Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế
Tại “Diễn đàn giao thương, kết nối chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu trái cây Việt Nam - Trung Quốc” diễn ra chiều 29/9 trong khuôn khổ Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam - Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có có chung hàng nghìn km đường biên giới. Người dân Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về văn hóa và lối sống.
Việt Nam và Trung Quốc có lịch sử giao thương buôn bán hàng nghìn năm. Trung Quốc là một thị trường bao la, rộng lớn với những nhu cầu đa dạng. Việt Nam là đất nước có điền kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất các loại trái cây đặc sản nhiệt đới. Người tiêu dùng Trung Quốc đã quen thuộc với các trái cây Việt Nam như: Sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít, vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt, vú sữa…
Những năm gần đây, sản xuất rau quả của Việt Nam phát triển rất nhanh, sản lượng, chất lượng không ngừng được cải thiện có thể đáp ứng nhu cầu khó tính nhất của người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.
Thương mại hai chiều về trái cây giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển thuận lợi, kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả tăng mạnh trong hai năm 2023 và 2024. Việt Nam và Trung Quốc đã ký một số hiệp định mở cửa cho 12 loại trái cây của Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hiện nay, người sản xuất, chế biến và doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thực hiện những cam kết đã được ký giữa hai bên như về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu theo Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc…
Thị trường Trung Quốc luôn chiếm vị trí đầu bảng trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong nhiều năm ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Năm 2023, Trung Quốc chiếm tỷ trọng 67%, 8 tháng năm 2024 chiếm 65,23%.
Những kết quả đạt được trong quan hệ thương mại rau quả Việt Nam - Trung Quốc trong những năm qua là đáng kể nhưng vẫn là quá nhỏ so với tiềm năng to lớn chưa được khai thác của cả hai bên.
Xem xét đơn giản hóa hoặc giảm bớt các thủ tục
Để tiếp tục đáp ứng những thị hiếu, nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng tại Việt Nam, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới, sản xuất và chế biến rau quả của Việt Nam đã và đang có nhiều thay đổi.
Cụ thể, trong khâu trồng trọt, việc sử dụng vật tư đầu vào đã được kiểm soát tốt hơn; các quy trình, quy chuẩn trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, thực hành sản xuất tốt (Viet GAP, Global GAP) đang được áp dụng nhiều hơn, rộng rãi hơn.
“Chúng tôi đảm bảo rằng các sản phẩm rau quả của Việt Nam là các sản phẩm chất lượng tốt, an toàn cho người sử dụng, khẩu hiệu của chúng tôi là: “Trái cây Việt Nam - Hương thơm ngàn dặm”, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho hay, với tiềm năng to lớn và tốc độ tăng trưởng cao trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam tự tin có thể đáp ứng những yêu cầu to lớn và đa dạng của thị trường Trung Quốc hiện tại và tương lai.
Hiệp hội rau quả Việt Nam sẽ làm hết sức mình vận động, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hội viên nâng cao năng lực, nhận thức và hành động trong việc chấp hành và thực hiện các quy định của Việt Nam và Trung Quốc để tạo ra và cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn, hợp thị hiếu. Đồng thời làm cầu nối ngắn nhất, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc gặp gỡ, kết nối, trao đổi và ký kết các hợp đồng thương mại, đầu tư, liên doanh, liên kết
Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình khẳng định
Để thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại rau quả giữa Việt Nam và Trung Quốc nhanh hơn và mạnh hơn, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam đề nghị, đối với các cơ quan quản lý chức năng Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục xem xét, thẩm tra mở rộng và/hoặc cấp thêm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho 12 loại trái cây đang được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Đánh giá, thẩm định các loại sản phẩm tiềm năng khác của Việt Nam như bưởi, na, nơ… để tiếp tục ký kết các hiệp định cho phép các sản phẩm này được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc thời gian gần nhất có thể.
Xem xét đơn giản hóa hoặc giảm bớt các thủ tục, tỷ lệ mẫu kiểm tra để hàng hóa có thể thông quan nhanh hơn, giúp hàng hóa nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.
Khai thác tốt nhất các nguồn lực về hạ tầng cơ sở như kho bảo quản, lưu trữ, bến bãi, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, để nâng cao năng lực lưu thông, tiếp nhận và bảo quản rau quả góp phần giảm bớt tỷ lệ hư hỏng trong chuỗi cung ứng.
Đối với các hiệp hội và các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu của Trung Quốc, tăng cường giao lưu để trao đổi và học tập kinh nghiệm quản lý và điều hành hiệp hội, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực tự thân, hỗ trợ nhau cùng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của ngành rau quả hai nước.
Tổ chức các hoạt động kết nối cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm hiểu tiến tới đầu tư, liên doanh, liên kết và trao đổi thương mại hai chiều.