Giống là ưu tiên số 1 để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Lai Châu lần đầu tổ chức Hội chợ sâm. Xuất khẩu thuỷ sản 10 tháng đạt 9,5 tỷ USD. Giá lúa mỳ tăng hơn 5% sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc.
GIỐNG LÀ ƯU TIÊN SỐ 1 ĐỂ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Trong buổi họp Ban chỉ đạo chương trình giống Giai đoạn 2021-2030 sáng 2/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, trưởng ban chỉ đạo cho rằng để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì giống phải là ưu tiên số 1, là trọng tâm, cốt lõi. Mục tiêu của chương trình là phải đưa ra được các giống năng suất chất lượng cao phục vụ các ngành nông, lâm thủy sản. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu khẩn trương kiện toàn lại nhân sự thành viên trong ban chỉ đạo. Đồng thời các đơn vị chuyên môn cần hoàn thiện hồ sơ định mức kinh tế kĩ thuật, rà soát kĩ nguồn gene, gốc nuôi và cách hoàn thiện hệ thống giống. Đối với 14 dự án thành phần đã được phê duyệt, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã được phân công để trình Bộ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm định thiết kế cơ sở.
LAI CHÂU LẦN ĐẦU TỔ CHỨC HỘI CHỢ SÂM
Với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”, Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 được diễn ra từ ngày 11 - 13/11.Sự kiện sẽ giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm Lai Châu. Đồng thời, Hội chợ sâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất, kinh doanh cây sâm Lai Châu và chế biến các sản phẩm từ sâm.Trong khuôn khổ Hội chợ, sẽ diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng sâm Lai Châu; Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu và trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
XUẤT KHẨU THUỶ SẢN 10 THÁNG ĐẠT 9,5 TỶ USD
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản đã mang về cho Việt Nam 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.VASEP nhận định, 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành thuỷ sản, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm nay.Bên cạnh đó, lạm phát và xung đột Nga – Ukraine đã giúp cho loài cá thịt trắng có giá vừa phải như cá tra tăng mạnh doanh số ở các thị trường. Đa số các thị trường đều tăng từ 40 – 200% nhập khẩu cá tra của Việt Nam.Xuất khẩu cá tra tính đến cuối tháng 10 đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến cả năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021.
GIÁ LÚA MỲ TĂNG HƠN 5% SAU KHI NGA RÚT KHỎI THỎA THUẬN XUẤT KHẨU NGŨ CỐC
Chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu lại đứng trước nguy cơ đứt gãy khi Nga rút khỏi vô thời hạn thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen với Ukraine, buộc Liên Hiệp Quốc và các nước liên quan gấp rút tìm cách cứu vãn.Giới quan sát nhận định, quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin rút khỏi một thoả thuận thời chiến về xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine sẽ dẫn tới việc giá lương thực tăng mạnh trở lại. Quyết định trên đã khiến, giá lúa mì hợp đồng kỳ hạn ở Chicago ngày 31/10 tăng hơn 5% và giá ngô tăng hơn 2% do lo ngại về nguồn cung. Cùng với đó, giá dầu cọ giao sau của Malaysia cũng tăng hơn 4% vào ngày 31/10.