Bộ phim “Ròm” trở thành tác phẩm điện ảnh Việt đầu tiên có mặt tại hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc, sau đại dịch Covid-19. Bộ phim “Ròm” được phát triển từ phim ngắn cùng tên nhận được nhiều sự tác thưởng của đạo diễn Trần Thanh Huy. Bộ phim “Ròm” mất 8 năm mới hoàn thành, nhưng liên tục đối mặt nhiều sự cố.
“Ròm” được trao giải New Current tại Liên hoan phim Busan - Hàn Quốc năm 2019, nhưng về nước bị phạt hành chính 40 triệu đồng vì… chưa được cấp phép.
Khi duyệt phát hành cho bộ phim “Ròm”, Cục Điện ảnh đã nhận định: “Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bao lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn.
Câu chuyện phim diễn ra tại TP.HCM nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam”. Vì vậy, bộ phim “Ròm” phải cắt bỏ một số đoạn và chỉnh sửa cho phù hợp.
Phim từng được lên lịch công chiếu vào ngày 30/7 nhưng phải hoãn vì Covid-19. Bây giờ, sau khi dịch bệnh đã được khống chế cơ bản, bộ phim “Ròm” chính thức ra mắt khán giả từ ngày 25/9.
“Ròm” được đặt theo tên nhân vật chính, cậu bé Ròm sống trong một xóm nghèo. Phim “Ròm” có đề cập đến tệ nạn số đề, nên khiến nội dung nặng nề chăng?
Đạo diễn Trần Thanh Huy tâm sự: “Tôi được sinh ra trong một gia đình lao động. Ba làm nghề sửa xe, mẹ buôn bán và tôi được sống gần gũi với những đứa trẻ bụi đời, những đứa trẻ đường phố. Tôi lang thang đi chơi với họ rất lâu nên phần nào hiểu được đời sống của họ.
Câu chuyện về số đề và những đứa trẻ như Ròm xuất phát từ một phần tuổi thơ của tôi. Số đề là một phần của đời sống người dân lao động Việt Nam, tôi muốn làm phim dựa vào những điều gần gũi với mình nhất. Đa số người lao động nghèo đều biết tới trò may rủi này.
Để có được những con số đánh đề, họ tin vào những điều vô cùng phi lý. Những con số có thể đến từ con vật, sự kiện, giấc mơ hoặc thậm chí có người còn đi cầu cơ để xin số đánh đề.
Thực tế, trò chơi số đề đã ngấm vào máu của nhiều người dân Việt Nam, có người xem nó là một trò mua vui, nhưng cũng có những bộ phận đặt cược cả gia tài vào cuộc chơi may rủi này”.