| Hotline: 0983.970.780

Công nhận tương đương: Thời cơ và thách thức từ Lệnh 248 (sửa đổi)

Thứ Sáu 24/01/2025 , 14:39 (GMT+7)

Vấn đề công nhận tương đương tại dự thảo Lệnh 248 (sửa đổi) đặt ra những nhiệm vụ mới cho cơ quan quản lý, trước mắt là xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam: 'Lệnh 248 (sửa đổi) có nhiều quy định rất mới'. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam: 'Lệnh 248 (sửa đổi) có nhiều quy định rất mới'. Ảnh: Bảo Thắng.

Dự thảo Lệnh 248 (sửa đổi) về đăng ký và quản lý các cơ sở sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài đã được Trung Quốc thông báo tới WTO vào ngày 10/1. Quy định này đặt ra những yêu cầu mới, cũng như một số biện pháp tích cực để thúc đẩy giao thương.

Trong số đó, có nội dung công nhận tương đương đối với hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) xuất khẩu.

Cụ thể, Điều 6 dự thảo nêu: Nếu hệ thống quản lý an toàn thực phẩm nơi nhà sản xuất thực phẩm xuất khẩu ở nước ngoài đặt trụ sở đáp ứng 1 trong 4 điều kiện, cơ quan có thẩm quyền của quốc xuất khẩu có thể đề nghị công nhận hệ thống từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

4 điều kiện gồm: (1) Đồng ý và vượt qua kiểm tra hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia được GACC thực hiện; (2) Ký kết thỏa thuận hợp tác về an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu với GACC; (3) Đã ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về "Doanh nghiệp được chứng nhận" với GACC; (4) Ký kết các thỏa thuận hợp tác và tuyên bố chung với các bộ phận khác của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm hợp tác an toàn thực phẩm.

Tại Điều 7, dự thảo cũng chỉ rõ, nếu hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) được GACC công nhận, cơ quan có thẩm quyền tại đây có thể gửi danh sách các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm được khuyến nghị đã đăng ký tại Trung Quốc cho GACC. Trung Quốc sẽ tiến hành phê duyệt danh sách các nhà sản xuất này.

Vấn đề công nhận tương đương tại dự thảo Lệnh 248 (sửa đổi) đặt ra những nhiệm vụ mới cho cơ quan quản lý, trước mắt là xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.

Nếu được công nhận tương đương, doanh nghiệp sẽ giảm nhiều thủ tục kiểm dịch. Ảnh: Quang Duy.

Nếu được công nhận tương đương, doanh nghiệp sẽ giảm nhiều thủ tục kiểm dịch. Ảnh: Quang Duy.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, công nhận tương đương an toàn thực phẩm là một quá trình xác định xem hệ thống an toàn thực phẩm của một quốc gia (khu vực) có đáp ứng được mức độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng tương đương với hệ thống của một quốc gia khác hay không.

Quá trình này được sử dụng để giúp các quốc gia (khu vực) tăng cường giao thương, và giảm các biện pháp kiểm soát trùng lặp không cần thiết.

“Thông thường, muốn được đánh giá và công nhận tương đương, chúng ta phải có một hệ thống luật lệ tương đương. Các cơ quan kiểm soát, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất cũng phải có năng lực tương đương với phía nhập khẩu”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, trong nhiều trường hợp, quốc gia xuất khẩu không bắt buộc xây dựng và triển khai các quy trình và biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm giống hệt như phía nhập khẩu yêu cầu.

Thay vào đó, họ phải chứng minh một cách khách quan, rằng các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm dù khác nhau, vẫn đáp ứng ít nhất cùng mức độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng như các biện pháp của bên nhập khẩu.

Quy trình công nhận tương đương thường bao gồm 3 bước chính: Đánh giá kỹ thuật về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm; Kiểm soát, xác minh tại chỗ nếu phù hợp; và Các thủ tục đề xuất và hoàn thiện quyết định về tính tương đương, nếu phù hợp.

Hiện tại một số mặt hàng trái cây tươi, do đặc thù là thời gian bảo quản ngắn, hoặc yêu cầu có giấy kiểm định, chứng nhận một số dư lượng, doanh nghiệp thường lúng túng khi thị trường nhập khẩu thay đổi các yêu cầu kiểm dịch. “Nếu có thể đạt công nhận tương đương, doanh nghiệp sẽ bớt đi nhiều thủ tục, đỡ bị động hơn trước những thay đổi”, Phó giám đốc Ngô Xuân Nam nhận xét.

Ngoài công nhận tương đương, các quốc gia còn sử dụng một số phương thức khác để kiểm soát an toàn thực phẩm từ hàng hóa nhập khẩu, như công nhận lẫn nhau, hoặc công nhận và cấp phép cho từng doanh nghiệp cụ thể.

Mặt hàng trái cây tươi được cho là sẽ hưởng lợi từ công nhận tương đương. Ảnh: TL.

Mặt hàng trái cây tươi được cho là sẽ hưởng lợi từ công nhận tương đương. Ảnh: TL.

Coi việc được quyền xuất khẩu, hoặc với riêng Trung Quốc là cấp mã số doanh nghiệp trên cổng CIFER, giống như có “giấy thông hành”, nhưng lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cũng khuyến nghị, rằng việc có duy trì được “tấm vé” này hay không cần sự chung tay của cơ quan quản lý.

Điều 23 của Dự thảo Lệnh 248 (sửa đổi) cũng chỉ rõ, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) nơi có nhà sản xuất thực phẩm nhập khẩu, sẽ thực hiện giám sát hiệu quả đối với các doanh nghiệp đã đăng ký và yêu cầu tiếp tục đáp ứng theo quy định.

Nếu thấy không đáp ứng các yêu cầu đăng ký, GACC sẽ lập tức thực hiện các biện pháp kiểm soát và đình chỉ các nhà sản xuất liên quan xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc cho đến khi việc khắc phục đáp ứng các yêu cầu đăng ký.

Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền càng được nhấn mạnh ở Điều 26 dự thảo. Theo đó, nếu tổ chức quốc tế hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc đưa ra thông báo về dịch bệnh, hoặc thực phẩm liên quan được phát hiện có vấn đề nghiêm trọng như dịch bệnh hoặc sự cố sức khỏe cộng đồng trong quá trình kiểm tra và kiểm dịch, GACC sẽ ngừng nhập khẩu thực phẩm từ khu vực này, đồng thời không tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có liên quan của khu vực đó.

Tháng 4/2021, Trung quốc ban hành Lệnh 248 về việc quản lý đăng ký doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc. Lệnh có hiệu lực từ 1/1/2022. Qua hơn 3 năm thực hiện, Việt Nam đã có hơn 3.500 mã nông sản thực phẩm và khoảng 3.000 doanh nghiệp đã được GACC phê duyệt.

Thời gian tới, khi Lệnh 248 (sửa đổi) có hiệu lực, Văn phòng SPS Việt Nam cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức, cá nhân để thúc đẩy giao thương, bảo đảm lợi ích hài hòa cho người dân, doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thời gian góp ý về Dự thảo Lệnh 248 (sửa đổi) sẽ kết thúc vào ngày 11/3, và có thể áp dụng ngay sau đó. Nội dung dự thảo liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, các hiệp hội ngành hàng, cùng các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và đóng góp ý kiến. Mọi thông tin xin gửi về Văn phòng SPS Việt Nam trước ngày 1/3 để Văn phòng tổng hợp gửi GACC.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam

Ông Nguyễn Đình Khoát được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất