| Hotline: 0983.970.780

Chính trị

Tại sao không nghĩ đến 'nông sản hạnh phúc'?

Tại sao không nghĩ đến 'nông sản hạnh phúc'?

'Nông sản hạnh phúc', những 'ruộng bậc thang hạnh phúc' khắp miền Tây Bắc, được vun trồng từ chính đôi tay, tấm lòng và trái tim của 'những người dân hài lòng và hạnh phúc'.

LTS:

Ngày 27 tháng 8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có bài phát biểu tại Hội nghị Triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 về Phương hướng Phát triển Kinh tế - Xã hội, Bảo đảm Quốc phòng, An ninh Vùng Trung du, Miền núi Bắc Bộ. Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu toàn văn bài phát biểu. Tựa do tòa soạn đặt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị Triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 về Phương hướng Phát triển Kinh tế - Xã hội, Bảo đảm Quốc phòng, An ninh Vùng Trung du, Miền núi Bắc Bộ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị Triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 về Phương hướng Phát triển Kinh tế - Xã hội, Bảo đảm Quốc phòng, An ninh Vùng Trung du, Miền núi Bắc Bộ.

 “Giá trị sản phẩm của Trà Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của đồ uống, mà mang theo cả dư vị của thời gian, cả tinh tuý của đất, của người Mông nơi đây, cho nên càng uống càng đắm, càng ngấm càng say cái hương cái tình, cái hồn núi rừng Suối Giàng, Yên Bái…”. Vùng đất này xin được nỗ lực mỗi ngày để đưa trà shan tuyết cổ thụ thành đặc sản, thành thương hiệu quốc gia. Mong rằng trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng sẽ chăm sóc sức khỏe và tinh thần của mọi người”.

Đấy là lời tựa được trân trọng gửi kèm trong từng sản phẩm, là những dòng tin nhắn thân tình mà tôi nhận được từ bạn trẻ từ Hà Nội lên cùng với cộng đồng người Mông tạo ra không gian văn hoá trà trong chuyến khảo sát thực tế tại Yên Bái vừa qua.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn chè cổ thụ Suối Giàng tại Yên Bái.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn chè cổ thụ Suối Giàng tại Yên Bái.

Nếu chỉ cứ thiên về các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, quy mô, diện tích canh tác, sản xuất các mặt hàng nông sản, thì tăng trưởng, phát triển nông nghiệp của các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ khó lòng sánh với các địa phương khác. Ngược lại, nếu biết cách khai thác, chăm chút giới thiệu nét đặc sắc, độc đáo từ văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số, từ tài nguyên bản địa, cảnh sắc thiên nhiên, biết cách khéo léo kể chuyện, nâng niu, thổi hồn cho từng sản phẩm, hay đơn giản là biết cách in tên khách hàng lên từng hộp trà một cách trân trọng, nhiều giá trị mới, đa tầng, bền vững có thể được khởi tạo, lan toả khắp vùng cao. Đây là quan điểm tiếp cận tiếp nối Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ: Phát triển nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hoá, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản”.

Đặc thù về địa hình, về điều kiện địa lý tự nhiên, về tài nguyên, cách trở ít nhiều về mặt giao thông, kết nối, cùng những khó khăn khách quan khác, không hẳn là chướng ngại - gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cho sự phát triển ngành nông nghiệp nói riêng, của các địa phương trung du, miền núi Bắc Bộ. Từ một góc nhìn khác, chính những đặc điểm này lại tạo nên những nét khác biệt, riêng có, có thể trở thành nguồn lực, chuyển thành “lợi thế” nếu được khai thác, phát huy một cách phù hợp, năng động, sáng tạo. Hoà cùng những “nguồn vốn văn hoá”, “nguồn vốn xã hội” vô giá, không có giới hạn, sẽ tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, tiếp thêm sức bật mới cho Vùng.

Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ trong nông nghiệp, trước hết, cần xoay quanh đồng bào dân tộc thiểu số.

Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ trong nông nghiệp, trước hết, cần xoay quanh đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay vì quá đặt nặng các kết quả mang tính sản xuất, như sản lượng, quy mô, hay trông chờ vào các giải pháp mang tính kỹ thuật, công nghệ như quy hoạch vùng sản xuất nông sản tập trung lớn, đầu tư nhà máy, dây chuyền chế biến nông sản, mà Vùng vốn không có quá nhiều điều kiện thuận lợi và lợi thế cạnh tranh rõ rệt, có thể cân nhắc thêm cách tiếp cận phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên dịch vụ, dựa trên trải nghiệm.

Phát triển nông nghiệp theo hướng “kinh tế trải nghiệm” - tập trung vào yếu tố “trải nghiệm”“con người”, là một gợi mở đáng tham khảo, khi có thể tối ưu hoá những nguồn lực sẵn có, cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, của người tiêu dùng, qua từng sản phẩm OCOP, qua từng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ trong nông nghiệp, trước hết, cần xoay quanh đồng bào dân tộc thiểu số, người nông dân, cộng đồng dân cư nông thôn, cộng đồng trong các thôn, bản rẻo cao, tạo dựng sự kết nối gần gũi, thân thiết đến du khách, đến người tiêu dùng. Đây cũng là những điều mà Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu và các địa phương khác đang kiên trì theo đuổi và đạt được thành công bước đầu.

Phát triển nông nghiệp theo hướng “kinh tế trải nghiệm” - tập trung vào yếu tố “trải nghiệm” và “con người”, là một gợi mở đáng tham khảo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

 

Theo góc nhìn “mở” này, nguồn lực, lợi thế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ không hề thiếu hụt, hay bị giới hạn. Nguồn lực phát triển ở tất cả các địa phương, đầu tiên và quan trọng nhất, là cộng đồng địa phương. Khi cộng đồng địa phương được hỗ trợ nâng cao năng lực, được trao quyền, nguồn lực, sức mạnh, sức sống mới ở từng địa phương sẽ hình thành và phát triển.

