| Hotline: 0983.970.780

Lũ về, chủ đầm tôm mất trắng cơ nghiệp sau một đêm

Thứ Năm 26/09/2024 , 14:43 (GMT+7)

Trong cơn hoảng loạn, hắn không làm chủ được cảm xúc, rồi hét toáng lên: 'Mất cả rồi, chỉ còn nước thắt cổ thôi!'

Gần 2 tỷ đồng ra đi trong đêm

Nguyễn Viết Đạt (sinh năm 1988) khu phố 2, Phường Quảng Phú, thành phố Thanh Hóa ôm mái chèo, rong thuyền ra xa như vô định. Khuôn mặt hắn đờ đẫn như người mất hồn. Thi thoảng hắn liếc nhìn dưới dòng nước tĩnh lặng với hy vọng vớt vát được chút tài sản sau cơn lũ dữ.

Hắn gắn bó với ao đầm tại phường Quảng Phú (thành phố Thanh Hóa) đã chục năm nay. Khổ mấy hắn cũng chịu được. Hắn chưa bao giờ khóc dù khó khăn đến mấy, nhưng lần này thì khác. Tài sản mất đi có thể lấy lại, nhưng hắn lo cho những anh em đang đồng cam cộng khổ với mình sẽ mất nguồn thu nhập từ ao đầm. Nghĩ đến chuyện này, mắt hắn đỏ hoe, miệng mếu máo không thành tiếng.

Nguyễn Viết Đạt (sinh năm 1988) khu phố 2, phường Quảng Phú, thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Nguyễn Viết Đạt (sinh năm 1988) khu phố 2, phường Quảng Phú, thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Đầm tôm, cá của hắn nuôi 16 miệng ăn, chỉ toàn anh em họ hàng trong nhà. Hắn mất cả cơ nghiệp đã đành, nhưng nay mai vợ chồng, con cái trong họ biết lấy gì mà sống. Hắn thấy có lỗi khi nghĩ đến cảnh, vợ chồng người bạn chí cốt tin tưởng, cho hắn cầm cố sổ đỏ ngân hàng để đầu tư đầm tôm. Chưa trả xong nợ cho bạn, hắn còn lo trả nghĩa ân tình. 

Cách đây vài năm, hắn quyết định vay mượn để đầu tư đầm tôm, cá theo hướng quảng canh. Hắn thuê đất của chính quyền và tận dụng khu đồng trũng để dẫn nước sông Mã về làm ao. Dọc bãi bồi sông Mã hắn trồng gần 1.000 gốc dừa, 200 gốc bưởi Diễn, 100 gốc mít Thái để giữ đất và đa dạng hóa nguồn thu trong tương lai. Ngoài chuyện nuôi tôm, cua hắn có ý định xây dựng nơi đây thành khu du lịch miệt vườn như kiểu miền Tây.  

Đầm tôm của Đạt sau một đêm đã mất trắng do lũ tràn về. Ảnh: Quốc Toản.

Đầm tôm của Đạt sau một đêm đã mất trắng do lũ tràn về. Ảnh: Quốc Toản.

Vài vụ đầu, hắn có của ăn và tích lũy được chút ít. Thấy hắn chăm chỉ lại có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, năm ngoái có "đại gia" trong tỉnh ngã giá 18 tỷ đồng để mua toàn bộ đầm và thuê hắn làm quản lý nhưng hắn từ chối. Hắn bảo, cũng thích tiền, nhưng nếu bán đi rồi thì anh em, họ hàng hắn sẽ mất nhờ. Hắn muốn làm chủ và tiêu tiền do hắn làm ra thay vì làm chân sai vặt cho người khác. 

Chính xác, hắn sinh cơ, lập nghiệp ở khu đầm này từ khi chưa lập gia đình. Hắn nắm tương đối rõ con nước lên xuống và tính toán phương án chống ngập cho đầm tôm. Năm ngoái, tự tay hắn thiết kế bản vẽ, mua vật liệu và thuê thợ làm cống tiêu thoát nước phía bờ bao. Mất nửa tháng, hắn hoàn thành cống và tiêu tốn khoảng 500 triệu đồng. Có cống thoát lũ, hắn yên tâm việc điều tiết nước ra vào đầm tôm. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nên tôm, cua trong đầm ít dịch bệnh và đang độ chắc thịt. Hắn chắc mẩm sẽ bỏ túi hơn 1 tỷ đồng sau khi xuất bán thành phẩm vào dịp Tết Nguyên đán. 

Hắn tự tin, với cống thoát lũ có thể cứu đầm tôm trong những trường hợp khẩn cấp. Vậy nhưng, hắn tính không bằng trời tính. Đêm trước khi lũ về, hắn nhận được tin xả lũ nên 6 anh em hắn tục trực ngoài đồng, kiểm tra bờ bao, sẵn sàng tiêu nước cho ao đầm. Cạnh chòi canh, hắn chuẩn bị thuyền, áo phao để bơi vào bờ nếu không thể cáng đáng mọi chuyện.

Rạng sáng ngày 24/9 lũ tràn về nhanh khiến anh hắn không kịp trở tay. Hắn đứng trong chòi nước ngập đến đùi gối, phía ngoài, ao đầm ngập trắng băng. Hắn không chủ quan nhưng sức anh em hắn cũng không ngăn được sức nước. Hắn chưa bao giờ chứng kiến lũ dữ như vậy: Nước cuồn cuộn đổ về phá cả bờ bao và cống tiêu thoát. Khoảng 1 tiếng, nước dâng cao 2,5m, cuốn trôi mọi thứ.

