| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng sản phẩm OCOP từ nông sản đặc trưng chủ lực

Thứ Hai 10/02/2025 , 06:19 (GMT+7)

Chương trình OCOP tại Yên Bái đang hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc sản chủ lực, góp phần đưa sản phẩm vươn ra thế giới.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái được xuất khẩu tới các thị trường nước ngoài. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái được xuất khẩu tới các thị trường nước ngoài. Ảnh: Thanh Tiến.

HTX đưa sản phẩm chè Shan tuyết xuất khẩu

Chẳng còn xa lạ khi những cái tên đặc sản của các địa phương như: chè Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, bưởi Đại Minh, quế Văn Yên, gạo nếp Tan Tú Lệ, miến đao Giới Phiên, khoai sọ Trạm Tấu, mật ong rừng Mù Cang Chải, măng tre Bát Độ Trấn Yên, cá sấy hồ Thác Bà... đã làm nên thương hiệu của nông sản Yên Bái trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước bằng chất lượng và uy tín của sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.

Thành công của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún sang sản xuất  hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường…. Qua đó, các sản phẩm nông sản của người nông dân Yên Bái được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, từng bước vươn ra thị trường lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu…

Yên Bái chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ các nông sản chủ lực. Ảnh: Thanh Tiến.

Yên Bái chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ các nông sản chủ lực. Ảnh: Thanh Tiến.

Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, huyện Văn Chấn là một trong những điển hình thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, quá trình thực hiện xây dựng mẫu mã, thương hiệu sản phẩm đã giúp doanh nghiệp hoàn thiện, củng cố, khắc phục tất cả các khâu của chuỗi sản xuất, kinh doanh một cách khoa học và hiệu quả.

Với mục tiêu “4 quyết” gồm “quyết lấy lại thương hiệu cho vùng chè Suối Giàng - quyết xây dựng đội ngũ lao động là người bản địa - quyết tâm giữ gìn và bảo vệ vùng chè quý - quyết không lùi bước”, với sự hỗ trợ của nhà nước HTX đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, thiết bị hiện đại với công suất đạt 2 tấn chè búp tươi/ngày. Bên cạnh đó, liên kết với một số chuyên gia trong ngành chè cùng đào tạo thành viên, người lao động....

Đến nay, HTX trở thành một trong những đơn vị có nhà xưởng đạt tiêu chuẩn HACCP; vùng nguyên liệu đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cây chè đã được đánh số truy xuất nguồn gốc vùng trồng. Tháng 8/2023, 2 sản phẩm OCOP 4 sao của HTX Suối Giàng là Hồng trà Shan tuyết và Diệp trà Shan tuyết đã bảo đảm các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn châu Âu để tham gia xuất khẩu.

Sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã được xuất khẩu sang Anh và Nhật Bản. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã được xuất khẩu sang Anh và Nhật Bản. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết, hiện nay HTX đã có 6 loại sản phẩm mang tên Tuyết Sơn Trà có chất lượng tốt, được đóng gói với mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, trong đó có 2 sản phẩm là Hồng trà Shan Tuyết và Diệp trà Shan Tuyết đã bảo đảm các tiêu chuẩn châu Âu được xuất khẩu sang thị trường Anh và Nhật Bản. Doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 350 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 5,7 - 6 triệu đồng/người/tháng.

“Mục tiêu của HTX không chỉ là phát triển sản phẩm chè chất lượng cao, xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng, mà còn là bảo tồn vùng chè hữu cơ tự nhiên, tạo ra thu nhập khuyến khích người dân hướng đến phát triển du lịch sinh thái thu lợi từ mảnh đất được coi là cái nôi của cây chè cổ thụ”, bà Thoa chia sẻ.

Nhiều sản phẩm OCOP từ đặc sản vùng miền

Mù Cang Chải là huyện vùng cao, có địa hình và khí hậu phức tạp, trình độ canh tác của người dân còn thấp. Với chủ trương “biến khó khăn thành lợi thế”, những năm qua chính quyền huyện Mù Cang Chải đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp, HTX xây dựng các mô hình nông nghiệp hàng hóa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để tạo việc làm, nâng cao thu nhập và từng bước chuyển giao kỹ thuật cho người dân.

Giờ đây ở Mù Cang Chải đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa như: vùng trồng hoa hồng trên 100 ha, vùng trồng rau sạch và các sản phẩm khác như nấm hương, nấm sò, ớt chuông, cà chua, su su… trên 50ha, vùng sản xuất lúa chất lượng cao hơn 700 ha với các giống lúa nếp Tan và Séng cù. Đến nay, toàn huyện có 15 sản phẩm OCOP 3 sao, chủ yếu đều là những nông sản chủ lực đặc trưng được trồng, thu hái, chế biến sạch và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Chương trình OCOP giúp nâng cao đời sống người dân và thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tại Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Chương trình OCOP giúp nâng cao đời sống người dân và thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tại Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết thêm, chương trình OCOP đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà ở cả vùng sâu, vùng xa. Nhiều cây trồng, sản phẩm từ chỗ tự phát, manh mún đã trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp hình thành hàng hóa sản xuất chuyên canh theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. 

Với quan điểm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước đưa tỉnh Yên Bái thành một trong những tỉnh trọng điểm trong khu vực miền núi phía Bắc về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư máy móc chế biến, thiết kế bao bì, mẫu mã và xúc tiến thương mại đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường trong và ngoài nước.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 297 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 272 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã có sự khác biệt, mang đặc trưng riêng, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý khẳng định lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 300 sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 300 sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo ông Hoàng Hữu Độ, Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, chương trình OCOP đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững. Định hướng phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới là không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng, tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm đã có, hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường... 

Chương trình OCOP đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền và các cơ quan chức năng, từ khâu tư vấn, đào tạo cho người dân về kỹ thuật sản xuất, chế biến cho đến việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở việc bán lẻ trong thị trường nội địa mà còn được đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, thậm chí xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, bảo tồn và phát huy giá trị các sản phẩm nông sản truyền thống.

Xem thêm
TP.HCM đẩy mạnh cho vay cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

UBND TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản triển khai chính sách tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 5 huyện ngoại thành.

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất