Hội nghị có sự tham dự của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khao học và khách mời quốc tế, nhằm đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, nhận diện những khó khăn, thách thức, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: “Nghị quyết 120 của Chính phủ đã mở đường cho ĐBSCL cất cánh, phát triển thịnh vượng, bền vững”.
Ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh thành tựu trong những năm qua: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình và dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 và ba lần tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết số 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo thúc đẩy, sự tích cực tham gia của doanh nghiệp cùng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của người dân vùng ĐBSCL và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ĐBSCL và trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, cũng như sự kỳ vọng của chính quyền và nhân dân trong vùng.
Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh đất nước ta bước vào năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 với thế và lực mới.
Đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến sự phát triển bền vững ĐBSCL, đánh giá những việc đã làm được, những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120; thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu vì một ĐBSCL thịnh vượng, hiện đại, bền vững.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, khẳng định những kết quả nổi bật mà bộ đã làm được sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120.
Theo đó, đã kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp. Các cơ chế chính sách này nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ phát triển vùng, ưu tiên các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, hạ tầng và kỹ thuật môi trường, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm...
“Chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo thiên tai. Định hình không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối vùng với TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ.
Khơi thông, thúc đẩy nguồn lực đầu tư công làm hạt giống, dẫn dắt đầu tư khối doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cho phát triển bền vững ĐBSCL.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế, truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, chuyển đổi ngành nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế”, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Trong tham luận của mình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm nổi bật tinh thần của Nghị quyết 120, đó là “đối mặt với thực tế, chỉ rõ những bất cập nội tại của vùng ĐBSCL. Từ đó, tìm các giải pháp, có chương trình hành động cụ thể để thích ứng, phát triển bền vững”.
Trước hết, phát triển ĐBSCL phải dựa trên tình hình tài nguyên nước, để tổ chức lại sản xuất, tổ chức dân sinh theo cách "thuận thiên", thích nghi với từng điều kiện sinh thái ngọt, mặn, lợ.
Theo đó, bố trí lại nhiệm vụ sản xuất của toàn vùng, xoay trục kinh tế theo hướng: Thủy sản - Lúa gạo - Trái cây. Trước Nghị quyết 120, diện tích lúa gạo được quy hoạch toàn vùng lên tới gần 1,81 triệu ha. Nhưng hiện đã giảm xuống còn hơn 1,7 triệu ha, tăng diện tích trái cây, thủy sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tự đặt câu hỏi: “Vậy việc chuyển đổi đó có hiệu quả không?"; và trả lời bằng dẫn chứng giá trị xuất khẩu tôm, cá tra, trái cây của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành.
Về thủy lợi, Bộ NN-PTNT đã triển khai song song giữa giải pháp cứng và giải pháp mềm. Giải pháp mềm là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Giải pháp cứng là đầu tư các công trình, trong đó có 7 công trình trọng điểm tại ĐBSCL, rút ngắn thời gian đầu tư, sớm phát huy hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120 trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ những thách thức, tồn tại phải vượt qua để phát triển ĐBSCL.
Đó là, tình trạng khô kiệt trong đất ngày càng nghiêm trọng, gây sụt lún, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, nước biển lấn sâu vào nội đồng. Tình hình nguồn nước thượng nguồn suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến khô hạn gia tăng, thiếu nước ngọt cho sản xuất và dân sinh…