Theo chân đoàn công tác của UBND TP.HCM do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng dẫn đầu khảo sát tình hình kinh doanh nông sản, thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại hai chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, chúng tôi ghi nhận hàng hóa nhập chợ tăng, phong phú về chủng loại, đa dạng về nguồn gốc xuất xứ.
Theo các thương nhân tại hai chợ đầu mối, hiện sức mua còn chậm, chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên, các sạp vẫn nhập hàng đầy đủ và tăng hơn so với ngày thường để phục vụ cho nhu cầu dịp Tết, với mức giá tăng nhẹ so với ngày thường.
Chị Lưu Thị Cẩm Tú, kinh doanh tại sạp Thanh Lỳ (chợ đầu mối nông sản Thủ Đức) cho biết, lượng khách đến mua xoài chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. "Chúng tôi nhập hàng vừa đủ, chứ không dám lấy nhiều. Hiện giá chỉ tăng 2.000đ/kg so với ngày thường. Hy vọng trong những ngày tới, sức mua sẽ khả quan hơn", chị Tú nói.
Anh Nguyễn Thanh Hải, vựa Tám Hải chuyên kinh doanh các mặt hàng rau củ quả tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Để chuẩn bị cho dịp Tết, sạp của anh tăng 40% lượng hàng nhập từ Đà Lạt về. Tuy nhiên, sức mua hiện nay chưa khả quan.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (thành phố Thủ Đức), ông Nguyễn Văn Huya, Tổng Giám đốc chợ cho biết, tổng lượng hàng rau, trái cây, hoa tươi nhập chợ trong năm 2024 là trên 900.000 tấn, bình quân mỗi đêm là 2.477 tấn.
Hiện lượng hàng nhập chợ tăng, trong đó nhiều mặt hàng rau củ quả từ Đà Lạt, trái cây khá phong phú. Dự báo sẽ tăng mạnh trong các ngày cao điểm (24-27 tháng Chạp). Trong đó, lượng rau dao động từ 1.800 - 2.500 tấn/ngày, lượng trái cây dao động từ 1.600 - 2.500 tấn/ngày, hoa tươi dao động từ 100 - 380 tấn/ngày.
Trong khi đó, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn) bình quân lượng hàng nhập chợ mỗi ngày đêm khoảng 2.300 tấn, trong đó: 1.600 tấn rau củ, 320 tấn trái cây, 380 tấn thịt heo (tương đương 5.000-6.000 con).
Các mặt hàng rau củ quả chủ yếu từ các tỉnh thành trên cả nước, trong đó, riêng tỉnh Lâm Đồng chiếm 36 - 40% tổng lượng rau về chợ; trái cây từ các tỉnh miền Tây chiếm 50% tổng lượng trái cây nhập chợ.
Ngoài ra, các mặt hàng trái cây ngoại từ Mỹ, Australia, Chile, Thái Lan, Ấn Độ, Newzeland, Canada… Riêng lượng hàng Trung Quốc nhập chợ chiếm 9% tổng lượng rau, 24% tổng lượng trái cây.
Lượng hàng nhập chợ tăng khoảng 20%. Dự kiến từ ngày 25 - 29 tháng Chạp, lượng hàng tăng khoảng 30 - 50% so với ngày thường, ngày cao nhất đạt khoảng 3.500 tấn/ngày đêm. Riêng ngành hàng thịt heo, dự kiến đạt 780 tấn mỗi đêm (tương đương 10.000 - 12.000 con), tăng 100% so với ngày thường.
Lãnh đạo chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng cho biết, để dự trữ nguồn hàng phục vụ dịp Tết, các thương nhân tại cũng có kế hoạch dự trữ hàng hóa tại các kho lạnh xung quanh chợ, xe container lạnh lưu đậu tại bãi xe và kho lạnh trong chợ để bổ sung thường xuyên, kịp thời, không để tình trạng đứt gãy nguồn hàng.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, sức mua giảm đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là thói quen tiêu dùng thay đổi sau dịch Covid-19. Trong khi đó, mua sắm trực tuyến ngày càng nở rộ, các siêu thị hiện đại tung nhiều chương trình khuyến mãi...
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, để có thể cạnh tranh, buộc các chợ đầu mối phải tự nâng cấp, khẳng định chất lượng hàng hóa, các dịch vụ của chợ để trở thành điểm đến hấp dẫn của bạn hàng, người tiêu dùng. Đặc biệt, cần hướng đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình kinh doanh.
Qua buổi khảo sát tại hai chợ đầu mối, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao Công ty quản lý chợ đã chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ người dân thành phố vui xuân đón Tết.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, nhu cầu nông sản, thực phẩm cho người dân thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ là rất lớn, nhất là mặt hàng thịt heo.
Do vậy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị quản lý chợ, các sở ngành và địa phương cần tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý, tránh tình trạng tăng giá đột biến và thiếu hàng cục bộ. Đặc biệt, cần phải quyết liệt hơn để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các thương nhân trong chợ đầu mối và tiểu thương chợ tự phát xung quanh.