6 sản phẩm được đưa ra đánh giá và phân hạng đợt này gồm: Dưa lê bạch kim, dưa lưới Hà Lan, dưa lưới tròn ruột cam của Công ty TNHH MTV Nông sản Hoàng Xuân (thị xã Trảng Bàng); mật ong rừng, mật ong hoa sao, dầu của Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An Tây Ninh, thành phố Tây Ninh và bánh tráng siêu mỏng Hồng Minh của hộ kinh doanh bánh tráng Hồng Minh (thị xã Hòa Thành).
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, địa phương đang có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển sản phẩm OCOP với 133 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 91 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm chờ phân hạng 5 sao cấp quốc gia.
![image-20250211160941-2-105226_628.jpeg 6 sản phẩm được đưa ra đánh giá và phân hạng đợt này.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/image-20250211160941-2-105226_628-170123.jpeg)
6 sản phẩm được đưa ra đánh giá và phân hạng đợt này.
Theo Kế hoạch năm 2025, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đề ra mục tiêu tỉnh sẽ có thêm từ 20 - 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm đến năm 2025 đạt 150 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng đủ điều kiện đánh giá, phân hạng 5 sao. Đồng thời, tỉnh cũng có giải pháp thúc đẩy phát triển mở rộng quy mô sản xuất và thị trường sản phẩm OCOP 4 sao trở lên.
Phát biểu tại phiên họp, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chúc mừng các chủ thể có sản phẩm được Hội đồng đánh giá và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Ông Chiến giao các sở, ngành tiếp tục rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể OCOP xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đối với 06 sản phẩm vừa được xét công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến đề nghị doanh nghiệp tiếp tục xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, tạo cơ hội mở rộng thị trường, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.