Tư duy phân công, giao việc theo từng cấp, từ trên xuống dưới, dễ dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại. Cấp cơ sở chờ cấp trên, người dân chờ nhà nước, cộng đồng chờ xã hội. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã có cách tiếp cận khác. Đó là đóng góp, là hành động, là sự chủ động, từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn, từ người dân đến cộng đồng, từ cộng đồng đến xã hội, từ xã hội đến chính quyền. Đó là cách tiếp cận “phát triển cộng đồng dựa vào nội lực”. Không chỉ là những hỗ trợ từ bên ngoài, đôi khi thiếu sát thực và mang tính thời điểm, cộng đồng được khuyến khích phát huy tinh thần chủ động, tự lực, dựa trên điều kiện và nguồn lực hiện có.

Phát triển nông nghiệp theo hướng 'kinh tế trải nghiệm' - tập trung vào yếu tố 'trải nghiệm' và 'con người', là một gợi mở đáng tham khảo.

Phát triển nông nghiệp theo hướng “kinh tế trải nghiệm” - tập trung vào yếu tố “trải nghiệm” và “con người”, là một gợi mở đáng tham khảo.

“Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực” sẽ tạo dựng cơ sở vững chắc để từng bước cân nhắc, xem xét thực hiện phù hợp các giải pháp về “đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên”, nhất là khi các vấn đề về bảo vệ, gìn giữ tài nguyên rừng, về cải thiện, nâng cao sinh kế cho người dân, về kinh tế lâm nghiệp bền vững luôn là quan tâm hàng đầu của các địa phương trong khu vực. Điều trùng hợp là vừa mới sáng hôm qua, tôi cùng bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì Hội nghị, thảo luận một số nội dung trọng tâm về “đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên”. Theo đó, chủ thể là người nông dân, là đồng bào dân tộc thiểu sổ, là cộng đồng dân cư địa phương, có thể cùng tham gia với cơ quan quản lý, để cùng chia sẻ về trách nhiệm và quyền lợi đối với một diện tích có tài nguyên thiên nhiên, có rừng bao phủ.

Tư duy phân công, giao việc theo từng cấp, từ trên xuống dưới, dễ dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại. Cấp cơ sở chờ cấp trên, người dân chờ nhà nước, cộng đồng chờ xã hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

 

Tỉnh Lào Cai đã mạnh dạn thí điểm các mô hình hợp tác phát triển dược liệu gắn với bảo tồn rừng, hợp tác cung cấp nguyên liệu dược liệu giữa cộng đồng với doanh nghiệp để quản lý rừng bền vững, hợp tác đồng quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế cho người dân nhờ vào trồng lá khôi tía dưới tán rừng. Ví dụ như Thôn Tà Chải, xã Tả Phìn đã thành lập Tổ bảo vệ rừng cộng đồng với 19 thành viên để kiểm tra thường xuyên, ngăn chặn kịp thời các tổn hại đến rừng. Song song đó, người dân có thêm việc làm, cải thiện thu nhập, nhờ hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm dựa trên tri thức bản địa. Những mô hình thực tiễn, được kiểm chứng về hiệu quả ban đầu như thế này, có thể giúp các địa phương có lời giải đáp, trước những cân phân, xung đột giữa gìn giữ tài nguyên và tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững. Tư duy giữ rừng cần có những cách tiếp cận khác chứ không chỉ theo cách truyền thống là “thuê mướn” bảo vệ rừng với những đơn giá, định mức như hiện nay.

Nếu đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng và thu ngân sách, thì không ít địa phương vẫn là tỉnh khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, có trình độ phát triển thấp. Còn nếu nghĩ khác đi, chọn khác đi, tại sao không xác định hướng đi “làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”?

Áp dụng góc nhìn này cho lĩnh vực nông nghiệp, phải chăng mỗi địa phương trong Vùng cũng cần xác định rõ “triết lý phát triển nông nghiệp cho riêng mình, phù hợp và phát huy tối đa từng điều kiện đặc thù, từng giá trị đặc sắc”? Tại sao không nghĩ đến “nông sản hạnh phúc” khi được vận chuyển qua “cung đường hạnh phúc” đi qua Hà Giang, nơi sỏi đá cũng nở hoa, gắn liền với câu chuyện tự hào, xúc động về huyền thoại thanh niên xung phong mở đường, lưu mãi tuổi xuân? Tại sao không nghĩ đến “nông sản hạnh phúc”, những “ruộng bậc thang hạnh phúc” khắp miền Tây Bắc, được vun trồng, chăm sóc từ chính đôi tay, bằng cả tấm lòng và trái tim của “những người dân hài lòng và hạnh phúc”?

Để Vùng trung du và đồi núi phía Bắc phát triển, chắc chắn rồi sẽ có thêm những sân bay, đường cao tốc, những khu công nghiệp hiện đại. Nhưng tôi đã nhìn thấy thấp thoáng những vùng kinh tế nông - lâm - du lịch đặc sản, những khu bảo tồn sinh cảnh, những vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược liệu, dược phẩm, những thung lũng đầy hoa, những điểm du lịch cộng đồng trải đều khắp vùng. Những tiềm năng được kích hoạt từ cách tiếp cận mới của đội ngũ lãnh đạo và người dân trong Vùng, rồi chắc chắn sẽ có nhiều địa danh, điểm đến tự tin hiện diện trên bản đồ du lịch thế giới.

Lê Minh Hoan
Xem thêm