệm của ông Chính, là tích hợp nhiều nhất có thể các hoạt động sản xuất, kinh doanh cả về nông nghiệp lẫn đầu tư công vào cổng thông tin điện tử. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, người dân có thể tra soát, theo dõi, quản lý, và thực hiện các hoạt động kinh doanh, nhằm chủ động thích ứng với các biến đổi.

Hiện HueTechCo.op triển khai trên 50 sản phẩm, dịch vụ ở hơn 20 tỉnh, thành phố, trong đó chú trọng thông tin thông suốt tại Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số sản phẩm tiêu biểu của HTX này, là: sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác, hệ thống tổng hợp báo cáo, cổng thông tin, hệ thống quản lý hội nhóm, truy xuất nguồn gốc gỗ...

Thời gian tới, ông Chính sẽ tiếp tục lấy HTX, doanh nghiệp làm trung tâm, để xây dựng hệ thống dịch vụ như mở rộng thị trường, quản lý nhân sự, tăng doanh số bán hàng, quản lý hoạt động.

Tiếp nối ý kiến của ông Chính, bà Nguyễn Thị Thành Thực Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong khu vực HTX.

Bà Thực gợi mở một số công nghệ ứng dụng chuyển đổi số tiên tiến hiện nay, như: thiết bị bay không người lái, công nghệ chăn nuôi tự động, phần mềm ảnh viễn thám.... Bà Thực cũng giới thiệu giải pháp nông nghiệp thông minh trên nền tảng công nghệ Auto Agri. 

Một số tính năng của Auto Agri được bà Thực giới thiệu, như: số hóa dữ liệu từng hộ thành viên HTX, lập sổ tài sản của hộ thành viên, lập nhật ký điện tử, phân quyền giám sát. Trên cơ sở đó, mỗi hộ thành viên tự thiết lập thông tin, minh bạch pháp lý, thiết lập sổ theo dõi cây trồng, vật nuôi, thống kê báo cáo sử dụng đất đai, mở trang sản phẩm.

"Mỗi hộ thành viên có thể tạo nhiều trang sản phẩm, tự tạo QR và trang web cho tài khoản, nhật ký và từng tài sản. Đó là nền tảng để Ban quản trị HTX quản lý, giám sát từng thành viên, và gửi thông tin điều hành, cũng như cập nhật các chính sách mới", bà Thực nói.

Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cảm ơn những ý kiến quý báu từ các đơn vị tham gia. Thay mặt Thường trực Liên minh HTX Việt Nam, Ban Tổ chức, ông Bảo đề nghị tổ chức Oxfam tiếp tục đồng hành với Liên minh HTX Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng nêu 3 hướng hợp tác thời gian tới.

Một, là nâng cao chất lượng nhân lực tại các HTX nông nghiệp; hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong các HTX nông nghiệp. Hai, là sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số và thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Ba, là thiết kế xây dựng Đề án chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong khu vực HTX Việt Nam để huy động tài chính từ các tổ chức và quỹ quốc tế. 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm