| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội thể hiện quyết tâm gìn giữ biển Đông

Thứ Ba 03/06/2014 , 09:48 (GMT+7)

Ngày 2/6, thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển KT-XH, các ĐBQH đồng loạt thể hiện quyết tâm gìn giữ biển Đông, bảo vệ bờ cõi đất nước.

Đa số ĐB đề nghị phải tăng cường đầu tư cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, đầu tư cho ngư dân bám biển…

Tiết kiệm vì biển đảo

Trước sự kiện Trung Quốc gây hấn, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ĐB Đỗ Văn Đương - TP Hồ Chí Minh nói lời phát biểu tâm huyết với Quốc hội: “Chúng ta nhận thức sâu sắc là sự xâm lấn truyền kiếp của nước láng giềng thật khó thay đổi. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì lòng yêu nước nồng nàn lại kết dân ta thành làn sóng và sự hung hăng lấn tới của Trung Quốc càng nhiều thì lòng yêu nước càng trỗi dậy mạnh mẽ.

Chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nâng cao cảnh giác từ trong suy nghĩ đến hành động trên đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh. Không mắc bẫy chủ nghĩa bá quyền để chúng dễ bề gặm nhấm biển đảo, tiến tới độc chiếm biển Đông”.

Ông Đương đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội cần có nội dung về tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế. Đặc biệt cần thiết phải giành 16 ngàn tỷ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư như đề xuất của Chính phủ.

Ngoài ra, ông cho rằng Chính phủ nên có nghị quyết chuyên đề về xiết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính và kỷ luật thu chi ngân sách, kể cả trung ương và địa phương. Cương quyết thu hồi các khoản chi sai mục đích, tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm người mắc sai phạm phải mạnh mẽ hơn trước.

Thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu tối đa các đoàn ra nước ngoài. Không được phình to bộ máy và biên chế, tạm ngừng xây dựng trụ sở mới để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân.

"Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ nếu trời cho sống tôi sẽ không đi nước ngoài nữa", ĐB Đỗ Văn Đương khẳng khái.

Mở rộng thị trường, tránh lệ thuộc

Cùng đóng góp ý kiến về tình hình biển Đông và mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng - Bình Dương cho rằng, không phải đến nay mới có sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 mà hàng nghìn năm qua chúng ta vẫn luôn phải đối mặt với sự xâm phạm lãnh thổ từ nước láng giềng phương Bắc.

Và theo ĐB Đáng, bài học của tổ tiên chúng ta để lại là ngay cả trong yên bình vẫn phải chuẩn bị cho động loạn. Lịch sử Việt Nam chúng ta trải qua các đời, mạnh yếu khác nhau nhưng chưa bao giờ lệ thuộc láng giềng phương Bắc về kinh tế. Bởi vì tổ tiên ta hiểu rằng khi buộc phải thường xuyên đương đầu với tranh chấp, xung đột lãnh thổ thì sự lệ thuộc người ta về kinh tế là điểm yếu chí tử của đất nước.

Tuy nhiên các số liệu chính thức lại cho thấy kinh tế nước ta đang lệ thuộc nặng nề vào nước láng giềng phương Bắc cả về nguyên liệu và vật tư phụ trợ cho sản xuất công nghiệp cũng như về thị trường tiêu thụ nông sản. Lệ thuộc về kinh tế như vậy thì khó tránh khỏi các lệ thuộc khác, hoàn toàn bất lợi trong mọi tranh chấp xung đột chủ quyền ở hiện tại và tương lai gần hay là xa.

“Đây là bài học lớn có tính nguyên tắc nhưng hình như hiện nay chúng ta chưa thuộc lòng bài học đó”, ông nhận xét.

Để thoát khỏi lệ thuộc, ông Đáng khẳng định việc quan trọng nhất là phải gấp rút xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ. Mặt khác trong phương hướng tái cơ cấu nông nghiệp cần nhanh chóng tính đến lộ trình điều chỉnh thị trường tiêu thụ nông sản vừa giúp nông dân đỡ thua lỗ cơ cực vừa thoát dần sự lệ thuộc về thị trường.

Quan ngại về những hệ lụy xảy ra khi quan hệ của Việt Nam – Trung Quốc suy giảm, ĐB Vũ Tiến Lộc – Thái Bình cho biết, thực tế hiện nay chúng ta đang phải nhập 50-60% nguyên phụ liệu ngành dệt may từ TQ và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu TQ thi công.

Về "đầu ra" của nền kinh tế, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải là thị trường lớn nhất nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam. Do đó thị trường này có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và những người sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Tuy giá xuất khẩu sang Trung Quốc là rẻ mạt, có mặt hàng chỉ bằng 1/10 giá bán ở thị trường các nước phương Tây và luôn có những rủi ro rình rập nhưng VN vẫn cần tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này, bởi hàng rào thuế quan nhập khẩu ở các thị trường Âu - Mỹ còn cao.

 Chúng ta chưa có được một nền công nghiệp chế biến phát triển và chưa biết cách nào để vượt qua khoảng cách xa xôi, bảo quản dài ngày trên các chặng đường vận chuyển và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức ngặt nghèo của những khách hàng giàu có và khó tính trên thế giới.

Vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, trong thời gian tới phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm nông nghiệp và thông qua các Hiệp định thương mại tự do EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương… để tiếp tục đa dạng hóa "đầu ra" sản phẩm, đặc biệt là nông sản của Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới.

