| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu triển khai nhà chống lũ tại Thanh Hóa

Thứ Năm 26/09/2024 , 18:36 (GMT+7)

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu mô hình nhà ở chống lũ giúp người dân an toàn trước thiên tai.

Sáng 26/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cùng đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả thiên tai và thăm, tặng quà cho các đơn vị, hộ gia đình bị ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn đã đến kiểm tra khu vực bị sạt lở, trao quà cho Ban Giám hiệu và học sinh Trường THCS Lâm Phú (Lang Chánh). Tại đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS Lâm Phú và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.

Thực hiện rào chắn, cắm mốc quan trắc và biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở; đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; không cho người và phương tiện đi vào khu vực sạt lở và có nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở, nhất là khi xảy ra mưa lớn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra khu vực sạt lở tại Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh. Ảnh: Lê Hợi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra khu vực sạt lở tại Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh. Ảnh: Lê Hợi.

Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là chủ động sơ tán, di dời người và tài sản có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra mưa lớn và các tình huống nguy hiểm. Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn cùng với đối ứng của tỉnh Thanh Hóa sớm đầu tư xây dựng Trường THCS Lâm Phú để thầy trò nhà trường có nơi dạy và học kiên cố.

Đến thăm và kiểm tra kết quả xử lý sự cố cống Nổ Thôn đê tả sông Mã, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, mặc dù tuyến đê vẫn an toàn, nhưng tỉnh Thanh Hóa cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm, chủ động hơn nữa phòng chống thiên tai trong thời gian tới. Những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ đê điều vượt khả năng của tỉnh, tỉnh báo cáo Trung ương để có biện pháp xử lý, khắc phục.

Tỉnh Thanh Hóa khẩn trương triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão công trình đã được xây dựng, phê duyệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê tả sông Mã. Đặc biệt là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan, công sở bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra; thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp bảo đảm an toàn cho tuyến đê.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm hỏi động viên người dân bị ngập lụt thôn Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành). Ảnh: Lê Hợi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm hỏi động viên người dân bị ngập lụt thôn Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành). Ảnh: Lê Hợi.

Thăm và tặng quà cho các hộ dân thôn Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) bị ảnh hưởng của thiên tai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, thực hiện nghiêm chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu mô hình nhà ở chống lũ giúp người dân vượt qua mùa lũ lụt.

Được biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Thanh hóa đã ban Công điện về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra trên địa bàn tỉnh; triển khai đến các cấp, ngành và các địa phương với tinh thần sẵn sàng huy động tối đa lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý các sự cố, hư hỏng công trình. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động sơ tán 3.624 hộ/13.788 khẩu sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ Nhân dân tu sửa nhà cửa bị thiệt hại, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại, sớm ổn định đời sống Nhân dân. Đồng thời, tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ phải đi sơ tán/di dời; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.