Mấy gốc dừa 6 tuổi, trồng gần cống tiêu để giữ đất cũng không ngăn được sức nước nên bị cuốn trôi ra giữa dòng. Hắn nhìn tài sản bị cuốn trôi trong chốc lát nhưng bất lực. Việc duy nhất hắn có thể làm trong lúc nguy nan là cứu mình trước. Mất cả đầm tôm, cua trong chốc lát, vợ con, gia đình động viên hắn về nhà tránh lũ, nhưng Đạt nhất quyết không chịu về. 

Mất hết rồi, sống sao đây?

Sau lũ, cả đầm tôm, cá tan hoang trong mênh mông biển nước. Vài anh em hắn nhả vài mẻ lưới để vớt vát vài thứ còn sót lại trong ao đầm làm thức ăn qua ngày. Còn hắn ngồi bệt dưới gò đất nổi trong sự bất lực. Hắn nhẩm tính, cơn lũ đã cướp đi của hắn hơn 1 tấn cua thương phẩm, 5 tạ tôm... Thiệt hại tổng gần 2 tỷ đồng. 

Phía đầu dây bên kia, bố hắn khóc lóc vì thương hắn và lo cho mấy đứa con đang độ tuổi đến trường sẽ thiếu thốn. Thương cảm với hoàn cảnh của hắn, mấy giáo viên trong trường bàn bạc hỗ trợ con hắn tiền học phí, sách vở… để hắn yên tâm dựng lại cơ nghiệp. Hắn thầm cảm ơn lời động viên, chia sẻ và lòng tốt của người đời vì thấu cảm hoàn cảnh của gia đình, nhưng quyết định từ chối nhận sự hỗ trợ. 

Hắn dẫn chúng tôi đi một vòng bằng chiếc thuyền chòng chành chỉ đủ chỗ cho 2 người ngồi. Tay hắn chèo thuyền, tay kia gạt nước mắt trong nỗi chua xót. Mấy hôm nay hắn buồn nên trông già hẳn đi so với tuổi thực. Mất tôm, cua, cá đã đành, hắn mất luôn hàng trăm gốc bưởi Diễn, mít Thái xum xuê quả. 

Thuyền của hắn cập bãi bồi, mùi thối của bưởi rụng ngâm nước dần xâm lấn khoảng không chật chội.  Dưới gốc, bưởi rụng quả lả chả. Hắn dùng 5 đầu ngón tay lắc nhẹ cuống bưởi để kiểm tra, nhưng chưa kịp nắm chặt thì đã rơi xuống nước. Hắn lo 200 gốc bưởi đang tuổi trưởng thành nay mai sẽ thối rễ và chết vì ngâm nước quá lâu. Cách đó không xa, đàn lợn gần trăm con của hắn cũng bị cuốn sạch trong đêm, mất cả dấu tích của chuồng trại. Tài sản duy nhất của hắn còn sót lại là chuồng hươu sao trên gò đất cao. Hắn có vẻ không bận tâm lắm, bởi những gì còn sót lại không đáng gì so với tài sản của hắn đã mất. 

Lũ đi qua, hắn còn phải giải quyết một mớ bừa bộn. Hắn chưa thể tái vụ ngay bởi cần thời gian cải tạo ao đầm, tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi lũ tan. Chuyện đó, sức anh em hắn có thể làm được. Nhưng điều khiến hắn lo nhất là lấy đâu ra tiền để mua con giống và đầu tư tái sản xuất. 

Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản tại phường Quảng Phú bị ngập do nước sông Mã dâng cao. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản tại phường Quảng Phú bị ngập do nước sông Mã dâng cao. Ảnh: Quốc Toản.

“Sổ đỏ của anh em bạn bè tôi đã mượn cầm cố ngân hàng cả rồi. Chưa trả xong nợ cũ, giờ không biết phải xoay sở thế nào để lấy vốn sản xuất. Chỉ mong ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất để người dân có cơ hội làm lại từ đầu”, Đạt chia sẻ.

Hắn muốn vớt vát chút gì đó sau khi lũ đi qua. Hắn vẫn chưa chấp nhận thực tại đang phải đối diện. Hắn mất gần 2 tỷ đồng chỉ sau một đêm. Trong cơn hoảng loạn, hắn không làm chủ được cảm xúc, rồi hét lên vì tiếc và ấm ức bởi công sức bấy lâu phút chốc tan thành mây khói: "Mất cả rồi, chỉ còn nước thắt cổ thôi!".

Trưa nay, hắn chuẩn bị mâm cơm với vài ba con cua chưa lột vừa bắt được tối qua để thiết đãi khách. Hắn rưng rưng chả thèm đụng đũa. Hắn muốn uống cho say một hôm để quên quá khứ để bắt đầu làm lại từ ngày mai. 

Ông Nguyễn Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Thanh Hóa, cho biết trận lũ vừa qua khiến hơn 45ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phường Quảng Phú bị mất trắng. Đa số các hộ nuôi trồng thủy sản tại phường Quảng Phú đều canh tác theo kiểu quảng canh. 

“Hai ngày qua, bên cạnh việc thống kê diện tích, số lượng ao, đầm thiệt hại, chúng tôi đã động viên người dân khẩn trương khắc phục hậu quả, dọn vệ sinh ao đầm để sớm phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đang tìm các phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại sau thiên tai”, ông Hòa nói.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.