
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phạm Thắng.
Theo đó, Quốc hội quyết định xây dựng tuyến đường sắt mới điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9km; đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Quy mô: Đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại;
Hình thức đầu tư là đầu tư công. Công nghệ là áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả. Dự án thực hiện thu hồi đất theo quy mô quy hoạch (đường đôi đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng và đường đơn đối với các đoạn tuyến còn lại).
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 716ha (trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 709ha), đất lâm nghiệp khoảng 878ha, các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 1.038ha. Sơ bộ số dân tái định cư khoảng 19.136 người.
Quốc hội quyết định sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203.231 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Tiến độ thực hiện: Lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.

Kết quả biểu quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Tùng Đinh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, theo báo cáo Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư được tính toán theo quy định của pháp luật về xây dựng. Suất đầu tư công bố hiện nay của các nước được tính cho phần xây dựng và thiết bị, không tính chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí có tính chất đặc thù khác (chi phí cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, chi phí cải tạo khổ 1.000mm khu vực ga Lào cai, chi phí đường 1.000mm đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội).
So sánh với suất đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn - Boten dài 418km có chi phí đầu tư 5,96 tỷ USD, suất đầu tư quy đổi 16,77 triệu USD/km; tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với suất đầu tư khoảng 15,96 triệu USD/km, tương đồng với suất đầu tư một số dự án tham khảo trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc so sánh suất đầu tư giữa các dự án chỉ mang tính tham khảo do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm triển khai, công nghệ, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng, khả năng nội địa hóa.
"Về khả năng cân đối vốn, do đây là Dự án đặc biệt ưu tiên nên Chính phủ sẽ cân đối để trình Quốc hội quyết định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch tài chính 5 năm từng thời kỳ, trên nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia", Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình.
Dẫn tính toán của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng GDP, chỉ tiêu CPI theo Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, khoản huy động vay nước ngoài (khoảng 1,0-1,1% GDP năm 2025) và khoản huy động vốn trong nước để bố trí vốn đối ứng (khoảng 0,45-0,5% GDP năm 2025) cho Dự án này trong giai đoạn 2025-2032 sẽ làm nợ Chính phủ, nợ công tăng lên khoảng 1,4-1,5% GDP .
Tuy nhiên, số liệu Dự án chưa tính đến tăng trưởng GDP khi đầu tư Dự án tạo ra và tính toán này dựa trên kịch bản tăng trưởng cũ, khi điều chỉnh kịch bản tăng trưởng lên 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 như chủ trương của Đảng, quy mô GDP tăng lên và nợ công theo Dự án sẽ còn giảm đi.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Ảnh: Phạm Thắng.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nên đề xuất một tỷ lệ vốn từ trái phiếu Chính phủ nhiều hơn để giảm tỷ lệ vay vốn nước ngoài, đỡ phụ thuộc vào nước ngoài có tỷ lệ lãi suất lại cao.
Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng phản ánh, nhiều ý kiến không tán thành với quy định tại khoản 19 Điều 3 dự thảo Nghị quyết về việc miễn, giảm nhẹ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi xảy ra tác động tiêu cực, lợi ích nhóm và lãng phí do sẽ phá vỡ các nguyên tắc, quy định của pháp luật và không thống nhất, công bằng đối với các cán bộ, công chức thực hiện các dự án tương tự. Có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên cần quy định cụ thể các trường hợp áp dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu, đối với trường hợp cần có quy định này để bảo vệ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định mang tính phổ quát chung và báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, xin không quy định nội dung này tại dự thảo Nghị quyết, ông Tùng báo cáo Quốc hội.