| Hotline: 0983.970.780

'Người dân Đông Hội ai cũng tự hào về bác Nguyễn Phú Trọng'

Thứ Bảy 20/07/2024 , 15:09 (GMT+7)

'Nhân dân trong xã, trong thôn chúng tôi ai cũng kính trọng, mến yêu, tự hào về bác Nguyễn Phú Trọng', bà Chử Thị Lộc, Chi hội phó Người Cao tuổi thôn Hội Phụ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), bày tỏ.

Chiều muộn ngày 19/7, ông Bùi Văn Vỹ, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Hội Phụ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) cùng hơn mười hội viên vẫn có mặt tại cụm Di tích lịch sử văn hóa Đền - Chùa - Nghè thôn Hội Phụ để dọn dẹp vệ sinh, lau dọn bàn thờ, bao sái tượng Phật…

Mỗi người một việc, không ai bảo ai đều ý thức được công việc của mình. Ông Vỹ huy động hội viên mang dụng cụ tới dọn dẹp khu di tích; phân thành các nhóm lau chùi đồ thờ, bao sái tượng Phật tại Đình, Chùa của làng.

Ông Bùi Văn Vỹ, bà Chử Thị Lộc - hai hội viên người cao tuổi thôn Hội Phụ dọn dẹp tại di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa Hội Phú. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Bùi Văn Vỹ, bà Chử Thị Lộc - hai hội viên người cao tuổi thôn Hội Phụ dọn dẹp tại di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa Hội Phú. Ảnh: Kiên Trung.

Bà Chử Thị Lộc, Chi hội phó Người Cao tuổi thôn phân công các hội viên nữ người tiếp thêm dầu nhang, người đi mua lễ về bày biện…

“Chúng tôi đã cắt đặt, sắp xếp công việc đâu vào đấy cả rồi, để chuẩn bị mọi thứ chu toàn nhất", ông Vỹ cho hay.

Khoảng 18h, thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần trên các cơ quan báo chí, ông Vỹ không giấu cảm xúc thương tiếc người con ưu tú của quê hương.

“Mấy ngày trước, chúng tôi cũng đã được biết tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư, ai cũng lo lắng cầu mong Tổng Bí thư sớm khỏe để tiếp tục nhiệm vụ trọng đại, chăm lo cho dân, cho nước. Vừa hay tin chiều nay, chúng tôi ai cũng buồn thương, tiếc nhớ đồng chí”, ông Vỹ xúc động.

 
Người dân thôn Hội Phú dọn dẹp Đình làng. Ảnh: Kiên Trung.

Người dân thôn Hội Phú dọn dẹp Đình làng. Ảnh: Kiên Trung.

Vừa cầm chiếc xẻng ngắn cọ những vệt đất bám trước cổng Đình, kỳ cọ bằng sạch như chùi, bà Chử Thị Lộc xúc động: “Bác là người con ưu tú của quê hương. Nhân dân trong xã, trong thôn chúng tôi ai cũng kính trọng, mến yêu, tự hào bác Trọng. Nay bác về với các bậc thánh hiền, nhân dân chỉ biết bày tỏ niềm tiếc thương bằng việc dọn dẹp đường thôn ngõ xóm thật sạch sẽ, tươm tất”.

Hội Phụ là thôn liền kề với thôn Lại Đà - nơi sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những thôn làng trên mảnh đất Đông Hội từ xưa tới nay đều nức tiếng địa linh, văn vật với những công trình tôn giáo, các thiết chế văn hóa… được Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân chung sức bảo tồn, gìn giữ.

Vừa dọn dẹp, ông Vỹ vừa nhẩn nha giới thiệu địa danh quê hương: “Đền Hội Phụ là di tích lịch sử tín ngưỡng thờ phụng ông Đào Kỳ và bà Phương Dung - hai vị tướng tài của Hai Bà Trưng trong buổi đầu giữ nước giành độc lập tự chủ cho non sông nước Việt.

Đình là nơi hội họp giao lưu văn hoá của nhân dân trong những ngày lễ của địa phương. Ngôi đình xưa kia có tên Cự Trình, và là ngôi đình to nhất tổng Cói. Qua nhiều lần tu bổ, hiện nay ngôi đình còn giữ nguyên được nếp cũ. Đây là nơi diễn ra những hoạt động quan trọng của làng thôn”, ông Vỹ nói.

Ông Bùi Văn Vỹ, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Hội Phú dọn dẹp đình làng.

Ông Bùi Văn Vỹ, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Hội Phú dọn dẹp đình làng.

Đình làng Hội Phú - thiết chế văn hóa có tuổi đời lịch sử hàng trăm năm trên mảnh đất Đông Hội anh hùng. Ảnh: Kiên Trung.

Đình làng Hội Phú - thiết chế văn hóa có tuổi đời lịch sử hàng trăm năm trên mảnh đất Đông Hội anh hùng. Ảnh: Kiên Trung.

