| Hotline: 0983.970.780

Rác tắc cống, chính quyền tắc trách, người dân đau khổ

Thứ Sáu 26/05/2023 , 06:38 (GMT+7)

Hàng trăm công ty khai thác khoáng sản. Núi rừng nghiêng ngả, khói bụi đầy trời, các dòng sông, khe suối ngày đêm oằn mình chở nặng chất thải đủ các loại tạp nham.

Đó là thực trạng đáng báo động về ô nhiễm môi trường hiện nay ở nhiều huyện miền tây Nghệ An.

Dân khổ lắm rồi

Trong xây dựng NTM, Nghệ An đã đạt được những thành công. Đô thị đang trên đà tiến tới văn minh, nông thôn đổi thay nhiều mặt, kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phong quang rộng rãi. Ruộng đồng đã được chỉnh trang, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Đời sống của người dân được cải thiện nâng lên.

Rác thải ngập tràn nhiều nơi ở Nghĩa Đàn khiến cho người dân trong vùng NTM kêu than. Ảnh: Việt Khánh

Rác thải ngập tràn nhiều nơi ở Nghĩa Đàn khiến cho người dân trong vùng NTM kêu than. Ảnh: Việt Khánh

Tuy nhiên nói về ô nhiễm môi trường ở Nghệ An lại là vấn đề nan giải. Các đơn vị chưa về đích NTM, ô nhiễm đã đành, vì họ đang phấn đấu, nhưng thật đáng trách vì nhiều đơn vị về đích NTM vẫn để tình trạng ô nhiễm môi trường xẩy ra, có nơi rất nghiêm trọng.

Chúng tôi ngược nguồn vùng miền tây, mới đi đến mấy huyện mà đã thấy cảnh rác thải rải trên đường, rác thải tấp xuống kênh mương, tràn lan, mùi hôi thối không tài nào chịu được. Người ta bảo môi trường trong lành đã bị bức tử và mạch nước ngầm còn nhuốm những thành tố gây hại sức khỏe của cư dân…

Huyện miền núi Quỳ Hợp, hậu quả của hàng trăm công ty, xí nghiệp khai thác khoáng sản để lại muôn vàn hệ lụy. Núi rừng nghiêng ngả, khói bụi đầy trời, các dòng sông khe suối ngày đêm oằn mình chở nặng chất thải đủ các loại tạp nham.

Ông Nguyễn Ngọc Hào và ông Lang Đức Sơn là cán bộ Công ty Thủy lợi Vùng Tây Bắc Nghệ An (trụ sở đóng ở Quỳ Hợp) khi trao đổi trực tiếp với chúng tôi đã bức xúc. Các ông nói, các dòng kênh thủy lợi do công ty quản lý luôn bị bồi lắng do chất thải từ khai thác khoáng sản đổ vào rất lớn. Tuyến kênh Tổng Huống, chiều dài đi qua dân cư 4km luôn bị dân xả hết chất thải vào. Trong đó có xác chết gia súc gia cầm và nước thải từ các nhà vệ sinh. Ô nhiễm môi trường từ trong kênh dẫn đến các xóm thôn và ruộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng.

Đến huyện Nghĩa Đàn theo chân đội ngũ dẫn dòng phục vụ tưới tiêu của Công ty Thủy lợi Phủ Quỳ, chúng tôi thấy ô nhiễm môi trường là rất khủng khiếp.

Hệ thống kênh Sông Sào phục vụ tưới tiêu cho gần 6.000ha đất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân, và đổ nước bổ sung cho hàng trăm hồ đập, ao đầm của địa phương thuộc huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Hiệu quả kinh tế của kênh Sông Sào là rất lớn. Vậy mà suốt từ đầu năm 2023 tới nay các dòng kênh đã bị người dân tống tất cả các loại chất thải vào.

Anh Phan Hữu Đồng, Mai Minh Hảo là Trạm trưởng Trạm Đông và Trạm Giữa bảo, rác thải và xác chết vật nuôi mà người dân đổ vào kênh đã làm khổ chúng tôi, không những thế, ô nhiễm môi trường thì vô cùng khủng khiếp, mùi hôi thồi bốc lên từ kênh, ruồi nhặng mang độc tố mầm bệnh thổi thẳng vào làng và trôi đến ruộng đồng... Dân chúng khổ lắm!

