Ngày 27/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vào vùng “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển” diễn ra tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn trình bày nội dung Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động hành thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW. Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể và 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Ông Trần Văn Sơn cũng công bố Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 23/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025 do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch.
Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã trình bày tham luận về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư phát triển; các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW và Nghị quyết 96/NQ-CP thiết thực, hiệu quả.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 01/08/2022 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngành NN-PTNT sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Từ sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị...
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Trung du, miền núi Bắc bộ có điều kiện tự nhiên với nhiều ưu đãi, tiềm năng phát triển thuận lợi, đây cũng là khu vực giàu truyền thống lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa độc đáo.
Để tạo sức bật mới cho vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương ở khu vực trung du và miền núi Bắc bộ cần xác định rõ các yếu tố nền tảng, mang tính động lực phát triển, trong đó vấn đề trọng tâm, quyết định là yếu tố nguồn lực con người với các cơ chế, chính sách phù hợp. Cơ chế, chính sách là nguồn lực tự thân, là nội lực, không thể đi vay mượn, không thể trông chờ ở các cấp khác làm thay mà cần sự chủ động của vùng, của địa phương.
Tập trung cho công tác quy hoạch, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phải đi trước, có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với lợi thế cạnh tranh từng vùng, từng tỉnh. Coi trọng đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tháo các điểm nghẽn của nền kinh tế, trong đó có việc tập trung xây dựng đường cao tốc, sân bay. Cùng với đó là tập trung cho giải ngân đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực tại chỗ, nguồn lực xã hội, nguồn lực phải bắt đầu từ thể chế, cơ chế, nguồn nhân lực, trong đó nền tảng là giáo dục, y tế.
Các địa phương quan tâm đến cải thiện môi trường, cam kết thực hiện trách nhiệm đối với nhà đầu tư, trong đó có việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; củng cố mối đoàn kết, trong Đảng, trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân...