| Hotline: 0983.970.780

Phát triển sâm Lai Châu để thay đổi cuộc sống bà con vùng cao

Thứ Bảy 12/11/2022 , 07:56 (GMT+7)

Tối 11/11, tỉnh Lai Châu khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề 'Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa'.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cây giống sâm Lai Châu cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Ảnh: T.L.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cây giống sâm Lai Châu cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Ảnh: T.L.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc. Cùng dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, khách mời quốc tế, nhà khoa học, nhà đầu tư…

Theo ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Lai Châu được thiên nhiên ban tặng những món quà vô giá, trong đó có nguồn tài nguyên dược liệu dồi dào, có giá trị và quý hiếm. Với nhiều nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn các loại dược liệu thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh cũng được tiến hành. Kết quả đã chỉ ra sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định tất cả các bộ phận của cây đều được dùng để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Sâm Lai Châu phân bố ở độ cao 1.400m - 2.200m so với mặt nước biển, với khí hậu mát mẻ quanh năm, sương mù bao phủ. Đây cũng là khí hậu của phần lớn các xã vùng biên giới, vùng cao của tỉnh Lai Châu, giàu tiềm năng để mở rộng trồng trọt trên quy mô lớn.

Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, liên kết trồng được nhiều vườn sâm. Bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đây cũng chính là một trong nhiều giải pháp giúp bà con vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Quang cảnh lễ khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022. Ảnh: T.L.

Quang cảnh lễ khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022. Ảnh: T.L.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây sâm Lai Châu trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, rất cần sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan, Bộ, Ngành Trung ương; sự giúp đỡ của nhà khoa học và quyết tâm của người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp... Với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng rằng cây sâm Lai Châu sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng “thoát nghèo, góp phần thay đổi cuộc sống” của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu...

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lai Châu, Bộ NN-PTNT và các cơ quan chức năng trong bảo tồn, phát triển, phát huy các giá trị của cây sâm Lai Châu và hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội chợ Sâm Lai Châu quy mô, bài bản.

Chủ tịch nước mong muốn "Sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác xứng danh với tên gọi “Quốc bảo” của Việt Nam và phải nỗ lực làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ vai trò của “Quốc bảo” trong quốc kế dân sinh. Để đạt được tầm nhìn và mục tiêu này, còn rất nhiều công việc đòi hỏi chúng ta cần sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản, không để cho từng địa phương như Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam hay một số địa phương khác hoạt động manh mún hoặc “tự bơi” trong triển khai chiến lược mà cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện hơn từ Chính phủ và các Bộ, Ngành.

Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, trước hết là Bộ NN-PTNT quan tâm đến công tác bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm, trong đó có sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số cây Sâm khác ở một số địa phương. Phổ biến những ưu điểm vượt trội của sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự. Nâng tầm giá trị của cây sâm Việt Nam cả về mặt kinh tế lẫn phục hồi sức khỏe cả thể chất và tinh thần của con người...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trao Bằng Bảo hộ giống cây trồng sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu. Ảnh: T.L.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trao Bằng Bảo hộ giống cây trồng sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu. Ảnh: T.L.

Đối với sâm thì đất và rừng là yếu tố không thể thay thế, vì vậy tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, phát triển sâm Lai Châu gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế du lịch.

Tỉnh cũng cần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững; tạo thuận lợi để người dân trồng, phát triển cây dược liệu, trong đó có cây sâm Lai Châu để “sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Để thúc đẩy mở rộng vùng trồng và vận động người dân tích cực tham gia trồng sâm Lai Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cây giống sâm Lai Châu cho các hộ gia đình tích cực trồng sâm của Lai Châu.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan trao Bằng Bảo hộ giống cây trồng đối với cây sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao Quyết định chấp nhận hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho tỉnh Lai Châu.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy Sâm Lai Châu có hàm lượng Saponin tổng số rất cao lên tới 21,34%, Đặc biệt Sâm Lai Châu có Majonosid- R2(MR2) là hoạt chất có khả năng kháng virus gây ung thư, chiếm hàm lượng cao tới 7,78%; hợp chất silphioside E là hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập từ các loài thuộc chi Panax L, đây là hợp chất chỉ có ở sâm Lai Châu, có tác dụng chống đông máu.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Chính sách tốt sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp sinh học

Để công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cần có chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.