| Hotline: 0983.970.780

4 thách thức bất lợi cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Bảy 13/03/2021 , 09:46 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có bài phát biểu tại Hội nghị lần 3 phát triển bền vững ĐBSCL sáng 13/3 tại TP. Cần Thơ. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sáng 13/3 tại TP. Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sáng 13/3 tại TP. Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1432/VPCP-NN ngày 6/3/2021 về Hội nghị của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi tới các đại biểu. Để tiết kiệm thời gian, tôi xin báo cáo tóm tắt và làm rõ thêm các nội dung chính như sau:

Bộ NN-PTNT đã chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 nhóm nhiệm vụ then chốt và đến nay cơ bản hoàn thành 4/4 nhiệm vụ cụ thể được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì; đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện trên thực tiễn, đó là:

(1) Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 2/3/2020.

(2) Đề án Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 12/5/2020. Riêng đối với Quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL: Theo Luật Quy hoạch, Bộ NN-PTNT đã rà soát để tích hợp vào Quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước.

(3) Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020.

(4) Nghiên cứu, chọn tạo các giống nông nghiệp có chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng được tích hợp vào Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tại Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020. Bộ NN-PTNT chỉ đạo nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống, trong đó có xác định rõ mục tiêu phát triển 3 đối tượng giống chủ lực của vùng ĐBSCL đến năm 2025 và năm 2030 là thủy sản, trái cây và lúa gạo.

Về những kết quả nổi bật

Thứ nhất: Trong công tác chỉ đạo, điều hành:

- Cùng với các cơ quan khác, Bộ NN-PTNT đã chủ động công tác dự báo nguồn nước và xâm nhập mặn, điều chỉnh lịch sản xuất sớm, phù hợp trên diện rộng; nhờ đó, đã giảm thiểu được thiệt hại các năm hạn mặn nghiêm trọng, thời tiết cực đoan, đặc biệt là năm 2020. Hiện nay, đã hình thành quy trình chủ động thích ứng theo các điều kiện nguồn nước.        

- Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi đầu tư giai đoạn 2017- 2020, đến nay tiến độ thi công vượt kế hoạch từ 6-13 tháng và có 5/11 dự án đưa vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn, giúp chủ động kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha đất canh tác nông nghiệp và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn cho 300.000 ha.

- Đã chủ động thực hiện khuyến cáo của các cơ quan chức năng và thực thi nhiều sáng kiến hiệu quả trong công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt việc trữ nước theo phương châm chủ động tích nước (huyện, xã, thôn và từng nhà), tiết kiệm nước; giải pháp trữ nước trong túi mềm, trong hệ thống kênh rạch, ao trữ nước hộ gia đình...

Thứ hai: Thực hiện chính sách xoay trục với ba nhóm sản phẩm chủ lực theo định hướng ưu tiên là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo:

- Cùng với định hướng chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, các địa phương đã mạnh dạn chuyển diện tích lúa kém chất lượng, thường xuyên bị hạn mặn sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Bạc Liêu, ngày 30/1/2018. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Bạc Liêu, ngày 30/1/2018. Ảnh: VGP.

Giai đoạn 2017- 2020, diện tích gieo trồng lúa của vùng giảm hơn 202 nghìn ha còn 3,96 triệu ha, năng suất lúa bình quân tăng từ 56,5 tạ/ha lên 60 tạ/ha năm 2020 và có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất giống lúa có chất lượng gạo trung bình sang chất lượng cao, lúa thơm có giá trị kinh tế cao hơn; diện tích cây ăn trái tăng từ 308,6 nghìn ha lên 420 nghìn ha; diện tích tôm nước lợ tăng từ 667,4 nghìn ha lên 760 nghìn ha; diện tích cá tra tăng từ 5,2 nghìn ha lên trên 6,0 nghìn ha.

Song song với đó, công tác chọn tạo các bộ giống chất lượng cao cho 3 nhóm ngành hàng chủ lực của vùng (thủy sản, trái cây, lúa gạo) có nhiều thành tựu nổi bật.

- Tốc độ tăng GDP nông nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2017- 2020 đạt trên 3,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (đạt 2,89%/năm); nông nghiệp ĐBSCL đóng góp khoảng 35% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và chiếm khoảng 33% GDP vùng.

Điều đó khẳng định Nông nghiệp ĐBSCL đã lấy lại đà tăng trưởng cao và có đóng góp lớn cho tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước.

ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây: Minh chứng như năm 2019, sản lượng lúa đạt 24,5 triệu tấn, chiếm 56% cả nước; tôm 0,62 triệu tấn, chiếm 83,5%; cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) các nông sản chủ lực đạt 8,5 tỷ USD (chiếm trên 20% tổng KNXK nông lâm thủy sản cả nước), trong đó gạo 2,45 tỷ USD (chiếm 80% cả nước); cá tra 2,15 tỷ USD (chiếm 95% của cả nước); tôm 2,13 tỷ USD (chiếm 60% cả nước); trái cây 1,7 tỷ USD (chiếm 65% cả nước).

Thứ ba: Lĩnh vực Thủy lợi và phòng chống thiên tai:

- Đối với hạ tầng thủy lợi và PCTT, giai đoạn 2016-2020 Bộ NN-PTNT đã phê duyệt các dự án với tổng mức đầu tư khoảng 23.400 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Lũy kế đến hết năm 2020 đã bố trí 8.525 tỷ đồng, đạt 36% tổng số vốn; số vốn còn lại 14.875 tỷ đồng chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục thực hiện.

