Chiều 23/10, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương, đơn vị trong tỉnh về công tác triển khai ứng phó với bão Trà Mi.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, để ứng phó với bão Trà Mi, đơn vị lập 2 phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa phương. Ở phương án bão mạnh, tỉnh này sẽ 212.000 người và 396.000 người đối với siêu bão, đến ở xen ghép các nhà kiên cố hoặc sơ tán tập trung đến các cơ quan công sở, trường học.
Đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, qua nhận định cơn bão Trà Mi có đường đi rất phức tạp và kèm theo mưa lớn, do đó có nguy cơ sạt lở ở các địa phương miền núi. Ông Bửu yêu cầu các địa phương nêu cao tinh thần phòng chống bão, tuyên truyền để người dân nắm thông tin, giảm thiệt hại.
“Ba năm nay tỉnh Quảng Nam không có cơn bão lớn, chắc chắn sẽ có tư tưởng chủ quan. Chúng ta còn 2 ngày nữa, tất cả kinh nghiệm lâu nay phải đem ra hết mà dùng”, ông Bửu nói đồng thời đề nghị các địa phương vào cuộc giám sát công tác phòng chống bão số, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh để ứng phó, chỉ đạo kịp thời.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các sở, ngành, Bộ đội biên phòng tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão Trà Mi để kịp thời ứng phó; Tăng cường kiểm tra phương án 4 tại chỗ.
“Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải thường xuyên theo dõi thông báo về cơn bão Trà Mi để thông tin cho người dân trong tỉnh nắm về hướng di chuyển cơn bão, đồng thời rà soát thật kỹ các phương án khi bão đổ bộ đất liền để sơ tán người dân kịp thời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản”, ông Dũng nói.
Theo Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, hiện nay có 54 tàu đang hoạt động trên biển, trong đó tại khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa 50 tàu, còn 4 tàu cá với 112 lao động đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm, dự kiến khoảng 16h chiều mai (24/10), 4 phương tiện sẽ vào bờ. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã triển khai kiểm đếm, thông báo bão trực tiếp đến các phương tiện còn đang hoạt động trên biển nhanh chóng di chuyển vào khu vực an toàn.