Từ đó gây ức chế, tốn kém cho các DN trong ngành chăn nuôi.
Đề cập tới phí, lệ phí thú y, ông Phạm Đức Bình, Cty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), nói thẳng: “Thực ra, đối với nhiều DN, phí và lệ phí thú y không phải là vấn đề lớn. Mà tiêu cực phí ăn theo các loại phí và lệ phí mới là vấn đề nhức nhối hiện nay”.
Tiêu cực phí thể hiện thế nào? Ông Bình cho biết một vài ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, khi xe chở gia súc, gia cầm đi ngang một trạm kiểm dịch nào đó, những xe này buộc phải dừng lại để phun thuốc sát trùng.
Nhưng trên thực tế, nhiều trạm không thực hiện công việc này mà vẫn thu phí sát trùng xe. Ở nhiều khâu khác, nhiều cán bộ thú y cũng chỉ ngó nghiêng qua loa, rồi đóng dấu thu tiền.
Như vậy, DN vẫn phải đóng phí mà thực tế lại không hề được phục vụ. Thành ra những lần đóng phí như thế tốn kém cho DN nhưng chẳng có giá trị gì trong công tác kiểm dịch.
Hay nếu cán bộ thú y tiến hành thu phí, lệ phí theo biên lai thì không nói làm gì, trên thực tế, nhiều cán bộ thú y gợi ý để thu thêm ngoài biên lai. Thông thường, họ chỉ nói thu thêm 20.000-30.000 đồng, nhưng chẳng nhẽ DN lại chỉ đưa từng ấy, mà phải “biết ý” đưa hẳn tờ 50.000 đồng.
Khi nuôi gia cầm trước khi xuất chuồng, DN phải mời nhân viên thú y tới lấy mẫu làm xét nghiệm H5N1. Những khi ấy, DN phải mang xe đến đón nhân viên thú y, chở họ tới tận trại rồi lại đưa họ về cơ quan.
Phí lấy mẫu không bao nhiêu, nhưng để được tạo thuận lợi cho việc xuất chuồng, chắc chắn DN phải thực hiện cái lệ bất thành văn không thể không làm là đãi nhân viên thú y một bữa cơm trưa và có phong bao, phong bì cho họ. Những khoản chi cho xe đưa đón, ăn cơm, phong bì, lớn hơn rất nhiều so với phí lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Bình cho rằng, tiêu cực phí trong các dịch vụ thú y hiện nay đang ảnh hưởng, ức chế không nhỏ tới DN, bởi nếu như phí và lệ phí là 1, thì tiêu cực phí cũng ít nhất là ở cỡ đó. Đồng thời, tiêu cực phí trong dịch vụ thú y đang góp phần tạo thêm một số hiện tượng tiêu cực khác.
Chẳng hạn, bây giờ đã thành cái lệ, xe chở gia súc, gia cầm đi qua trạm kiểm dịch là phải dừng để đóng phí, lệ phí và nhiều khi là cả tiêu cực phí. Những khoản ấy đều được DN giao cho người lái xe trực tiếp thực hiện. Phí và lệ phí thì không nói làm gì bởi có giấy tờ đàng hoàng.
Nhưng tiêu cực phí thì đương nhiên không có giấy tờ, nên lái xe đưa 1, khi về họ sẽ báo lại với DN là phải chung chi 2. Như vậy, DN không những phải tốn kém khá nhiều cho tiêu cực phí mà còn mang thêm nỗi lo, thiếu sự tin tưởng với nhân viên của mình.
Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cũng cho biết hiện có khá nhiều tiêu cực phí phát sinh theo phí hoặc lệ phí thú y.
Chẳng hạn, mỗi khi xe chở gia súc, gia cầm của DN đi qua nhiều tỉnh, cứ tới mỗi tỉnh, dù là trong thời điểm không xảy ra dịch bệnh gì, xe vẫn còn nguyên dấu niêm phong do thú y nơi đi cấp, nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục phúc kiểm.
Thủ tục này rõ ràng không cần thiết bởi lẽ ra chỉ cần có sự kiểm dịch của thú y nơi đi và nơi đến. Nhưng khi vẫn đang duy trì thủ tục bất hợp lý này, DN không chỉ phải tốn thêm khoản phí phúc kiểm khi đi qua các tỉnh, mà còn tốn thêm những khoản tiêu cực phí khác như mời cán bộ thú y đi ăn uống, phong bao, phong bì…
Theo ông Long, nói chung, mỗi khi xe chở gia súc, gia cầm đi qua trạm kiểm dịch, DN phải biết điều, dù ai cũng biết những khâu kiểm dịch ở các trạm thường chỉ được thực hiện một cách rất hình thức, có những nơi nhân viên thú y hầu như chẳng làm gì mà chỉ ngồi đóng dấu thu tiền. Nhưng nếu không biết điều thì chỉ cần xe chở gà của DN phải nằm chờ ngoài trời nắng chừng 15 phút là coi như xong.