| Hotline: 0983.970.780

Thử nghiệm trồng sâm Lai Châu dưới tán rừng

Thứ Tư 09/02/2022 , 19:00 (GMT+7)

LAI CHÂU Sau gần chục năm tìm tòi, thử nghiệm, ông Phạm Văn Ngọc tại bản Xin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường đã bảo tồn và nhân rộng được loài dược liệu quý.

 

Sâm Lai Châu là loài cây đặc hữu của tỉnh biên giới phía Bắc, còn có tên gọi khác là tam thất Mường Tè, tam thất đen, tam thất đỏ, phân bố hẹp trên núi Pu Si Lung, Pu Sam Cáp. Thời gian qua, sâm Lai Châu bị khai thác quá mức, và từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo nghiên cứu, sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao từ 1.400 - 2.000m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông.

 

Thông báo số 124/TB-UBND Lai Châu ngày 21/10/2021 nêu rõ, sâm Lai Châu có hàm lượng các hoạt chất như Saponin rất tốt với sức khỏe, chỉ số chất MR2 chống ung thư khá cao, hàm lượng saponin toàn phần trong sâm Lai Châu tăng dần theo số năm tuổi.

Theo Viện Dược liệu Việt Nam, sâm Lai Châu trồng non, khoảng 5 năm tuổi, có hàm lượng saponin cao bậc nhất không chỉ trong nước mà còn trên thế giới, nhất là hàm lượng MR2. 

 

UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học về sâm Lai Châu từ cuối năm 2021. Hiệp hội Sâm Lai Châu cũng được thành lập, với mục đích đưa loài cây đặc hữu này trở thành hàng hóa. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có một vài tổ chức, cá nhân trồng được loại dược liệu quý này với số lượng lớn.

Trong ảnh là cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tam Đường, Lai Châu trao đổi với ông Phạm Văn Ngọc, chủ một cơ sở trồng sâm tại bản Xin Chải, xã Giang Ma.

 

Ông Ngọc cho biết, cơ sở của ông đã đi khảo nghiệm tại nhiều địa điểm thuộc tỉnh Lai Châu, trước khi chọn bản Xin Chải. Bên cạnh yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm, độ cao, thổ nhưỡng, ông Ngọc còn phải chọn nơi nuôi trồng có nguồn nước ổn định, và không quá xa đường lớn.

Sau khoảng gần 10 năm tìm tòi, thử nghiệm, cơ sở trồng sâm Lai Châu của ông Ngọc đã cho thành quả bước đầu. Cây cho sản lượng, năng suất khá. Mỗi năm, sâm mọc thêm chừng 1 - 2 cm. Quả nhiều hạt. Các cây được đánh số rõ ràng để phân biệt, theo dõi. Thời gian tới, sau khi ổn định được bộ giống, ông Ngọc dự định mở rộng cơ sở để cung cấp giống chuẩn ra thị trường.

 

Sâm Lai Châu tái sinh chủ yếu tự nhiên bằng hạt, thân mang lá lụi hàng năm vào mùa đông, chồi mới mọc lên từ đầu thân rễ vào đầu mùa xuân năm sau. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress.

Trước khi thực hiện mô hình, ông Ngọc cùng cộng sự đã dày công đi học tập kinh nghiệm ươm cây giống sâm trong nhà lưới tại Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam). Hiện cơ sở của ông được những kỹ sư chuyên ngành trực tiếp chăm sóc, theo dõi hàng ngày.

 

Sâm Lai Châu và tam thất hoang thường mọc xen lẫn với nhau trong tự nhiên, khá giống nhau và rất dễ nhầm lẫn vì lá đều hình thuôn, nhọn 2 đầu, mép có răng cưa. Tuy nhiên, Sâm Lai Châu lá chét thường có 5 lá, có lông ở trên cả 2 mặt, còn tam thất hoang thì lá chét thường 7, chỉ lông ở mặt trên của lá.

 

Hình thái quả sâm Lai Châu khi chín có màu đỏ có chấm đen ở đầu quả, giống với sâm Ngọc Linh, còn tam thất hoang khi chín có màu đỏ, không có chấm đen. Sâm Lai Châu và tam thất hoang đều là nguồn gene đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới.

 

Ngoài việc tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, phục tráng nguồn gene của giống sâm Lai Châu quý hiếm, ông Ngọc còn đang ấp ủ dự định thử nghiệm trồng giống sâm này dưới tán rừng tự nhiên.

Hiện cơ sở đã cho lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi 24/24 giờ tại khu vườn ươm. Ngoài sâm, một số loài cây quý như vũ diệp, thất diệp và tam thất hoang cũng được trồng thử nghiệm. Tất cả đều là những cây trồng lâu năm đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Một củ sâm Lai Châu 10 năm tuổi có thể được rao bán với giá hàng trăm triệu đồng.

Xem thêm
Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.