Ra mắt 'Không gian OCOP Nhân văn'
Thứ Bảy 23/09/2023 , 07:11 (GMT+7)'Không gian OCOP Nhân văn' đặt tại cơ sở quận 1, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) chính thức khai trương với nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng.
"Không gian OCOP Nhân văn" đặt tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng, quận 1 chính thức khai trương trong khuôn khổ Diễn đàn "Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP" do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đơn vị Thường trực Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phối hợp Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 22/9.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao "Không gian OCOP Nhân văn" bởi ý tưởng cũng như ý nghĩa từ không gian này.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, từ nhiều năm nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã phối hợp với Bộ NN-PTNT triển khai chương trình OCOP và du lịch nông nghiệp phát triển nông thôn. Việc khánh thành một trung tâm về OCOP tại trường là hết sức ý nghĩa.
“Định hướng của Chương trình OCOP trong thời gian tới là hướng đến nền kinh tế xanh và giá trị nhân văn. Đây là những sản phẩm đặc sản, khơi dậy sức sáng tạo của người dân khu vực nông thôn nên giá trị nhân văn, kinh tế xanh luôn luôn đồng hành với sản phẩm OCOP”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ sự kỳ vọng, "Không gian OCOP Nhân văn" sẽ đi vào hoạt động hiệu quả với sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất OCOP để thúc đẩy, lan tỏa sản phẩm OCOP của từng địa phương, cũng như truyền tải những câu chuyện nhân văn, giá trị lịch sử qua từng sản phẩm đến với người dân và du khách.
Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, "Không gian OCOP Nhân văn" với thông điệp “Giá trị nhân văn thăng hoa sản phẩm Việt” chính thức khai trương tại tòa nhà có lịch sử 150 năm của Pháp, xây trên nền thành Gia Định. Qua đó, thể hiện rõ giá trị nhân văn, giá trị lịch sử trong không gian này.
"Nhiều người nói Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phục vụ cộng đồng nhiều, nhưng cụ thể là cái gì. Do đó, nhà trường muốn cụ thể hóa, qua các sản phẩm mà nhà trường cùng đồng hành với các đơn vị. Bản chất là giá trị nhân văn, giá trị lịch sử thông qua sản phẩm Việt", PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nói và cho biết thêm, đây là nhiệm vụ mà Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam giao cho nhà trường từ hai năm trước, nay đã đi chính thức ra mắt.
"Không gian OCOP Nhân văn" với thông điệp “Giá trị nhân văn thăng hoa sản phẩm Việt” với các kệ trưng bày sản phẩm của những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều sản phẩm của các chủ thể OCOP khác được trưng bày trên "Chiếc thuyền nhân văn".
Các doanh nghiệp có sản phẩm được lựa chọn để trưng bày tại đây mang ý nghĩa là doanh nghiệp cộng đồng, thể hiện vai trò, ý nghĩa trong chia sẻ và hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng, cùng chung “câu chuyện” nhằm đẩy mạnh phát triển “môi trường” nông nghiệp Việt Nam.
Theo bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, ở giai đoạn đầu, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (One Commune One Product - OCOP) đã đạt được những thành tựu cơ bản, về số lượng sản phẩm, quy mô và sự đồng thuận tham gia ở các địa phương, song hiện nay rất cần sự kết nối để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm phải mang ý nghĩa, giá trị trong từng sản phẩm OCOP như đúng với ý nghĩa chương trình, đó là hồn quê, là giá trị đặc sắc của mỗi địa phương, “mỗi làng một sản phẩm”.
Chính vì vậy, việc "biến" những sản phẩm đặc trưng của địa phương thành những món quà tặng, món ẩm thực để giới thiệu đến du khách sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn.
"Không gian OCOP Nhân văn" do Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong xây dựng và đưa vào sử dụng với sứ mệnh đa dạng hóa hình thức phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Dịp này, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng tri ân đến các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP đã đồng hành cùng Trường và "Không gian OCOP Nhân văn", qua đó giúp sản phẩm OCOP vươn xa.
tin liên quan
Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn
HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.
Tôn vinh bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Tây Ninh Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 5 năm 2024 vừa chính thức khai mạc.
Tân Yên phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, xây dựng huyện NTM nâng cao
BẮC GIANG Chương trình OCOP tại Tân Yên giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện cuộc sống người dân và đóng góp quan trọng vào xây dựng hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao.
Về làng Kim Long thưởng thức 'tứ đại danh tửu'
Quảng Trị Cuối tháng 11 âm lịch, làng nghề Kim Long ngày đêm đỏ lửa. Mỗi ngày có hàng nghìn lít rượu men lá từ làng nghề này được bán đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Cả nước có hơn 2.000 hợp tác xã nông nghiệp có sản phẩm đạt OCOP
Năm 2024, cả nước có trên 14.300 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; 2.169 HTX NN là chủ thể có các sản phẩm OCOP được công nhận.
Một doanh nghiệp có 16 sản phẩm sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao
Tiền Giang Đó là 16 sản phẩm chế biến từ cacao của Công ty TNHH Cacao Xuân Ron Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).