“Đây là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay chúng ta còn làm chưa tốt”, ông khẳng định. Nhưng ở một góc độ khác, ông Lộc cũng lưu ý về những lợi thế mà Việt Nam có thể tận dụng được từ phía TQ bởi dù có muốn mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa thị trường đầu ra tới mức nào, Việt Nam cũng không thể và không nên bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất của Trung Quốc, không thể không mua các sản phẩm hợp lý từ công xưởng lớn nhất thế giới và không bán hàng sang một thị trường đông dân nhất thế giới lại cận kề với nền kinh tế Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Các đại biểu hãy thể hiện chính kiến

Một vấn đề rất lớn đang cần xin ý kiến các ĐBQH là chúng ta sẽ giành 16.000 tỷ đồng cân đối trong ngân sách năm 2013 để chi cho cảnh sát biển, chi cho lực lượng kiểm ngư và chi để hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. Đây là một vấn đề rất lớn sẽ được Quốc hội thảo luận và quyết định tại kỳ họp này.

 Do đó, trong thảo luận đề nghị đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến của mình, cho ý kiến để chúng ta đi đến một quyết định đáp ứng được tình hình thực tế đặt ra trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Cán cân thương mại với TQ quá chênh lệch

Hiện nay chúng ta có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào một số đối tác chính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước ASEAN và Trung Quốc. Trung Quốc là một đối tác quan trọng.

Theo con số thống kê thì trong năm 2013 chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta, tức là hơn 10 tỷ đô la trên 133 tỷ đô la xuất khẩu.

Còn nhập khẩu thì chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm vào khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu. Năm 2013, VN nhập khẩu khoảng 133 tỷ đô la, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng hơn 30 tỷ.

Để cải thiện cán cân thương mại, năm 2013 VN đã ký 3 hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo.

 Trong hội nhập quốc tế VN đã ký 8 hiệp định thương mại tự do và đồng thời đang đàm phán để ký kết tiếp 6 hiệp định nữa. Với việc đàm phán và có thể kết thúc ký kết 6 hiệp định này thì về cơ bản những đối tác kinh tế quan trọng nhất đều có các hiệp định thương mại tự do và qua đó sẽ góp phần tạo thuận lợi thêm cho hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập được vào các thị trường.

Trong quá trình hội nhập, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì có thách thức, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương. Ví dụ như khu vực nông nghiệp, nông dân thì trong đàm phán khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo một số mặt hàng nông sản phải được bảo hộ ở mức độ hợp lý và kết quả chúng ta cũng đã đạt được cam kết riêng đối với 4 mặt hàng trong nông nghiệp có bảo hộ bằng cách duy trì hạn ngạch nhập khẩu, được phép duy trì khoảng 10% tổng số chi phí cho nông nghiệp để trợ cấp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân: Nông nghiệp cần một cuộc cách mạng

Việt Nam có các sản phẩm nông nghiệp đứng tốp đầu thế giới là tiêu, điều, cà phê, gạo, thủy sản, chè.

Sản phẩm nông nghiệp VN cũng có năng suất cao gấp nhiều lần năng suất trung bình của thế giới ví dụ như sản phẩm cá tra cao gấp 7 lần năng suất bình quân. Vậy vì sao thu nhập người nông dân vẫn thấp? Vì sao tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp vẫn theo xu hướng giảm dần?

Người nông dân đã làm hết khả năng của mình rồi, muốn đẩy năng suất nữa không thể hỏi nông dân. Vấn đề của nông nghiệp hiện nay là thiếu một cuộc cách mạng, đổi mới toàn diện.

Cách mạng từ việc cung ứng yếu tố đầu vào cho đến cách mạng trong giải pháp tiêu thụ sản phẩm. Cần phải quy hoạch cây, con mà Việt Nam có lợi thế “kép” và nội địa hóa các đầu vào cung cấp cho nông nghiệp.

Hiện nay, nuôi cá tra mất 84% chi phí vào thức ăn vì vậy cần phải quan tâm đến công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, phải cải tạo các giống để nâng cao năng suất ngô, đậu tương.

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm phải tạo cơ chế tiêu thụ sản phẩm với quy mô lớn, tạo giống chất lượng cao, đẩy mạnh việc xây dựng sàn giao dịch nông sản hàng hóa. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét đánh giá, rút kinh nghiệm để mở rộng hoạt động bảo hiểm nông nghiệp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: 10.000 tỉ đồng vốn cho vay bám biển

Trao đổi với báo chí bên lề QH, ông Bình cho biết: Chính phủ đã có chủ trương dành nguồn vốn 10.000 tỉ đồng giúp đỡ ngư dân đóng mới và cải hoán những tàu hiện có, đảm bảo công suất cao hơn, độ chắc chắn an toàn của tàu lớn hơn.

Tiếp cận nguồn vốn này, lãi suất quy định cho ngư dân vay từ phía ngân hàng là 5%, Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 2% nên ngư dân sẽ chỉ phải trả 3%. Thời hạn cho vay sẽ kéo dài từ 10-15 năm. Bên cạnh đó tất cả các con tàu đóng mới sẽ được bảo hiểm và Chính phủ hỗ trợ tới 70% chi phí bảo hiểm.

Trước câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương "đề nghị nên áp dụng mức lãi suất là 0% để ngư dân bám biển, đề xuất này có được NHNN cân nhắc không", 

Thống đốc cho biết,  NHNN đang nghiên cứu mô hình cho ngư dân vay 0% lãi suất, nhưng với điều kiện phải quản lý thật tốt để đảm bảo các tổ chức tín dụng có thể thu hồi được nợ gốc.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.