Trong đó, nhiều công trình tiêu biểu đã hoàn thành bước đầu và phát huy hiệu quả, điển hình như: Dự án Cống Cái Lớn - Cái Bé; cống âu thuyền Ninh Quới; các cống Bông Bót, Tân Dinh, Vũng Liêm (Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít); cống trạm bơm Xuân Hòa...

- Trong 3 năm, từ 2018-2020, Bộ NN-PTNT cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL 6.622 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xử lý 119/195 điểm sạt lở với chiều dài 157/297km (so với trước khi có Nghị quyết 120); qua đây góp phần ổn định đời sống dân sinh, phát triển vùng ven sông, ven biển.

- Cùng với huy động nguồn lực đầu tư, công tác nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới trong phòng chống xói lở bờ biển đã phát huy ưu điểm như thi công nhanh, giá thành giảm (kè biển Tây từ 35-40 tỷ đồng giảm còn 18-20 tỷ đồng/km, kè biển Đông từ 60-90 tỷ đồng giảm còn 30-35 tỷ đồng/km).

- Về nước sinh hoạt nông thôn, mặc dù năm 2019 phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015 - 2016, nhưng với việc chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó và thực hiện các biện pháp công trình, số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 114.000 hộ so với 2015-2016, chỉ còn 96.000 hộ.

Thứ tư: Về xây dựng nông thôn mới: Toàn vùng đã có 772/1.264 xã (61,1%), 31 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thành phố Cần Thơ, tỉnh Bạch Liêu đã có 100% số xã đạt chuẩn.

Bình quân của vùng đạt 17,32 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân cả nước. Đối với chương trình OCOP, 586 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, chiếm 13,1% tổng số sản phẩm OCOP của Việt Nam.

Nhận diện một số vấn đề mới

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, chúng ta khẳng định rằng những thách thức với Đồng bằng sông Cửu Long mà Nghị quyết 120 đã chỉ ra là hoàn toàn đúng và trúng. Nhưng, thực tế cũng bộc lộ những thách thức mới theo hướng bất lợi hơn cho vùng, đó là:

(1) Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với kịch bản đã công bố (năm 2016), thể hiện ở chỗ chúng ta chứng kiến đợt hạn mặn lịch sử năm 2020 với tần xuất chỉ là 5 năm (với mốc lịch sử năm 2016), thời tiết cực đoan hơn, nước triều dâng cao hơn…

(2) Hạn hán diễn ra cực đoan hơn, đặc biệt xuất hiện trạng thái kiệt về nguồn nước xuất hiện trên diện rộng làm gia tăng sạt lở đất, hạ tầng (như diễn ra ở tỉnh Cà Mau tháng 4/2020);

(3) Các nước thượng nguồn can thiệp nguồn nước sông Mekong nhanh, nhiều hơn dự báo và việc điều tiết nước cũng không đúng quy trình, không thông báo, dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng hơn; mùa lũ gần như không còn làm suy kiệt nguồn tài nguyên, thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái của đồng bằng…;

(4) Một số nội dung quan trọng mà Nghị quyết 120 đã chỉ ra, đặc biệt là thể chế rất đúng và trúng; nhưng quá trình triển khai còn chậm, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, đơn cử như vấn đề liên kết vùng; đào tạo nguồn nhân lực…

Một số đề nghị

Một là: Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao Nghị quyết 120 đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra; Bộ NN-PTNT sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 02/03/2020, 633/QĐ-TTg ngày 12/5/2020, 957/QĐ-TTg, ngày 6/7/2020, 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Hoàn thành quy hoạch ngành Quốc gia gồm Quy hoạch: Lâm nghiệp, Bảo vệ và khai thác nguồn lợi Thủy sản, Phòng chống thiên tai và thủy lợi, Hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.

Hai là: Quy hoạch tổng thể ĐBSCL phải phát huy lợi thế vùng theo hướng hiện đại hóa ngành nông nghiệp với xu thế tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng giá trị tuyệt đối của sản xuất nông nghiệp tăng.

Ba là: Đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các kế hoạch đã chỉ ra trong Nghị quyết 120; kiện toàn Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sớm ban hành quy định liên kết vùng, xác định rõ lợi thế của từng vùng để từ đó yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy luật, không chạy theo nhu cầu ngắn hạn.

Bốn là: Những thách thức mới, đặc biệt là vấn đề nguồn nước từ thượng lưu về đồng bằng, cần có các giải pháp phù hợp, phối hợp nhịp nhàng đồng bộ (từ thượng đến hạ nguồn Mê Công cũng như từ vai trò của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia sông Mê Kông tới Bộ Tài nguyên và Môi trường); ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm soát sớm, từ xa… theo hướng chủ động dự báo và dự báo tin cậy nhằm thích ứng trong mọi tình huống. Xa hơn, cần có chiến lược an ninh nguồn nước và bước đi cụ thể với lộ trình phù hợp cho Đồng bằng.

Năm là: Bố trí, sắp xếp từng bước di dời dân ra khỏi bờ sông, lòng kênh, rạch, ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở; tăng cường quản lý việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông; tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất