Quảng Trị nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của hầu hết các loại hình thiên tai. Hằng năm vào mùa mưa lũ, các khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị thường xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Những năm gần đây, các trận sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trước diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết và các loại hình thiên tai ngày càng phức tạp, ngày 28/10, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký quyết định số 2588/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng và lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét trên địa bản tỉnh Quảng Trị”.
Theo đề cương, Quảng Trị đặt mục tiêu sẽ điều tra, đánh giá, xây dựng bản đồ hiện trạng, lập bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét. Đến năm 2027, Quảng Trị cơ bản hoàn thành lập bản đồ khoanh vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn 1:5.000 tại các vị trí, khu vực rủi ro cao nhằm cung cấp kịp thời thông tin lũ quét, sạt lở đất cho cơ quan quản lý và người dân.
Các cơ quan chức năng tại Quảng Trị đã đề xuất giải pháp phòng tránh, ứng phó và cập nhật bản đồ nguy cơ sạt lở đất, lũ quét nhằm phục vụ phòng, chống thiên tai. Các giải pháp này sẽ góp phần giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, ổn định dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo quyết định, vốn thực hiện đề án lấy nguồn ngân sách địa phương, kinh phí sự nghiệp tài nguyên và môi trường.
UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện để triển khai.
Thường xuyên lên kịch bản di dời dân do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét
Trong tuần qua, mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 gây ra đã khiến nhiều vùng thuộc địa bàn các huyện miền núi xuất hiện sạt lở đất, tàn phá các công trình cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đe dọa tính mạng người dân. Vào mùa mưa bão, Quảng Trị thường xuyên phải lên kịch bản, sẵn sàng di dời hàng nghìn hộ dân với hàng chục nhân khẩu đến nới tránh trú trước nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.