| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Chúng ta chưa trung thực ngay trong giáo dục'

Thứ Sáu 12/08/2022 , 15:21 (GMT+7)

'Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, kiểm tra, học thêm dạy thêm, sách tham khảo? Bởi chúng ta chưa trung thực ngay trong giáo dục'.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sáng 12/8. Ảnh: N.V.M.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sáng 12/8. Ảnh: N.V.M.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu như thế tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai năm học 2022 – 2023 sáng 12/8 do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, trong năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT đã rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ năm học. Đây là năm học vượt khó của ngành giáo dục do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. "Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, học sinh đã tham gia vào công tác giáo dục. Bộ GD-ĐT đã đề xuất rất sớm các giải pháp về hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", Phó Thủ tướng nói.

Ông Đam cũng cho biết, việc tuyển dụng biên chế giáo viên luôn được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương giáo viên, trong khi đó, yêu cầu của xã hội về giáo dục rất cao.

Giáo dục hay bất kì ngành nào cũng cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Kinh tế chúng ta đang phát triển ở mức thu nhập trung bình thấp, nhưng mong muốn, nguyện vọng gián tiếp gần như là “đòi hỏi” ngành giáo dục phải như các nước phát triển. 

Giáo dục là lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ, cần phải có bản lĩnh. “Chúng ta phải chuẩn bị rất kỹ, lấy ý kiến, đồng thời truyền thông trước khi ban hành chính sách. 

Ngành giáo dục cũng cần nhìn thẳng vào những bất cập, yếu kém do chủ quan của chính mình. Ví dụ, chúng ta không tự chủ được về biên chế, trường lớp, thì có chuyên môn về giáo dục, chương trình SGK là do Bộ GD-ĐT làm. Mô hình quản trị trường phổ thông đương nhiên phải do Bộ đề xuất để xã hội cùng làm", ông Đam nói.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự thẳng thắn trong các tham luận của các tỉnh thành. “Thực ra chúng ta còn rất nhiều bất cập. Chúng ta phải nhìn vào nó để làm tốt hơn.

Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi THPT, mà còn là thi cử, kiểm tra, học thêm dạy thêm, sách tham khảo. Bởi chúng ta chưa trung thực ngay trong giáo dục. Tại sao chúng ta cứ phải khổ sở trong chuyện tuyển sinh đại học nhiều năm nay, đến nay đã nhẹ đi rất nhiều. Tại sao mãi không được như các nước phát triển, phần lớn học sinh vào học tự do, bởi bên trong đó họ rất trung thực, khách quan. Nếu học sinh vào ĐH học không được, sau đánh giá sẽ bị “loại”. Bản chất vấn đề là chúng ta chưa trung thực", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Hội nghị trực tuyến với các điểm cầu. Ảnh: N.V.M.

Hội nghị trực tuyến với các điểm cầu. Ảnh: N.V.M.

Ông Đam cho rằng, ngành giáo dục cần bám sát Nghị quyết 29 để đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT. Thực hiện làm sao cho thực chất việc dạy và học để phát triển cho học sinh cả đức - trí - thể - mỹ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ GD-ĐT phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế chúng ta phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học.

Để góp phần giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần chuyển biến nhanh hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nắm chắc thống kê nguồn lực của ngành. "Nắm được rồi thì phải cập nhật, có bộ phận xử lý thông tin. Bộ làm sao phải biết từng địa bàn có bao nhiêu trường, lớp, giáo viên, rồi kết hợp với dữ liệu về dân cư sẽ biết chỗ nào thiếu, thừa giáo viên, từ đó mới quy hoạch được", ông Đam lưu ý.

Trước đó, tại hội nghị các địa phương cũng đã nêu những kiến nghị hỗ trợ việc tuyển thêm giáo viên cho năm học mới 2022-2023 để đáp ứng sĩ số học sinh.

Đơn cử như tại Bình Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, cấp học mầm non và tiểu học trên địa bàn vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định, do thời gian gần đây, nhiều giáo viên trên địa bàn xin nghỉ việc do lương gíao viên chưa đảm bảo cho cuộc sống.

Thống kê từ tháng 1 đến 4/2022, ngành giáo dục tỉnh Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc. Đến năm học 2022-2023, số giáo viên trên địa bàn tỉnh thiếu trên 3.000 giáo viên. Bên cạnh đó, nhiều trường có số học sinh trên lớp đông buộc nhà trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học, nhiều trường phải thực hiện dạy 1 buổi/ngày.

Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 8.968 giáo viên. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thì năm học 2022-2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%). Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng.

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là với ngành giáo dục.

Tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sửa đổi định mức giáo viên tiểu học được quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cụ thể, sửa quy định tối đa 1,5 giáo viên trên một lớp thành tối thiểu 1,5 giáo viên trên một lớp. Thực tế hiện nay để tổ chức được hết các hoạt động dạy học theo Chương trình GDPT 2018 thì cần phải bố trí 1,56 giáo viên trên một lớp.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cũng cho rằng, một số quy định của Trung ương chưa phù hợp với thực tiễn nên khi triển khai gặp phải những bất cập, khó khăn. Hiện nay, vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học; nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán; giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của Thành phố. "Những lực lượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục Thành phố”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.