| Hotline: 0983.970.780

Phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Thứ Tư 28/07/2021 , 12:32 (GMT+7)

Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đại biểu đoàn Bắc Giang bấm nút biểu quyết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu đoàn Bắc Giang bấm nút biểu quyết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Xác định rõ nhiều mục tiêu lớn đến năm 2025

Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản.

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Đại biểu biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, sáng 28/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đảm nguồn lực ngân sách trung ương thực hiện cùng lúc 3 Chương trình

Theo đó, đến hết ngày 27/7/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được 388 ý kiến, trong đó có 331 ý kiến hoàn toàn nhất trí, 57 ý kiến tham gia một số nội dung vào dự thảo Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Đối với một số ý kiến băn khoăn về việc đồng thời thực hiện 3 Chương trình MTQG sẽ khó khăn trong cân đối ngân sách thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc thực hiện đồng thời 3 Chương trình MTQG này là cần thiết và phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Việc bố trí ngân sách Trung ương (NSTW) để thực hiện 3 Chương trình MTQG đã được tính toán, ưu tiên cân đối trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và cơ bản bảo đảm nguồn lực ngân sách trung ương thực hiện cùng lúc 3 Chương trình.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Trong quá trình tiếp thu các ý kiến, có đại biểu đề nghị “làm rõ cơ sở đưa ra mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020 và đề nghị điều chỉnh mục tiêu này tăng từ 1,5 lên 1,8 lần”.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, theo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng (gấp 1,7 lần so với năm 2015).

Với mục tiêu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2025 tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020 thì thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2025 dự kiến đạt ít nhất 62,5 triệu đồng.

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến hết sức phức tạp thì việc đặt ra mục tiêu nói trên là hợp lý và mục tiêu này cũng phù hợp với Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Vũ Hồng Thanh nói. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Nghị quyết.

Có thể hỗ trợ thêm vốn ngân sách trung ương cho Chương trình

Đối với ý kiến của một số đại biểu đề nghị cần bố trí mức vốn ngân sách trung ương cao hơn cho Chương trình, đồng thời cân nhắc về tính khả thi của nguồn vốn ngân sách địa phương; việc huy động vốn đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thu nhập của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, dự kiến thu ngân sách nhà nước khó khăn trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc bố trí 39.632 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương cho Chương trình là phù hợp và đề nghị trong quá trình điều hành, căn cứ điều kiện thực tế, Chính phủ ưu tiên cân đối vốn ngân sách trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình.

Về các nguồn vốn khác, Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh để bảo đảm phù hợp hơn với thực tế. Đồng thời, đề nghị Chính phủ trong quá trình triển khai Chương trình phải có giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương trong việc thực hiện Chương trình, một số ý kiến khác đề nghị không quy định cụ thể tỷ lệ này trong Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị cần tăng mức phân bổ NSTW cho các địa phương miền núi, Tây Nguyên; các địa phương có từ 50% trở lên đơn vị hành chính thuộc tỉnh miền núi.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh báo cáo: “Việc quy định cụ thể sẽ khó điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế”.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng các nguyên tắc để trên cơ sở đó giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể như thể hiện tại điểm c, khoản 4, Điều 1 dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu những ý kiến góp ý xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để bảo đảm các nguyên tắc này phù hợp với mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021-2025, rõ trọng tâm, trọng điểm, trong đó đã quy định ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương miền núi, Tây Nguyên.

  • Tags:
Xem thêm
Phú Yên mong được hỗ trợ trong các dự án phát triển thủy sản bền vững

Dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại thị xã Sông Cầu và nâng cấp cảng cá Đông Tác là bước tiến giúp Phú Yên phát triển thủy sản bền vững.

Công bố mức thưởng tết cao nhất tại Vĩnh Long và Trà Vinh

Theo thống kê của Sở LĐ- TB&XH Trà Vinh, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất là 280 triệu đồng, trong khi tại Vĩnh Long là 240 triệu đồng.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.