| Hotline: 0983.970.780

Sở TN-MT Nghệ An lòng vòng trước vấn nạn ô nhiễm môi trường của Phúc Hòa

Thứ Tư 07/12/2022 , 11:23 (GMT+7)

Xoay quanh tình trạng ô nhiễm môi trường tại Dự án tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao Phúc Hòa, thông tin phản hồi từ Sở TN-MT Nghệ An không thuyết phục.

Để phục vụ Dự án tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao do Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa làm chủ đầu tư, huyện Nghi Lộc mất gần 7ha đất rừng. Ảnh: Công Điền.

Để phục vụ Dự án tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao do Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa làm chủ đầu tư, huyện Nghi Lộc mất gần 7ha đất rừng. Ảnh: Công Điền.

Ngày 4/11/2022 PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng ký làm việc với Sở TN-MT Nghệ An liên quan đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại Dự án tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao do Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa làm chủ đầu tư.

Sau 3 tuần, đến ngày 21/11/2022 Sở TN-MT mới ban hành Văn bản phản hồi số 7536/STNMT-BVMT. Đáng nói, một số nội dung phản hồi không thuyết phục.

Trước khi vào các nội dung trả lời của Sở TN - MT tỉnh Nghệ An, xin khẳng định chắc một điều như này, Tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao Phúc Hòa đi vào vận hành khi chưa được Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo quy định tại Luật Chăn nuôi năm 2018, chưa được Sở TN-MT cấp giấy phép môi trường quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường như hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhà tập kết heo chết, hệ thống dàn phun mưa để hạn chế mùi hôi… Nhận thấy tính chất nghiêm trọng, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã Quyết định xử phạt hành chính số tiền 320 triệu đồng. 

Trở lại với nội dung này, PV NNVN đặt câu hỏi cho Sở TN - MT Nghệ An rằng, ngày 16/9/2020, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án này. Theo quy định, sau thời gian bao lâu kể từ khi báo cáo ĐTM có hiệu lực, dự án đầu tư phải hoàn thiện tất cả các thủ tục đầu tư liên quan để qua đó đủ điều kiện hoạt động?

Phía Sở TN-MT tỉnh Nghệ An cho hay, Dự án Tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao tại xã Nghi Công Nam được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3118/QĐ-UBND ngày 16/9/2020 theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Theo quy định tại Điều 24 Luật này thì trong trường hợp dự án không triển khai xây dựng các hạng mục công trình theo pháp luật về xây dựng trong vòng 24 tháng thì chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, 2020 đều không quy định “sau thời gian bao lâu kể từ khi báo cáo ĐTM có hiệu lực, dự án đầu tư phải hoàn thiện tất cả các thủ tục đầu tư liên quan để qua đó dự án đủ điều kiện hoạt động”.

Phản hồi của Sở TN-MT mang tính rập khuân và máy móc. Dưới góc độ pháp lý, báo cáo đánh giá tác động môi trường chính là điều kiện cần của một dự án, chủ đầu tư phải có trách nhiệm, nghĩa vụ để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục còn thiếu nhằm đảm bảo đầy đủ các yếu tố theo quy định trước khi đi vào hoạt động, vận hành thay vì… cầm đèn chạy trước ô tô, làm đến đâu xử lý đến đó.

Mang danh Tổ hợp nuôi heo công nghệ cao nhưng quy trình vận hành lại bộc lộ hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. Ảnh: Công Điền.

Mang danh Tổ hợp nuôi heo công nghệ cao nhưng quy trình vận hành lại bộc lộ hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. Ảnh: Công Điền.

Nhân đây xin được nhắc lại, ngày 8/10/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành cùng lúc 2 quyết định cho phép Công ty TNHH Phúc Hòa được thuê gần 7ha đất rừng tại xóm 6, xã Nghi Công Nam để thực hiện Dự án tổ hợp nuôi heo công nghệ cao. Điều đáng nói, vị trí xây dựng khá “nhạy cảm”, cả 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc đều tiếp giáp với đất rừng sản xuất.

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao, xét đề nghị của chính Giám đốc Sở TN-MT, ngày 16/9/2020 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3118/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường” của dự án này.

Song hành với đó, Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa đã vẽ nên hình ảnh hết sức hào nhoáng về một tổ hợp chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, quy mô khép kín với công suất lên đến 15.000 con/lứa (2,5 lứa/năm). Theo phê duyệt, tổ hợp có hệ thống nhà úm heo, nhà nuôi heo, nhà sát trùng khách, hầm biogas, bể xử lý nước thải, hồ lắng nước thải… cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác.

Lý thuyết là như vậy nhưng thực tế lại hoàn toàn khác xa, từ khi vận hành đến nay tổ hợp của Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa là một điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, quá trình hoạt động gây nên nhiều bức xúc cho nhân dân.

Không chịu nổi tình cảnh ô nhiễm suốt từ ngày này sang tháng khác, ngày 18/3/2022 người dân đã đồng loạt lên tiếng phản đối kịch liệt. Không ngại ngần, nhiều người yêu cầu cơ quan chức năng phải di dời tổ hợp tai tiếng này đi nơi khác nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống dân sinh.

UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định xử phạt Tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa số tiền 320 triệu đồng vì không tuân thủ quy định, quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Công Điền.

UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định xử phạt Tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa số tiền 320 triệu đồng vì không tuân thủ quy định, quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Công Điền.

Khi NNVN đề cập: “Ngày 28/9/2022 UBND tỉnh có quyết định xử phạt hành chính 320 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải trong thời gian 4,5 tháng. Sau thời gian này, nếu chủ đầu tư không xử lý, khắc phục và hoàn thiện sẽ xử phạt ra sao”?

Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở TN-MT phản hồi khá chung chung: “Sau thời gian trên, nếu Công ty hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và cấp giấy phép môi trường thì Công ty được đưa dự án vào vận hành thử nghiệm; trường hợp Công ty không được cấp giấy phép môi trường thì tiếp tục dừng hoạt động cho đến khi đủ điều kiện và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép môi trường”.

Sau 4,5 tháng nếu Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa không khắc phục, không có giấy phép môi trường đương nhiên phải dừng hoạt động. Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan cần đánh giá tổng thể các yếu tố, nếu nhận thấy doanh nghiệp này không đủ năng lực, hoặc thiếu trách nhiệm trong quá trình khắc phục ô nhiễm môi trường cần tính đến phương án đình chỉ, rút giấy phép đầu tư, tránh tạo nên những hệ lụy không đáng có về sau.

Tại Văn bản số 7536/STNMT-BVMT, Sở TN-MT cũng nhấn mạnh đến việc đã yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung và các công trình bảo vệ môi trường khác theo đúng nội dung Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; xử lý xác lợn chết; tuần hoàn tái sử dụng 100% nước thải; lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để được thẩm định và cấp phép.

Ngoài ra Sở TN-MT cũng có Công văn số 6253/STNMTBVMT ngày 06/10/2022 giao UBND huyện Nghi Lộc và UBND xã Nghi Công Nam giám sát việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và công tác bảo vệ môi trường của Dự án. Đơn vị sẽ thường xuyên đôn đốc, giám sát việc thực hiện Quyết định số 161/QĐ-XPHC ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh. Công ty Phúc Hòa đã xuất bán 1.000 con lợn, hiện còn khoảng 3.000 con, dự kiến trong tháng 12/2022 mới xuất hết toàn bộ.

Tổ hợp chăn nuôi heo thịt công nghệ cao Phúc Hòa đi vào vận hành khi chưa được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo quy định tại Luật Chăn nuôi năm 2018, chưa được Sở TN-MT cấp giấy phép môi trường quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường (hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhà tập kết heo chết, hệ thống dàn phun mưa để hạn chế mùi hôi) theo quy định tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt… Nhận thấy quy mô, tính chất nghiêm trọng, UBND tỉnh Nghệ An đã Quyết định xử phạt hành chính số tiền 320 triệu đồng.

Xem thêm
Triển khai tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng

Công ty AVAC Việt Nam thành công cung ứng 3 triệu liều vacxin ra thị trường, thể hiện hiệu quả bảo hộ vượt trội và tiềm năng mở rộng đối tượng tiêm phòng.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.