Ông Nguyễn Văn Hoàn ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) thẳng thắn nói, do Nhà máy xử lý chất thải của huyện Nghĩa Đàn đóng cửa nên người dân cứ đổ rác thải khắp nơi, còn những nhà ở hai bên bờ kênh thì đêm đêm họ lén lút trút đổ vào kênh.

“Kể từ đầu năm 2023 đến nay nhà máy xử lý chất thải của huyện đóng cửa nên lãnh đạo xã chỉ biết vận động dân tự gom rác thải và tiêu hủy. Tuy nhiên người dân còn thiếu ý thức nên họ cứ lén lút đổ rác và xác chết vật nuôi xuống kênh Sông Sào. Việc này thôn xóm không bắt được ai, vì kênh trải dài", Ông Nguyễn Long An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung nói trong bất lực.

Còn ông Lê Viết Xường, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Khánh cho hay, kể từ khi nhà máy xử lý chất thải của huyện đóng cửa, lãnh đạo xã chúng tôi vận động dân tập kết chất thải ở hai khu vực để xử lý đốt, nhưng chất thải cháy không hết, khói  bụi ô nhiễm môi trường lại bốc lên rất độc hại.

Nghe lãnh đạo địa phương kêu bất lực trước sự lén lút của những người đổ rác thải xuống sông mà thấy xót xa cho công tác quản lý nhà nước hiện nay.

Rác chất thành núi, lấp sông vì chính quyền nợ 8,5 tỷ đồng

Trả lời lý do Nhà máy xử lý chất thải huyện Nghĩa Đàn đóng cửa, gây nên thảm cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ông Phan Văn Ngân, Giám đốc Nhà máy Xử lý chất thải cho biết: “ Chúng tôi đóng cửa, không tiếp nhận rác thải từ ngày 1/1/2023 vì UBND huyện Nghĩa Đàn đang nợ nhà máy 8,5 tỷ đồng. Vì thế nhà máy không có vốn hoạt động”.    

Rác thải ở các làng quê giờ chất đống ở ngay chính khu dân cư. Ảnh: Việt Khánh

Rác thải ở các làng quê giờ chất đống ở ngay chính khu dân cư. Ảnh: Việt Khánh

Bàn về vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay, ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho hay, ô nhiễm môi trường trong xây dựng NTM hiện đang là vấn đề nóng bỏng, tuy nhiên cũng như các đơn vị khác, Quỳ Hợp đang quyết liệt chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để thực hiện thành công kế hoạch của tỉnh đã đề ra.

Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Vai trò này vẫn thuộc về chính sách của nhà nước đi trước một bước, sau là song hành hỗ trợ, đầu tư kinh phí và giúp dân tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Theo kế hoạch về nguồn lực thực hiện bảo vệ môi trường, ngoài huy động sức dân còn có vốn trong chương trình xây dựng NTM, vốn lồng ghép từ các dự án, vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Hiện Nghệ An đang cân đối kinh phí từ nguồn chi thường xuyên của các địa phương, ưu tiên phân bổ ngân sách cho việc thực hiện chương trình bảo vệ môi trường, đảm an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM.

Trước đó, tỉnh Nghệ An có ban hành kế hoạch hành động bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh chỉ thị: Vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm theo định hướng nông nghiệp sinh thái, cấp nước sạch nông thôn mới, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh là góp phần tạo ra môi trường sống an toàn và bền vững, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Tỉnh đề nghị Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phát huy trách nhiệm, thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, đồng thời xây dựng các chuyên đề về bảo vệ môi trường, để toàn dân cùng đồng lòng hưởng ứng tham gia. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… phải thực sự là lực lượng nòng cốt đi đầu trong các phong trào thi đua gìn giữ bảo vệ môi trường.

Đến UBND huyện Nghĩa Đàn, chúng tôi thuật lại tình trạng ô nhiễm nước trong kênh Sông Sào là không thể nào chịu được nữa rồi, ông Hoàng Quang Trung, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện này bảo: "Vấn đề này tôi chưa được phép phát ngôn".

Còn ông Phan Văn Ngân, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải huyện Nghĩa Đàn trả lời: “Chúng tôi đóng cửa, không tiếp nhận rác thải của dân đưa vào nhà máy xử lý kể từ ngày 1/1/2023 vì UBND huyện Nghĩa Đàn đang nợ Nhà máy 8,5 tỷ đồng, do vậy Nhà máy không có vốn hoạt động".

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.