Bên trong ngôi đình cổ kính, những đồ thờ tự, lễ tiết… được các hội viên người cao tuổi từ chiều tỉ mẩn vệ sinh, dọn dẹp, sắp xếp ngăn nắp. Dưới ánh điện ấm áp, một nữ hội viên đang cẩn thận bày mâm lễ vừa mang tới, đưa lên ban thờ để thắp nhanh…

Không riêng Hội Phụ, các thôn khác như Tiên Hội, Lại Đà…, các tổ chức, đoàn thể… đều chủ động dọn dẹp, vệ sinh đường thôn ngõ xóm. Không khí lao động vừa khẩn trương, trang nghiêm. Mọi người đều ý thức được ý nghĩa công việc mà mình đang làm, và cũng thể hiện sự kính trọng với người con ưu tú của quê hương, làng xã.

“Dù không còn nữa, nhưng bác sẽ sống mãi trong tâm trí người dân chúng tôi. Đó là một tấm gương sáng, một nhân cách lớn, là niềm tự hào của quê hương Đông Hội và người dân cả nước” – chi hội trưởng người cao tuổi thôn Hội Phú chia sẻ.

Ngày 26/3 vừa qua, xã Đông Hội - quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng xã Đông Hội (huyện Đông Anh) - tiền thân của Đảng bộ xã Đông Hội (3/1949 - 3/2024).

Trong lịch sử, Đông Hội trước kia là một vùng của huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 4-1946, xã Đông Trù và xã Đông Ngàn được sáp nhập làm một lấy tên là xã Song Đông. Trên đất Đông Hội lúc này còn ba xã: Hội Phụ, Tiên Hội và Song Đông.

Một người dân biện lễ trong Đình làng. Ảnh: Kiên Trung.

Một người dân biện lễ trong Đình làng. Ảnh: Kiên Trung.

Cuối năm 1946, Huyện ủy Từ Sơn chỉ đạo các xã lập tổ trung kiên bao gồm những cán bộ xã, thôn và các đoàn thể tích cực hăng hái trong công tác, tổ chức cho anh chị em học tập chính trị nhằm nâng cao phẩm chất cách mạng, giác ngộ giai cấp, hiểu biết về Đảng.

Đầu năm 1949, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Từ Sơn chủ trương ghép nhiều xã nhỏ thành một xã lớn. Tháng 3/1949, ba xã Hội Phụ, Tiên Hội và Song Đông được sáp nhập vào một lấy tên là xã Đông Hội.

Tháng 12/1960, Đảng bộ xã Đông Hội được thành lập gồm 5 chi bộ (Tiên Hội, Trung Thôn, Hội Phụ, Đông Trù và chi bộ (Lại Đà - Đông Ngàn).

Ngày 12/5/1961, theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đông Hội cùng 4 xã khác của huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được cắt chuyển về huyện Đông Anh. 

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, suốt 75 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Đông Hội đã và đang phát triển trưởng thành vững vàng về mọi mặt chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; tạo nên bề dày truyền thống cách mạng và anh hùng. 

Với những thành tích đã đạt được trong chiến đấu và lao động, sản xuất, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng các tập thể và cá nhân trong xã 1.192 Huân huy chương và nhiều Bằng khen các loại. Đặc biệt năm 1973 Ban Công an xã Đông Hội được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ, năm 2005, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Đông Hội đã được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

 
Khu lưu niệm 'Cây đa Bác Hồ' trên thôn Tiên Hội, xã Đông Hội. Ảnh: Kiên Trung.

Khu lưu niệm "Cây đa Bác Hồ" trên thôn Tiên Hội, xã Đông Hội. Ảnh: Kiên Trung.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới xã đã được Thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Chiều 19/7, tin buồn về tới làng quê: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. 20h cùng ngày, trụ sở UBND xã vẫn sáng đèn. Đảng ủy, UBND xã Đông Hội tổ chức cuộc họp đột xuất với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai tổ chức các thôn, xóm… cùng chung tay vệ sinh môi trường, đường thôn ngõ xóm; dọn dẹp các công trình nhà văn hóa, các thiết chế văn hóa trong xã… để đón người về với quê hương…

Xem thêm
Sẽ tổ chức lễ hội trái cây Việt Nam tại nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc

Lễ hội trái cây Việt Nam vừa diễn ra tại Bắc Kinh là một trong những yếu tố tạo động lực để doanh nghiệp Việt Nam cải tiến phương thức kinh doanh, sản phẩm.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Cần thêm cơ chế cho các công ty thủy lợi để đảm bảo tiêu thoát nước

HẢI PHÒNG Hiện nay, các doanh nghiệp vận hành hệ thống thủy lợi cần thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả hoạt động, nhất là trong những đợt mưa bão lớn.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 1] Người thức giấc cùng dòng sông

Không chỉ là dòng sông năng lượng, sông Đà hùng vĩ đang hiện hữu ở một diện mạo mới - vùng lòng hồ, đang thắp lên giấc mơ lớn cho những vùng đất ven sông!