| Hotline: 0983.970.780

Quan tâm đến độ sạch trong bữa ăn của từng người dân

Thứ Hai 25/11/2019 , 08:59 (GMT+7)

Việt Nam đã qua rồi cái thời sản xuất chỉ quan tâm đến năng suất sao cho đủ ăn mà bỏ qua mọi nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như môi trường, Hà Nội là Thủ đô lại càng phải gương mẫu trong việc đó…

16-00-57_dsc_5793
Một gian hàng giới thiệu nông sản của Hà Nội.

Đi theo xu hướng ấy, mới đây Sở Nông nghiệp- PTNT Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3756 đề nghị các quận, huyện, thị xã phải tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và phát triển chuỗi sản xuất cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Để thực hiện ngăn chặn “thực phẩm bẩn” không gì hơn bằng quản lý tại gốc. Theo đó, các quận, huyện, thị xã cần phải ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nhân lực, vật lực để chỉ đạo, triển khai công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm ngay từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn mà tốt nhất là trên từng thôn, xóm, cánh đồng.

Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh tập trung cũng như công đoạn giết mổ, hậu cần cho chế biến nông sản. Mở rộng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Có chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích việc ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ.

Kêu gọi đầu tư đầu tư vào các công đoạn giết mổ, chế biến nông sản đồng thời tháo gỡ những tồn tại, khó khăn của các dự án đã từng được triển khai nhưng chưa hiệu quả. Hỗ trợ xây dựng nhãn mác, thương hiệu, quảng bá, kết nối nông sản sạch, rõ nguồn gốc. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao khả năng cho các nhân lực liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm đặc biệt là ở tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

Chỉ đạo Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, lấy mẫu, giám sát an toàn thực phẩm tập trung vào cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các trường hợp mẫu phát hiện không đạt yêu cầu sạch cần điều tra xác minh, xử lý nghiêm ngặt không chỉ ở mức xử lý hành chính mà còn có thể xử lý hình sự nếu đủ mức. Cảnh báo kịp thời cho cơ quan chức năng và người tiêu dùng được biết một cách rộng rãi.

Thanh tra Sở, thanh tra chuyên ngành ngoài kiểm tra định kỳ còn phải kiểm tra đột xuất, giám sát lấy mẫu, hậu kiểm tự công bố. Sử dụng hiệu quả các đường dây nóng để có thể tiếp nhận thông tin về thực phẩm bẩn một cách kịp thời.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì, phối hợp với bên liên quan để rà soát, củng cố việc xây dựng các chuỗi thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn của Hà Nội và nhất là các chuỗi nông sản liên kết với 21 tỉnh, thành đã ký kết, lập ra mạng lưới phòng chắn thực phẩm bẩn không thể tràn vào các cửa ngõ của Thủ đô.

Tăng cường việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch trong quản lý chất lượng, truy suất nguồn gốc của các nông sản nói chung và nông sản an toàn nói riêng qua các trang như check.gov.vn hay chonhaminh.gov.vn.

Tiếp sau công văn của Sở Nông nghiệp - PTNT, Công đoàn ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng ban hành công văn số 84 để yêu cầu các đơn vị trực thuộc bắt tay thực hiện ngay chương trình hành động vì an toàn thực phẩm với từng bước rất cụ thể.

Thứ nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, lao động biết những kiến thức mang tính thực hành về nông sản an toàn.

Thứ hai là phát động các hoạt động chung như vệ sinh môi trường, đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, nước uống, đảm bảo việc sản xuất kinh doanh, sử dụng nông sản sạch ở ngay chính các cơ sở sản xuất, kinh doanh có tổ chức công đoàn.

Thứ ba là tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể để nâng cao chất lượng bữa ăn ca theo hướng đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người lao động.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.